Dạy, học ngoại ngữ đáng suy ngẫm từ những con số
Phổ điểm môn Tiếng Anh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT thể hiện khá chân thật thực trạng dạy và học tiếng Anh tại các vùng miền.
Giờ học tại Trường THPT Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Chênh lệch giữa các tỉnh thành có nguyên nhân từ khác biệt về điều kiện dạy học, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, đầu tư của phụ huynh và học sinh đối với môn học này.
Thấy gì từ phổ điểm Tiếng Anh 2 đỉnh?
Theo công bố của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cả nước có 876.102 thí sinh làm bài thi môn Tiếng Anh. Kết quả, điểm trung bình của thí sinh là 5,45 điểm, điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 4,2 điểm, hơn 392.000 thí sinh (44,8%) đạt điểm dưới trung bình. Đây là môn có điểm thi tốt nghiệp THPT thấp nhất.
Theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Tiếng Anh xuất hiện 2 đỉnh. Trong đó, đỉnh thứ nhất nằm trong quãng 4 - 5 điểm. Đỉnh thứ hai nằm trong khoảng 7 - 9 điểm.
Cần phân loại cụ thể địa phương, vùng miền nào có phổ điểm lệch trái, nơi nào với điều kiện ra sao thì phổ điểm lệch phải hoặc môn thi nào có phổ điểm “đẹp - cân xứng” hoặc “kỳ lạ”. Những phân tích ấy sẽ giúp các địa phương, đặc biệt là sở GD&ĐT điều chỉnh công tác chỉ đạo và triển khai dạy học để chất lượng giáo dục được nâng lên. - Ông Đặng Tự Ân |
Đỉnh thứ nhất (cao hơn) lệch về bên trái, tương ứng với điểm của số đông thí sinh, cho thấy nhóm học sinh này ít đầu tư/được đầu tư học môn Tiếng Anh nên điểm bình quân thấp (quãng 4 - 5 điểm). Nhóm học sinh này thường ở các địa phương có điều kiện dạy học, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, sự quan tâm đầu tư của phụ huynh và học sinh cho dạy và học môn Tiếng Anh hạn chế hơn. Bên cạnh đó, có thể mục đích thí sinh nhóm này chủ yếu là lấy điểm thi để xét tốt nghiệp.
Đỉnh thứ hai (thấp hơn) lệch về bên phải, tương ứng với điểm của một bộ phận học sinh ở vùng thuận lợi. Thường những em này có sự đầu tư nghiêm túc cả về thời gian, kinh phí cho việc học tiếng Anh, mục đích lấy kết quả môn thi để xét tuyển vào đại học hoặc du học nước ngoài.
“Năm 2023, số điểm 10 môn thi Tiếng Anh là 555; trong khi số điểm dưới trung bình có tới 44,83% - bằng gần một nửa số học sinh dự thi. Những thí sinh điểm thi giỏi sẽ nằm ở khu vực có đỉnh thứ hai. Có nhiều yếu tố khác nhau như, tác động của hội nhập, phong trào học tiếng Anh ở nhiều vùng trong cả nước đã tác động tới kết quả điểm thi.
Tuy nhiên, khoảng cách về chất lượng của nhóm học sinh thuộc khu vực có hai đỉnh 1 và 2 lại quá xa trong phổ điểm. Đặc biệt, phổ điểm này của cả nước khá giống với phổ điểm kết quả thi tiếng Anh của một số tỉnh, thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học giữa các quận, huyện, như TP Hà Nội hay TPHCM”, ông Đặng Tự Ân nhận định.
