Mãi mãi tự hào về Nhà giáo - Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiếp
Tại Tiền Giang có ngôi trường trung học phổ thông (THPT) mang tên Nguyễn Văn Tiếp tại xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước. Ngoài ra, tên ông còn được đặt cho dòng kinh lớn nhất tỉnh Tiền Giang, dài 43 km nối từ Đồng Tháp Mười ra sông Tiền. Mộ phần của ông tọa lạc tại xã Tân Phú, TX. Cai Lậy, được chính quyền và người dân trông nom, chăm sóc. Có thể thấy, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Tiếp được nhân dân Tiền Giang tri ân sâu sắc vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng.
NHÀ GIÁO - LIỆT SĨ NGUYỄN VĂN TIẾP
Nhà giáo - Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiếp sinh năm 1900, tại làng Long Phú, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay là xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), trong một gia đình trí thức yêu nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu phát học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó, học tốt nhân dịp Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường THPT Nguyễn Văn Tiếp. Ảnh L.O |
Thuở nhỏ, ông được gia đình cho lên Sài Gòn học tập. Do điều kiện tiếp xúc với sách, báo tiến bộ và chịu sự tác động của phong trào đấu tranh chống chính quyền thực dân Pháp, nên ông sớm có tư tưởng yêu nước và cách mạng. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, ông làm giáo viên Trường Tiểu học Thanh Hà (Bến Lức).
Trong khoảng thời gian này, ông tích cực tham gia các phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi ở Nam bộ như: Phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh, phong trào đấu tranh đòi chính quyền Pháp trả tự do nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925), phong trào để tang và truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh (năm 1926)… Sau đó, ông bị thực dân Pháp bắt và giam ở Cần Thơ, nhưng do không có chứng cớ nên bọn chúng đành phải thả ông ra.
Năm 1929, ông gia nhập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2-1930), ông được cử làm Bí thư chi bộ làng Long Phú. Vào tháng 5-1930, ông chỉ huy hàng trăm nông dân tiến vào quận lỵ Trung Quận (nay là thị trấn Bến Lức) đấu tranh đòi giảm sưu thuế. Sau cuộc biểu tình này, ông bị thực dân Pháp bắt và xử án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.
Cuối năm 1936, do áp lực của phong trào cách mạng trong cả nước và của Mặt trận Nhân dân ở Pháp, ông cùng với nhiều tù chính trị khác được trả tự do. Vừa mới ra tù, ông lại lao vào hoạt động cách mạng. Tháng 11-1940, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại quê nhà. Cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Một lần nữa, ông bị địch bắt, lãnh án khổ sai chung thân tại Côn Đảo.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông và những người tù cộng sản được Đảng rước về đất liền. Lúc này, thực dân Pháp đang lăm le quay trở lại xâm lược Nam bộ. Với tinh thần tiến công cách mạng, không cho phép mình được nghỉ ngơi , ông hăng hái hoạt động và chấp hành nghiêm chỉnh mọi sự phân công của tổ chức.
Tháng 10-1945, ông được cấp trên tin tưởng cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Mỹ Tho kiêm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ và Xứ ủy viên Xứ ủy Nam bộ. Với trọng trách đó, ông là người lãnh đạo và chỉ đạo phong trào kháng chiến của nhân dân tỉnh Mỹ Tho nói riêng và Khu 8 nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tháng 5-1947, trong khi đang chủ trì một cuộc họp quan trọng của tỉnh Mỹ Tho trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, ông bị bệnh bất ngờ và không qua khỏi, hưởng dương 47 tuổi.
Để ghi nhớ công lao của ông, theo đề nghị của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Mỹ Tho, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ đã lấy tên của ông đặt cho một con kinh từ Đồng Tháp Mười đổ ra sông Tiền, thay cho tên kinh Tổng đốc Lộc. Đó là kinh Nguyễn Văn Tiếp, một con kinh có tầm quan trọng về nhiều mặt đối với khu vực Đồng Tháp Mười.
Đồng thời, một tiểu đoàn chủ lực thuộc Trung đoàn 308 của Quân khu 8 cũng được mang tên ông. Ngoài ra, tên ông còn được đặt tên trường THPT ở xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước; tên đường tại các huyện Bến Lức, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng và TP. Tân An, tỉnh Long An. Hiện nay, phần mộ của ông tọa lạc tại Ấp Bắc, xã Tân Phú, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
TỰ HÀO NGÔI TRƯỜNG THPT NGUYỄN VĂN TIẾP TRÊN QUÊ HƯƠNG TIỀN GIANG
Nhà giáo - Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiếp là người có công xây dựng phong trào kháng chiến ở Mỹ Tho và ở Khu 8 nói chung. Ngày 6-7-1989, UBND tỉnh Tiền Giang lấy tên Nhà giáo - Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiếp đặt tên cho một ngôi trường THPT đặt tại xã Tân Hòa Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (nay là xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước).
