Kiểm tra, đánh giá cần phù hợp, tránh tạo áp lực cho học sinh
Kiểm tra, đánh giá (KT-ĐG) là một trong những yêu cầu bắt buộc của công tác dạy và học. Cùng với việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã triển khai đổi mới việc KT-ĐG theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC KT-ĐG
Học sinh Trường THCS Bình Ninh, huyện Chợ Gạo trong giờ học. |
Hiện nay, các cơ sở giáo dục từ tiểu học (khối lớp 4 và 5) đến trung học phổ thông đang cho thực hiện kiểm tra giữa học kỳ 1, năm học 2023 - 2024. Việc ra đề KT-ĐG học sinh được các trường tự chủ thực hiện trên tinh thần nghiêm túc, công bằng, khách quan. Theo đó, mỗi tổ chuyên môn sẽ ra 4 đề thi, ban giám hiệu sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định ra các đề thi cuối cùng.
Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường trung học cơ sở (THCS) ở huyện Châu Thành cho biết: “So với trước đây, việc ra đề kiểm tra công phu hơn rất nhiều. Các ngữ liệu ở phần đọc hiểu thường lấy bên ngoài. Chính vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải xem xét, nghiên cứu tính chính xác về nội dung của ngữ liệu. Các câu hỏi ra trong đề thi phải bao quát mặt bằng chung của học sinh, không ra những câu quá khó, tuy nhiên cũng không hẳn quá dễ. Mỗi lần làm đề kiểm tra là phải kéo dài 5 đến 7 ngày mới hoàn thiện, sau đó sẽ được giáo viên trong tổ phản biện, góp ý, chỉnh sửa”.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục tiểu học đang vận dụng Thông tư 27 và bậc trung học vận dụng theo Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong KT-ĐG học sinh. Một trong những điểm mới quan trọng trong KT-ĐG là giảm số lượng bài kiểm tra cho học sinh.
Nếu như trước đây, với học sinh bậc trung học, trung bình mỗi môn sẽ có 7 đến 10 bài kiểm tra trong vòng một học kỳ, thì hiện nay, quy định đối với đánh giá ở trường trung học theo Thông tư 22 thì điểm để đánh giá kết quả học tập của học sinh được xác nhận bằng các điểm đánh giá thường xuyên (hệ số 1), giữa kỳ (hệ số 2), cuối kỳ (hệ số 3). Với những bài kiểm tra thường xuyên đối với những môn học dưới 35 tiết trở xuống có 2 đầu điểm và những môn trên 35 tiết trở lên có 4 đầu điểm.
Bên cạnh đó, việc các cơ sở giáo dục KT-ĐG học sinh theo thông tư mới có ưu điểm là đánh giá bằng cả nhận xét và điểm số nên toàn diện và sát với năng lực của học sinh hơn. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, các trường cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và KT-ĐG theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Ngoài ra, việc đổi mới KT-ĐG đã tạo ra hướng mở trong hình thức KT-ĐG. Theo đó, ngoài hình thức kiểm tra viết, giáo viên bộ môn có thể linh động phối hợp nhiều hình thức khác như hỏi - đáp, thuyết trình, nhóm học tập… Bài kiểm tra giữa học kỳ và cuối học kỳ ngoài làm trên giấy thi như trước đây, thì nay có thể thực hiện trên máy vi tính.
VẬN DỤNG, THÍCH ỨNG
Theo Sở GD-ĐT, để đổi mới hoạt động KT-ĐG, trên cơ sở các văn bản, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Tiền Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD-ĐT, các trường học thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nhiệm vụ về đổi mới KT-ĐG kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo định hướng tiếp cận năng lực; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang cho biết: “Đổi mới phương pháp KT-ĐG là phù hợp với xu thế, bối cảnh hiện nay, nhất là khi ngành GD-ĐT triển khai Chương trình GDPT năm 2018. Khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, ngành đã tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về các phương pháp, hình thức đánh giá mới, cách thức ra đề thi, kiểm tra theo hướng mở, tiếp cận năng lực học sinh… Chính vì vậy, các trường cần linh hoạt trong việc triển khai các hình thức KT-ĐG sao cho phù hợp, tránh tạo áp lực cho học sinh. Việc đổi mới nội dung KT-ĐG không chỉ các thầy, cô đánh giá về kiến thức mà đánh giá cả về ý thức, thái độ, hành vi của học sinh, đánh giá cả một quá trình phấn đấu học tập và rèn luyện của các em”. |
Theo Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho, toàn trường có trên 2.000 học sinh, thời gian qua, nhà trường đã triển khai tốt các giải pháp triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, một trong những điểm nhấn quan trọng là nhà trường đổi mới hoạt động KT-ĐG kết quả học tập của học sinh theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh.
Phương pháp KT-ĐG theo thông tư mới chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học. Chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, chú trọng đánh giá các năng lực tư duy; không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà chú ý cả quá trình học tập.
Theo thầy Đặng Công Hiệp, giáo viên Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, ở bậc tiểu học, việc đánh giá học sinh phải được vận dụng khá linh hoạt, không tạo áp lực cho học sinh. Bám sát mục tiêu cần đạt của từng môn học, giáo viên có thể vận dụng các hình thức đánh giá bằng cách nêu câu hỏi trực tiếp, làm phiếu bài tập, làm việc nhóm... nhằm mục đích khắc sâu cho các em những kiến thức đã học, giúp các em đạt các mức độ theo yêu cầu, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, từ đó có cách thức giảng dạy phù hợp hơn.
Bên cạnh những thuận lợi, thì việc KT-ĐG hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, vẫn còn không ít giáo viên vẫn quen phương pháp KT-ĐG truyền thống, chưa chủ động đổi mới việc KT-ĐG. Bên cạnh đó, ở bậc THCS là với các môn học như: Nghệ thuật, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, học sinh học tách riêng với 2 đến 3 giáo viên khác nhau, tuy nhiên khi thực hiện KT-ĐG thì chỉ thực hiện có 1 bài KT-ĐG nên rất khó cho giáo viên trong việc phối hợp. Đối với môn Ngữ văn, trong KT-ĐG đòi hỏi sự linh hoạt của giáo viên để hạn chế việc học văn mẫu, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể…
Đ.PHI