Trăn trở học phí đại học
Hàng trăm ngàn thí sinh trên cả nước trúng tuyển đại học đang đến các trường làm thủ tục nhập học. Thế nhưng, niềm vui bỗng chuyển thành nỗi lo khi biết được mức học phí cao chót vót, từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng mỗi năm học.
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ thực hành. |
Có trường hợp là con hộ nghèo được hỗ trợ giảm 50% học phí nhưng vẫn không đủ khả năng chi trả, đành dừng nhập học ngành Y khoa để chờ xét tuyển bổ sung.
Bức tranh học phí đại học hiện nay của các trường đại học có thể chia thành 3 nhóm: nhóm trường đại học công lập chưa tự chủ; nhóm trường đại học tự chủ (đa phần là tự chủ về tài chính và vài trường tự chủ hoàn toàn); nhóm trường đại học ngoài công lập, hay còn gọi là trường đại học tư). Đối với nhóm trường đại học công lập chưa tự chủ, học phí thu theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ban hành ngày 27-8-2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (có hiệu lực từ ngày 15-10-2021). Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong hai năm qua, Chính phủ có chỉ đạo không tăng học phí theo quy định tại Nghị định 81. Với những trường này, học phí dao động từ 12 triệu đồng - 24,5 triệu đồng/năm. Trong khi đó, mức học phí theo Nghị định 86 dao động từ 9,8 triệu đồng - 14,3 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, học phí của các trường đại học công lập tự chủ theo Nghị định 81 với mức học phí cao hơn từ 2-2,5 lần so với cơ sở chưa tự chủ. Điều này có nghĩa là, ngành Y khoa học phí trường tự chủ sẽ thu ở mức từ 49-61,25 triệu đồng/năm. Và hiện nay nhiều trường có mức học phí khá cao như: Ngành Y khoa của Trường ĐH Y Dược TPHCM có mức học phí 74,8 triệu đồng/năm; học phí các chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Luật TPHCM từ 62,5-165 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể các chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế... các trường được tự do xác định mức học phí. Với các trường đại học tư, học phí các ngành Y khoa còn cao hơn. Trường ĐH Tân Tạo thu bình quân 150 triệu đồng/năm; ngành Răng hàm mặt của Trường ĐH Văn Lang học phí dao động khoảng 200 triệu đồng/năm, ngành Y khoa từ 170 - 196 triệu đồng/năm; ngành Răng hàm mặt của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là 180 triệu đồng/năm...
Như vậy, với ngành Y khoa, để ra trường, sinh viên phải đóng học phí trên dưới 1 tỷ đồng ở đại học tư, còn với trường công lập tự chủ cũng ngót nghét nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều trường cho rằng mức học phí nói trên là thỏa đáng nếu so với mức học phí vài chục ngàn USD/năm với nước ngoài, trong khi “quên mất” việc chất lượng đào tạo hoàn toàn không thể sánh bằng. Thậm chí, nhiều trường đại học tư thiếu đội ngũ giảng viên, thiếu cơ sở, máy móc, thiết bị thực hành. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chính sách tín dụng sinh viên ở Việt Nam, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, còn thiếu hấp dẫn. Phần đông sinh viên đi học hiện nay tự phải lo kinh phí từ nguồn gia đình, thiếu sự hỗ trợ lâu dài từ phía Nhà nước.
Chất lượng giáo dục đại học không chỉ có việc tăng học phí là có ngay được chất lượng. Do đó, để giảm nỗi lo và gánh nặng học phí cho người học, cần nghiên cứu, tăng ngân sách cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Cùng với đó, giải pháp kèm theo là chính sách tín dụng cho người học. Để giảm khoảng cách tiếp cận đại học giữa nông thôn và thành thị, cần điều chỉnh chính sách tín dụng bằng cách tăng số tiền cho sinh viên nghèo vay và không lấy lời sau khi tốt nghiệp, hay mọi người học đại học đều có thể tiếp cận được với chính sách tín dụng của Nhà nước.
(Theo sggp.org.vn)