.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng giữ ổn định

Cập nhật: 18:08, 07/10/2023 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, việc chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2023. Đồng thời, Bộ sẽ xúc tiến chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay trong năm học 2023 - 2024.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NGUYỆT ANH
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NGUYỆT ANH

Năm 2024: Theo hướng ổn định, thuận lợi

Bộ GD&ĐT lưu ý về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 như sau: Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có).

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý: Chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2023; xúc tiến chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay trong năm học 2023-2024.

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GD&ĐT. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước, gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra của UBND cấp tỉnh và trách nhiệm tham mưu của sở GD&ĐT trong chỉ đạo tổ chức thi tại địa phương.

Tăng cường bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm công tác khảo thí, đồng thời với lựa chọn, tổ chức tập huấn lực lượng giáo viên xây dựng câu hỏi thi, ra đề thi phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Bộ GD&ĐT yêu cầu làm tốt công tác lựa chọn chuẩn bị nhân sự cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; tăng cường quán triệt Quy chế thi tốt nghiệp THPT; nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi…

Thi tốt nghiệp từ năm 2025: ít xáo trộn

Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang là thông tin thu hút sự quan tâm dư luận xã hội. Đây là năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi dự kiến có 11 môn.

Điểm mới đáng chú ý là bên cạnh số môn bắt buộc, thí sinh được tự chọn môn thi. Chủ trương được Bộ GD&ĐT khẳng định là không có nhiều xáo trộn so với hiện nay và bảo đảm thuận lợi cho thí sinh.

Lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn thành chu kỳ đầu tiên ở cấp THPT vào năm 2025 - năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp. Cả nước có khoảng 1 triệu học sinh đang theo học lớp 11 và sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm sau. Vì vậy, dự thảo phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được học sinh, phụ huynh và các nhà giáo đặc biệt quan tâm.

Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương thông tin, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ thi 11 môn gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Trong số này có một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Hình thức thi vẫn được giữ ổn định, trong đó môn ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại trắc nghiệm khách quan. Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12 nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ công bố phương án thi cụ thể vào quý IV năm nay.

Theo đó, sẽ quy định khung thời gian tổ chức kỳ thi (lịch thi chung) phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước. Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, sẽ duy trì cách thức xét kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh và kết quả thi tốt nghiệp.

Với những thông tin Bộ GD&ĐT vừa công bố, có thể thấy, so với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và những năm gần đây, mục đích, phương án tổ chức cũng như hình thức làm bài thi các môn cơ bản ổn định, không có nhiều xáo trộn.

Liên quan đến đề thi, đã có nhiều ý kiến đề xuất nên phân cấp cho địa phương nhằm hạn chế nguy cơ có thể có ý trong câu hỏi của kỳ thi quốc gia trùng với đề thi của một địa phương, đồng thời tăng trách nhiệm của địa phương trong các khâu tổ chức kỳ thi.

Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tiếp tục phân cấp mạnh, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tại tỉnh, thành phố mình. Bộ vẫn sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thông tin mới liên quan đến đề thi, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi từ năm 2025 vẫn có sự kế thừa với định dạng đề thi hiện hành, song có sự phát triển để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực. Đề thi có thể có thêm các dạng thức như dạng trắc nghiệm bốn phương án đúng/sai, dạng thức câu hỏi mở nhưng trả lời ngắn. Dự kiến trong tháng 10 và 11 tới, Bộ sẽ xây dựng định dạng đề thi và tiến hành thử nghiệm ở một số địa phương.

Trước nhiều ý kiến đề xuất sớm công bố rõ số lượng môn thi để học sinh và giáo viên chủ động và có thời gian chuẩn bị, Bộ GD&ĐT cho biết đang tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.