Không đưa hoạt động ngoại khóa vào chương trình chính khóa trong trường tiểu học
Thời gian qua, dư luận quan tâm đến thông tin đưa các hoạt động ngoại khóa vào các giờ học chính khóa tại một số trường tiểu học ở TP. Hồ Chí Minh gây ra nhiều bức xúc ở phụ huynh. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã có hướng dẫn, chấn chỉnh kịp thời việc tổ chức các hoạt động chính khóa và ngoại khóa trong trường tiểu học. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng.
* PV: Đồng chí có thể cho biết, những hoạt động chính khóa và ngoại khóa trong các trường tiểu học hiện nay ở Tiền Giang?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Hoạt động chính khóa trong nhà trường được hiểu là hoạt động dạy học/giáo dục cho học sinh, trong đó đảm bảo đủ số giờ dạy theo quy định, như: 7 tiết/ngày đối với các lớp tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (trên 5 buổi/tuần) và 5 tiết/ngày đối với các lớp tổ chức dạy học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), đảm bảo đủ số tiết học và số môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, tự chọn theo quy định Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 4 và Chương trình GDPT hiện hành (năm 2006) đối với lớp 5.
Hoạt động chính khóa trong nhà trường bao gồm các hoạt động dạy học các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, tự chọn buổi sáng và buổi chiều theo chương trình quy định của Bộ GD-ĐT. Tổ chức dạy học các môn học/hoạt động giáo dục buổi sáng gồm 4 tiết và buổi chiều gồm 3 tiết, mỗi tiết học/hoạt động giáo dục từ 35 - 40 phút.
Hoạt động ngoại khóa trong nhà trường được hiểu là hoạt động giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học sinh không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt và được tổ chức trong khoảng thời gian sau giờ học chính khóa và các ngày nghỉ trong tuần. Hoạt động ngoại khóa trong nhà trường bao gồm các hoạt động theo nhu cầu, sở thích, năng lực của học sinh, như: Sinh hoạt câu lạc bộ, giáo dục cá biệt đối với học sinh khuyết tật, dạy Tiếng Anh tăng cường, tham quan dã ngoại, hoạt động thể dục thể thao, hoạt động nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật), tìm hiểu văn hóa, lịch sử, phát triển năng lực các môn học/hoạt động giáo dục…
* PV: Việc bố trí các môn Tiếng Anh, Tin học ở bậc tiểu học sẽ như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Môn học tự chọn làm quen Tiếng Anh và Tin học lớp 1, lớp 2 là các môn học quy định trong Chương trình GDPT năm 2018, là các môn học thuộc về hoạt động chính khóa trong nhà trường với thời lượng 2 tiết/tuần đối với môn Tiếng Anh và 1 tiết/tuần đối với môn Tin học. Trường hợp học sinh đã học đủ số giờ theo quy định nêu trên nhưng có nhu cầu đăng ký học tăng cường thì các tiết học này thuộc về hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
Đối với các nhà trường chưa có hoặc chưa đủ số lượng giáo viên dạy môn Tiếng Anh hoặc môn Tin học cho học sinh lớp 3, lớp 4 phải hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên. Những tiết học này tuy là giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng phụ trách nhưng vẫn là hoạt động chính khóa trong nhà trường với thời lượng 4 tiết/tuần đối với môn Tiếng Anh và 1 tiết/tuần đối với môn Tin học, vì đây là các môn học bắt buộc theo quy định Chương trình GDPT năm 2018. Đối với lớp 5, môn Tin học và Tiếng Anh là các môn học tự chọn theo Chương trình GDPT năm 2006.
* PV: Đồng chí cho biết, để tổ chức các hoạt động giáo dục cho phù hợp trong các trường tiểu học, ngành GD-ĐT tỉnh đã có những chỉ đạo, định hướng như thế nào?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Hằng năm, Phòng GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường tại các nhà trường phổ thông có lớp tiểu học thuộc địa bàn quản lý. Không tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào hoạt động chính khóa trong nhà trường và không sắp xếp các hoạt động ngoại khóa vào thời khóa biểu các hoạt động chính khóa trong nhà trường.
Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức trong và ngoài nhà trường. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý và triển khai cho giáo viên thực hiện bản cam kết không tham gia dạy thêm. Nếu xảy ra tình trạng có giáo viên dạy thêm, hiệu trưởng và giáo viên chịu trách nhiệm với cơ quan có thẩm quyền quản lý.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
ĐỖ PHI (thực hiện)