.
GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TIỀN GIANG LÊ QUANG TRÍ:

Tập trung trí tuệ, đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023 - 2024

Cập nhật: 09:00, 04/09/2023 (GMT+7)

Năm học 2023 - 2024 đã chính thức bắt đầu, đây là năm học được toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xác định là năm trọng tâm của đổi mới giáo dục. Đầu năm học mới, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang về những kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.

* PV: Năm học mới bắt đầu, Tiến sĩ có thể chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT tỉnh nhà trong năm học 2023 - 2024?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Năm học 2023 - 2024 là năm học ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI của tỉnh; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 cụ thể như sau:

Thứ nhất, toàn ngành GD-ĐT tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT.

Thứ hai, năm học 2023 - 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là với việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.

Thứ ba, năm học 2023 - 2024, toàn ngành sẽ triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 4, 8 và 11; đồng thời sẽ rút kinh nghiệm đối với các khối lớp đã triển khai trong các năm học vừa qua và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Thứ tư, toàn ngành sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục mầm non, GDPT và Giáo dục thường xuyên. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành GD-ĐT. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành. Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tăng cường công tác truyền thông trong GD-ĐT.

Thứ sáu, nhiệm vụ quan trọng đó là, toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT ở tất cả các bậc học, tăng cường giáo dục kỹ năng, lối sống, đạo đức cho học sinh.

* PV: Cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh Tiền Giang cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học. Trong năm học mới này, ngành GD-ĐT sẽ có những giải pháp nào?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Vấn đề thiếu giáo viên được xem là khó khăn chung của toàn ngành Giáo dục các địa phương trong cả nước, không riêng gì tỉnh Tiền Giang. Để giải quyết khó khăn này, một trong những giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược được toàn ngành đưa ra là tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2023 - 2024 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT năm 2018. Theo đó, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục tuyển dụng giáo viên hằng năm và đề xuất chính sách thu hút sinh viên sư phạm làm việc tại vùng khó khăn trên địa bàn, nhất là chuyên ngành khó tuyển dụng.

Học sinh nô nức tựu trường đón năm học mới. Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho.
Học sinh Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân (TP. Mỹ Tho) nô nức tựu trường đón năm học mới.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 1374 về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, về phương hướng lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh đang phối hợp với các trường đại học liên kết trong việc đào tạo nguồn giáo viên cho tỉnh nhà; đặc biệt là ở các bộ môn đặc thù khó tuyển dụng của tỉnh trong nhiều năm qua như: Lịch sử, Địa lý…

Đồng thời, ngành sẽ thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình GDPT năm 2018; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

* PV: Trước thềm năm học mới, Tiến sĩ muốn nhắn gửi tới cán bộ, giáo viên, học sinh?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Năm học 2023 - 2024 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới và việc đổi mới phải thật sự đi vào chiều sâu, do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học này, rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong toàn ngành GD-ĐT.

Công việc phía trước sẽ còn rất nhiều, chính vì vậy, hơn bao giờ hết, tôi mong rằng, đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo chúng ta đã cố gắng thì phải cố gắng hơn nữa, đoàn kết, tập trung trí tuệ, thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ năm học được đề ra; không ngừng rèn luyện trau dồi trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt các phong trào thi đua, là tấm gương tốt cho học sinh noi theo.

Đối với các em học sinh cần cố gắng học tập thật tốt, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy, cô giáo, tích cực tham gia các hoạt động, trau dồi kỹ năng sống, tăng cường rèn luyện đạo đức, lối sống.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

ĐỖ PHI (thực hiện)

.
.
.