.

Tập trung giải bài toán thiếu giáo viên trong năm học 2023 - 2024

Cập nhật: 10:12, 21/08/2023 (GMT+7)

Năm học mới đang cận kề, nhưng tình trạng thiếu giáo viên hiện vẫn là bài toán khó không chỉ đối với tỉnh Tiền Giang, mà là của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thiếu giáo viên đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là đối với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. 

THIẾU HƠN 1.000 GIÁO VIÊN

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện thiếu khoảng 400 giáo viên bậc mầm non; khoảng 300 giáo viên bậc tiểu học; khoảng 300 giáo viên bậc THCS và khoảng 100 giáo viên bậc THPT. Dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng về quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học trong việc thực hiện Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tính đến nay, Chương trình GDPT năm 2018 đã triển khai được hơn 3 năm, tuy nhiên, bài toán thiếu giáo viên trong suốt nhiều năm học vừa qua vẫn chưa có “lời giải” nào thỏa đáng. Mặc dù, ngành Giáo dục cũng như chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nguồn tuyển nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn cứ tiếp diễn.

Tiền Giang đang quyết liệt tuyển dụng nguồn giáo viên đang thiếu ở các bậc học.  Ảnh chụp tại Trường THPT Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành.
Tiền Giang đang quyết liệt tuyển dụng nguồn giáo viên đang thiếu ở các bậc học. Ảnh chụp tại Trường THPT Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành.

Tại Trường THCS Thái Văn Nam (huyện Gò Công Đông), với hơn 400 học sinh ở các khối lớp. Hiện trường vẫn còn thiếu 4 giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, trong suốt nhiều năm học qua, mặc dù có nhiều lần tuyển dụng nhưng hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhà trường còn thiếu một số môn xã hội như: Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý…

Theo thống kê của ngành GD-ĐT huyện Gò Công Đông, biên chế giao ngành Giáo dục là 1.351 người, tuy nhiên hiện nay số lượng biên chế là 1.219 người, khuyết 132 người; trong đó bậc mầm non thiếu 42 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 36 giáo viên và bậc THCS thiếu 54 giáo viên. Trong kỳ tuyển dụng năm 2023, theo thống kê, chỉ có 22 thí sinh đăng ký dự tuyển ngành Giáo dục; trong đó, bậc mầm non, THCS mỗi bậc có 6 thí sinh, bậc tiểu học có 10 thí sinh, trong khi chỉ tiêu lại còn rất nhiều.

"Hiện tại, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đang mở 11 lớp bồi dưỡng môn mới trong Chương trình GDPT năm 2018. Trong đợt 1 năm 2023, có 189 giáo viên môn Tin học và Công nghệ, 370 giáo viên Khoa học tự nhiên, 330 giáo viên Lịch sử và Địa lý được bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng do Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đảm nhận thực hiện”.

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN PHƯƠNG TOÀN

Còn tại Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công, nhà trường có khoảng 39 lớp học, tuy nhiên chỉ có 1 giáo viên dạy môn Lịch sử và thỉnh giảng 2 giáo viên nghỉ hưu, trong khi chương trình mới, môn học này là bắt buộc. Nhiều năm gần đây, nhà trường đã chủ động tìm kiếm nguồn tuyển dụng nhưng hầu như không có.

Với bậc học mầm non, mặc dù nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút tuyển dụng, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của nhiều hiệu trưởng bậc học mầm non, mặc dù có cơ chế, có đãi ngộ, tuy nhiên nhiều sinh viên ra trường lại ngại xa, ngại khó, từ đó mất cân đối trong nguồn tuyển. Những trường ở địa bàn thành thị thì nguồn tuyển dồi dào, trong khi đó những trường ở vùng sâu, vùng xa nguồn tuyển rất ít.

Cô Phạm Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ, huyện Tân Phước cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang cần tuyển đến 6 giáo viên mới đủ nguồn giáo viên đang thiếu của trường, nhưng vẫn không có nguồn để tuyển. Qua các kênh trên mạng xã hội, không riêng gì trường chúng tôi, ban giám hiệu một số trường khác đã có thông báo rộng rãi và thậm chí đã chủ động liên lạc với Trường Đại học Tiền Giang để tiếp cận với nguồn sinh viên mầm non sắp ra trường, tuy nhiên, con số đồng ý "đếm trên đầu ngón tay". Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nuôi và dạy trẻ của trường”.

ĐI TÌM LỜI GIẢI

Phân tích nguyên nhân thiếu giáo viên, theo đánh giá của lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục thì có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Thứ nhất, không riêng gì tỉnh Tiền Giang mà hằng năm ngành Giáo dục ở nhiều địa phương vẫn phải cắt 10% biên chế theo Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.

Thứ hai, thời gian qua Tiền Giang có số lượng giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế rất đáng kể. Trong khi đó, nguồn tuyển kế thừa, vào ngành công tác lại khiêm tốn do chế độ tiền lương, đãi ngộ, phụ cấp còn thấp.

Thứ ba, có thể kể đến là chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi về cơ cấu môn học nên có môn thừa, môn thiếu. Từ năm học 2021 - 2022 trở về trước, môn tiếng Anh và Tin học ở tiểu học là tự chọn; các môn Âm nhạc, Mỹ thuật không có trong chương trình THPT. Theo chương trình mới, tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3; Âm nhạc, Mỹ thuật được đưa vào là môn lựa chọn từ lớp 10 nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Ở Tiền Giang, ngoài việc Sở GD-ĐT có thẩm quyền tuyển dụng cho 38 đơn vị THPT trực thuộc thì ở các bậc học còn lại THCS, tiểu học, mầm non lại không phải là đơn vị Phòng GD-ĐT chủ trì, từ đó dẫn tới việc không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.

Đứng trước tình trạng thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm liền, hiện tại, các cơ sở giáo dục đang tìm giải pháp để khắc phục. Theo đánh giá của nhiều trường, giải pháp trước mắt là hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, hiện rất nhiều trường cũng không có nguồn giáo viên để hợp đồng, nhất là các trường nằm xa khu vực trung tâm. Một giải pháp tiếp theo là các trường thỉnh giảng giáo viên từ các trường khác, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp chắp vá, tạm thời, bởi rất khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên. Còn một số trường THCS, THPT do chưa có hoặc chưa đủ nhân sự, không ít giáo viên phải kiêm nhiệm dạy thêm các môn chưa đúng trình độ chuyên môn.

Về giải pháp lâu dài, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tuyển dụng giáo viên hằng năm và đề xuất chính sách thu hút sinh viên sư phạm làm việc tại vùng khó khăn trên địa bàn, nhất là chuyên ngành khó tuyển dụng. Tuy nhiên, về phương hướng lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh đang phối hợp với các trường đại học liên kết trong việc đào tạo nguồn giáo viên cho tỉnh nhà, đặc biệt là ở các bộ môn đặc thù khó tuyển dụng của tỉnh trong nhiều năm qua như: Lịch sử, Địa lý… Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ráo riết tuyển dụng nguồn giáo viên trước thềm năm học mới, như: Huyện Châu Thành 229 chỉ tiêu, TP. Mỹ tho 103 chỉ tiêu…

ĐỖ PHI

.
.
.