Đến hẹn lại lo…
“Lạm thu” đầu năm học không phải là câu chuyện mới nhưng luôn thời sự và trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Nhiều người ví, lạm thu đã trở thành vấn đề “đến hẹn lại lo” mỗi khi bước vào năm học mới.
Nhiều phụ huynh bày tỏ không đồng tình, thậm chí bức xúc với một số khoản thu tự nguyện đầu năm học. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, phụ huynh không giấu nổi bức xúc khi nhiều khoản đóng góp gắn mác “tự nguyện”; chẳng hạn như: San lấp để làm nhà xe của học sinh; mua sắm, cho tặng điều hòa; tiền photo, mua vở ghi, tivi… và nhiều khoản thu, cùng các loại quỹ khác.
Nhiều người quan ngại, dường như phụ huynh đang nghiễm nhiên phải có trách nhiệm chia sẻ với nhà trường để con họ có điều kiện học tốt hơn. Vô hình trung, chủ trương xã hội hóa đang bị “biến tướng”, lách luật để các trường “tận thu”.
Mấy năm nay, chúng ta vẫn kêu gọi các địa phương, cơ sở giáo dục đại học không tăng học phí, thậm chí là miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên để giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh khi mà kinh tế của phần lớn gia đình vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa (giaoducthoidai.vn/) |
Song nếu nhìn vào bảng thống kê số tiền phụ huynh nộp đầu năm học, học phí chỉ là con số khiêm tốn so với các khoản quỹ, phí, lệ phí khác. Bao nhiêu khoản thu là bấy nhiêu gánh nặng dồn lên vai phụ huynh, nhất là với gia đình khó khăn, đông con trong tuổi ăn học.
Chẳng thế mà, một số phụ huynh bức xúc và phàn nàn về việc “giảm chỗ nọ nhưng lại “phình” chỗ kia” và chẳng khác gì “đánh bùn sang ao”. Quan ngại hơn, lạm thu trong trường học đã làm mất đi ý nghĩa nhân văn của chủ trương không tăng phí mà Bộ GD&ĐT, Chính phủ đã quyết tâm thực hiện.
Vẫn biết, xã hội hóa là chủ trương đúng nhằm huy động phụ huynh, xã hội cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Song giữa xã hội hóa và lạm thu là ranh giới mong manh dễ bị phá vỡ. Vì thế, nếu chủ trương đúng nhưng cố tình làm sai là có tội, làm xói mòn niềm tin của phụ huynh với nhà trường.
Do vậy, để ngăn chặn tình trạng lạm thu, xã hội hóa cần thực hiện dựa trên các nguyên tắc: Đúng quy định, không “biến tấu, lách luật” các khoản thu; công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm ngăn chặn kịp thời các hiện tượng lạm thu trong trường học. Đặc biệt, công tác này phải thực hiện sát sao, nghiêm túc ở những “điểm nóng”, nơi mà dư luận xã hội phản ánh, bức xúc.
Đối với phụ huynh, cần nắm rõ quy định về các khoản được thu và không được thu trong nhà trường; từ đó thực hiện tốt vai trò phản biện và giám sát. Phụ huynh cần kiên quyết từ chối nộp những khoản tiền không đúng quy định.
Song, suy cho cùng, chống lạm thu trong trường học cần thực hiện quyết liệt và bắt đầu từ lãnh đạo cơ sở giáo dục. Bởi nếu hiệu trưởng không im lặng hoặc cố tình “lách luật” và nếu hiệu trưởng giám sát chặt chẽ, sát sao hơn các khoản thu, chi thì lạm thu sẽ không còn là câu chuyện “đến hẹn lại lên” mỗi khi bước vào năm học mới.
Vì thế, thiết nghĩ, cần xử lý thật nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu tại đơn vị. Cùng với đó, truy trách nhiệm của trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường nhằm ngăn chặn tận gốc “biến tướng” của đóng tiền tự nguyện, xã hội hóa giáo dục.
(Theo giaoducthoidai.vn)