.

Tiền Giang: Nhiều kỳ vọng cho năm học mới

Cập nhật: 10:24, 01/09/2023 (GMT+7)

Năm học 2023 - 2024 đã chính thức bắt đầu tại các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Sau khi cho học sinh tựu trường năm học mới, các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tất bật chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học diễn ra vào ngày 5-9 tới đây.

Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học mới đã sẵn sàng với nhiều kỳ vọng của toàn xã hội đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về một năm học đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng GD-ĐT.

SẴN SÀNG CHO NGÀY KHAI GIẢNG

Hơn một tuần qua, 510 CSGD từ bậc mầm non đến THPT đã đồng loạt tổ chức đón học sinh tựu trường. Ghi nhận tại hầu hết các CSGD cho thấy, các CSGD đã cho học sinh trở lại trường an toàn, vui tươi. Trong những buổi học đầu tiên, học sinh phổ thông được các thầy, cô phổ biến nội quy trường lớp, bầu ban cán sự lớp…

Học sinh nô nức tựu trường đón năm học mới. Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho.
Học sinh nô nức tựu trường đón năm học mới. Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho.

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho Lê Văn Dũng, toàn thành phố có 61 CSGD ở 3 bậc học: Mầm non, tiểu học và THCS. Trong tuần qua, vào ngày 21-8, học sinh khối tiểu học trên địa bàn thành phố tựu trường và ngày 28-8, học sinh các bậc học khác cũng đã tựu trường cho năm học mới. Các hoạt động đón học sinh tựu trường đã được triển khai, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, tạo không khí hân hoan cho toàn thể học sinh, giúp học sinh có tâm lý thoải mái để vài ngày tới đây tham dự lễ khai giảng và sẵn sàng bước vào năm học mới.

Những ngày qua, thầy và trò Trường Tiểu học Kim Đồng,TP. Mỹ Tho đang nỗ lực hoàn tất các khâu chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới. Cơ sở vật chất, cảnh quan trường học được tôn tạo, sửa chữa khang trang, sạch đẹp. “Sau khi đón học sinh tựu trường, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai giảng vui tươi, trang trọng và ý nghĩa. Giáo viên, học sinh đã chuẩn bị, tập dượt, lên kịch bản nhiều tiết mục văn nghệ vui tươi cho ngày khai giảng” -  Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Tùng cho biết.

Trường Mầm non Song Thuận (huyện Châu Thành) cũng đang nô nức chuẩn bị Ngày hội “Bé vui đến trường” chào mừng năm học mới. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Với bậc học mầm non có đặc thù nhất định, chính vì thế công tác chuẩn bị cho công tác khai giảng cũng hết sức chu đáo, tạo ấn tượng sâu đậm đối với trẻ. Các tiết mục văn nghệ, trò chơi trong buổi lễ khai giảng phải làm sao cho trẻ thật sự cảm nhận được hết ý nghĩa của ngày hội đến trường. Bằng sự sáng tạo và tỉ mỉ, các lớp học đã được trang trí, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới”.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, công tác tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 phải đảm bảo thiết thực, an toàn và tiết kiệm; phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng. Riêng CSGD mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Bé vui đến trường” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng cơ sở và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Các hoạt động ngày hội chào đón học sinh đầu cấp và chào đón năm học mới phải phù hợp văn hóa ứng xử trong trường học, phù hợp lứa tuổi học sinh, văn hóa truyền thống dân tộc và điều kiện nhà trường.

NHỮNG VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐẶT RA

Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 4 toàn ngành GD-ĐT triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Đây là năm học được toàn ngành xác định yêu cầu đổi mới cần đi vào chiều sâu, đến từng môn học. Vấn đề đặt ra là toàn ngành GD-ĐT cần có phương án tính toán, đồng bộ các giải pháp nâng chất lượng GD-ĐT. Tuy nhiên, qua hơn 2/3 chặng đường của quá trình đổi mới, toàn ngành GD-ĐT đã phải đối diện với không ít khó khăn, bất cập.

 

Trong những năm qua, vấn đề cơ sở vật chất tuy đã được tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa, tuy nhiên một số địa phương vẫn còn nhiều phòng học xuống cấp, chưa được xây dựng mới, nhiều điểm trường do thiếu phòng học nên không có điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, dạy Tin học, Tiếng Anh 4 tiết/tuần và xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục còn thiếu diện tích đất, thiếu phòng chức năng, phòng hành chánh quản trị, vẫn còn không ít các phòng học đã xuống cấp nhưng chưa được xây mới; bàn ghế cũ, hư hỏng, nhiều trường chưa có đủ máy vi tính và các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc thực hiện chương trình.

Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của ngành mặc dù được tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, song chưa đủ để đáp ứng việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Một số CSGD còn thiếu giáo viên để giảng dạy các môn: Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc và Tin học. Hiện toàn ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang cần bổ sung hơn 1.000 giáo viên ở các bậc học.

Song song với việc dạy kiến thức, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là một trong những vấn đề tiếp tục nhận được nhiều kỳ vọng trong năm học 2023 - 2024. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, toàn ngành GD-ĐT sẽ tập trung đổi mới, nâng chất GD-ĐT, trong đó quan tâm chú ý việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho các em học sinh. Chính vì vậy, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp của năm học, ngành sẽ quan tâm nâng chất đội ngũ thầy, cô giáo trong toàn ngành, không chỉ là chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải tập trung đào tạo về tư tưởng, kỹ năng để các thầy, cô giáo có thêm nhiều kiến thức về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh như mong đợi của nhân dân, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Để giải quyết câu chuyện nâng chất giáo dục ở các bậc học, trong năm học 2023 - 2024, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với: Lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 (cấp tiểu học); lớp 6, lớp 7, lớp 8 (cấp THCS); lớp 10 và  lớp 11 (cấp THPT); tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 (Chương trình GDPT 2006) theo hướng tinh giản, phù hợp và tiếp cận Chương trình GDPT 2018.

Trong quá trình dạy và học, các CSGD sẽ tăng cường đổi mới phương  pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình mới; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD- ĐT. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT năm 2018; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với Kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Ngoài ra, toàn ngành sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp; tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2023 - 2024 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT năm 2018.

Năm học mới bắt đầu, trong niềm phấn khởi và hân hoan, tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ gặt hái nhiều thành công trong năm học 2023 - 2024.

ĐỖ PHI

.
.
.