Cô Đinh Thị Bích Liên và học trò trong giờ Tiếng Anh. Ảnh: NVCC |
Chênh lệch vùng miền
Nhiều năm qua, Hà Nội luôn là địa phương nằm trong tốp tỉnh thành có điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh năm 2023 cao nhất cả nước. Theo cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội), khi cả gia đình và nhà trường đều quan tâm, đầu tư, điều kiện cơ sở vật chất tốt, đương nhiên kết quả điểm thi sẽ cao hơn. Hà Nội là địa phương nằm trong số này. Còn nơi khó khăn, điều kiện sống tối thiểu còn chưa bảo đảm thì việc học tốt môn với đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mới giúp người học hoàn thiện được một ngôn ngữ là điều xa xỉ.
Tuy nhiên, dù tiếp tục là môn học có kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp nhất, cô Đinh Thị Bích Liên cũng cho rằng, thực tế điểm thi môn học này đã tăng dần trong những năm gần đây. Cụ thể, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, số học sinh đạt điểm 10 gấp 3 lần so với năm ngoái. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của cả thầy, trò và ngành Giáo dục địa phương. Sở dĩ môn Tiếng Anh kết quả vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của bố mẹ do đặc thù môn học, điều kiện kinh tế của vùng miền.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: Qua phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh 4 năm liền kề, ta thấy điểm trung bình và trung vị của 2 năm gần đây có xu hướng tăng. Trong đó phổ điểm có xu hướng giảm ở mức điểm từ 0,0 - 4,0 điểm, tăng dần ở mức điểm từ 4,0 - 8,0 điểm và phân hóa dần ở mức điểm trên 8,0. Điều này cho thấy kết quả học tập môn Tiếng Anh của đại đa số học sinh trên cả nước có tiến bộ.
Tuy nhiên, kết quả thi không đồng đều giữa các địa phương. Đối với tỉnh/thành có điều kiện với nhiều cơ sở giảng dạy ngoại ngữ ngoài công lập và mức đầu tư của phụ huynh lớn thường có kết quả cao hơn khu vực còn lại. Đối với Vĩnh Long, kết quả môn Tiếng Anh trong 4 năm qua cơ bản ổn định. Trừ năm 2021, Vĩnh Long xếp hạng 23 toàn quốc do tỉnh tổ chức giảng dạy trực tuyến hơn 2/3 thời gian năm học. Các năm còn lại tỉnh được xếp hạng 15, 16, 17 toàn quốc. Đặc biệt, tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Tiếng Anh luôn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước.
So với mặt bằng chung, Hòa Bình là địa phương có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở tốp thấp. Theo bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT, tuy có phổ điểm thấp do đặc thù môn học, vùng miền, văn hóa, nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT của tỉnh đã khởi sắc so với những năm trước; chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, năm học 2021 điểm trung bình thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh nâng từ 3,36 điểm (năm 2020) lên 4,38 điểm (điểm trung bình môn Tiếng Anh toàn quốc là 4,57). Điểm trung bình năm 2022 đạt 4,25 điểm (điểm trung bình môn Tiếng Anh toàn quốc là 5,15 điểm); năm 2023 đạt 4,41 điểm (điểm trung bình môn toàn quốc là 5,45 điểm).
Bà Bùi Thị Kim Tuyến thẳng thắn thừa nhận triển khai dạy học tiếng Anh ở một số huyện còn gặp khó khăn. Cụ thể: Phòng GD&ĐT không có chuyên viên phụ trách tiếng Anh; việc phân bổ giáo viên tiếng Anh ở các trường trên cùng một địa bàn chưa hài hòa, cân đối; chất lượng đội ngũ còn hạn chế, yếu về phương pháp giảng dạy, chưa có điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với chuyên gia, người nước ngoài.
Một bộ phận giáo viên bộ môn Tiếng Anh chưa đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu (B2 đối với giáo viên THCS, C1 đối với giáo viên THPT). Tỉnh cũng gặp khó khăn trong tuyển dụng và chưa có phương án khả thi để có nguồn giáo viên tiếng Anh ổn định. Tỷ lệ học sinh THCS, THPT được học chương trình tiếng Anh 10 năm của Hòa Bình còn thấp. Ý thức học tập môn tiếng Anh của nhiều em chưa cao, nhất là ở cấp THPT. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học tiếng Anh 4 tiết/tuần của Hòa Bình cũng còn thấp…
Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Tiếng Anh. |
Rõ nguyên nhân để có giải pháp
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn ngoại ngữ khối 12 cho cả lớp chọn và lớp chống điểm liệt, cô Đinh Thị Bích Liên phân tích các nguyên nhân dẫn đến thực tế môn Tiếng Anh chưa cải thiện được vị trí của mình so với môn học khác. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là nhiều địa phương chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên chưa bảo đảm để triển khai Chương trình môn Tiếng Anh hệ 10 năm.
Bên cạnh đó, đề thi tốt nghiệp THPT dùng cho 2 mục đích, vừa để xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học nên phân loại rõ ràng. Có những câu hỏi khó, từ vựng của bài đọc nâng cấp dần trình độ theo từng năm. Ngoài ra, thực tế một số em chỉ đặt mục tiêu chống điểm liệt môn Tiếng Anh nên học lệch là không tránh khỏi.
Trong khi môn Ngoại ngữ rất cần sự chuẩn bị dài hơi của người học, đặc biệt là từ THCS. Nhiều học sinh không nỗ lực ngay từ đầu dẫn đến tình trạng mất “gốc” và dù nỗ lực trong những giai đoạn cuối lớp 12 cũng chỉ đạt mức trung bình khá. Người học không thể một sớm một chiều, ngày một ngày hai cải thiện được ngay năng lực tiếng Anh của mình.
Cô Đinh Thị Bích Liên đồng thời nhấn mạnh nguyên nhân điểm thi Tiếng Anh thấp từ sự khác biệt giữa cách thức thi và đặc thù môn học. Hiện nay, việc dạy và học môn Tiếng Anh đang theo đường hướng giao tiếp, phát triển năng lực giao tiếp thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, chú trọng nhiều đến 2 kỹ năng nghe và nói.
Tuy nhiên, đề thi tốt nghiệp THPT chỉ kiểm tra trong giới hạn đề trắc nghiệm nghiêng nhiều về từ vựng, ngữ pháp và đọc hiểu. Khác biệt này và chế độ quy đổi điểm tốt nghiệp môn Tiếng Anh khi có điểm IELTS cũng là một trong những nguyên nhân nhiều em giỏi ngoại ngữ đã dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển vào đại học, cũng như xét tốt nghiệp THPT mà không tham dự trực tiếp Kỳ thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh.
“Còn có nguyên nhân từ việc một thời gian dài học sinh hầu như tự học tiếng Anh ở nhà thông qua học online trong giai đoạn Covid-19, nên không có môi trường giao tiếp thực tế, không có môi trường để tôi luyện, rèn rũa. Mong rằng, trong giai đoạn mới, các em nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, gia đình có sự đầu tư sớm hơn cho con em mình.
Cùng với đó, có chế độ xét tuyển riêng về môn Ngoại ngữ với những học sinh vùng sâu, xa, nơi thật sự khó khăn về kinh tế cũng như tiếp cận với môn ngoại ngữ. Có như vậy, môn học này sẽ có kết quả xếp hạng cao hơn so với môn học khác”, cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ.
Thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 của 63 tỉnh thành cho thấy, TPHCM là địa phương có điểm trung bình môn Tiếng Anh cao nhất với 6,76 điểm. Các tỉnh thành có điểm trung bình từ 6 trở lên là Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng và Vĩnh phúc xếp ở các vị trí tiếp theo. Nhóm địa phương có điểm thi từ 6 hoặc gần 6 điểm trở lên là vùng thuận lợi, các thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc tỉnh thành phát triển mạnh du lịch, có nhiều các khu công nghiệp/khu chế xuất… Có điểm thi môn Tiếng Anh thấp nhất chủ yếu là khu vực miền núi phía Bắc, một số tỉnh ở Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
(Theo giaoducthoidai.vn)