Những ngày đầu mới thành lập, cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn, chỉ với 2 phòng bán kiên cố, mái lợp ngói, mở 3 lớp 10 và 1 lớp 11, với 207 học sinh. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang, Huyện ủy Tân Phước, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, đến nay cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Trường hiện có 52 cán bộ, giáo viên, với 21 lớp học và 905 học sinh.
Toàn trường có 21 phòng học, hệ thống phòng chức năng được trang bị khá đầy đủ các thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy, hoạt động học và hoạt động quản lý chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong quá trình hoạt động, trường luôn được các cấp chính quyền, ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực.
Trước đây, Trường THPT Nguyễn Văn Tiếp là một trong những trường có điểm chuẩn vào lớp 10 khá thấp, những năm qua, lãnh đạo nhà trường cùng với tổ chuyên môn đã luôn tích cực chủ động đổi mới, chú trọng phương pháp dạy học.
Theo đó, đội ngũ giáo viên thường xuyên đổi mới, vận dụng phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy, học. Bằng các giải pháp cụ thể, trong những năm qua, chất lượng giáo dục của trường đã từng bước được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có 308/308 thí sinh đậu tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 100%; trên 60% số học sinh tốt nghiệp THPT đậu vào các trường đại học, cao đẳng ...
Thầy Nguyễn Văn Năm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong thời gian tới, đặc biệt là năm học 2023 - 2024, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua của ngành, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở các khối lớp, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và học sinh.
ĐÔI NÉT VỀ KINH CHIẾN LƯỢC NGUYỄN VĂN TIẾP
Sau năm 1947, để ghi nhớ công lao của ông, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ đã chấp thuận đề nghị của tỉnh Mỹ Tho lấy tên đồng chí Nguyễn Văn Tiếp đặt tên cho con kinh lớn nhất của tỉnh - dài 43 km, chảy từ Đồng Tháp Mười ra sông Tiền. Kinh Nguyễn Văn Tiếp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, mà còn gắn với những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.
Kinh Nguyễn Văn Tiếp ngày nay. |
Khi vùng đất này còn hoang vu, phương tiện chủ yếu của người dân trong vùng là ghe xuồng. Trên con kinh Nguyễn Văn Tiếp, ghe từ miền trên tấp nập nối đuôi nhau để về TP. Hồ Chí Minh. Được biết, khởi thủy của kinh Nguyễn Văn Tiếp do đô đốc Đặng Trấn của nhà Tây Sơn cho đào năm Ất Tỵ 1785, khi đó gọi là kinh mới Rạch Chanh. Vì đào kinh ngang qua Bàu Bèo nên dân gian khi đó quen gọi là kinh Bàu Bèo, lâu ngày nói trại thành kinh Bà Bèo.
Mục đích của nhà Tây Sơn đào kinh này nhằm phục vụ cho việc hành quân, nhưng cũng nhờ nó mà việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, phục vụ tốt cho việc khai hoang xây dựng vùng đất mới. Từ đó, người dân đến định cư ở 2 bờ kinh ngày một nhiều, tạo nên sự sung túc cho cả khu vực.
Đến thời Pháp, rồi Mỹ - ngụy nhận thấy tầm quan trọng của con kinh này về kinh tế lẫn quân sự nên cho xáng thổi và nạo vét sâu, rộng hơn nữa. Thời đầu, thực dân Pháp gọi đây là kinh Thương mại, sau do tên Tổng đốc Trần Bá Lộc chỉ huy nạo vét thêm nên có giai đoạn được gọi là kinh Tổng đốc Lộc. Năm 1895, Trần Bá Lộc nhận thấy vùng phía Nam Đồng Tháp Mười đất đai màu mỡ, phong cảnh tốt tươi, thuận tiện lập các đồn điền lớn.
Tổng đốc Lộc bắt dân đào một con kinh lớn dài khoảng 45 km, rộng 10 m, bắt đầu từ rạch Bà Bèo bao quanh tất cả vùng Mỹ Tho đổ vào Rạch Ruộng gần Sa Đéc. Tháng 4-1897, kinh được chủ tỉnh Mỹ Tho tổ chức khánh thành và Toàn quyền Đông Dương đặt tên là kinh Tổng đốc Lộc - người khởi xướng và chỉ huy đào kinh. Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên kinh Tổng đốc Lộc mới bị xóa bỏ.
Năm 1957, Ngô Đình Diệm đổi lại thành kinh Tháp Mười. Từ sau năm 1975, tên đồng chí Nguyễn Văn Tiếp được đặt lại cho con kinh này. Những năm 1980, với chủ trương tiến công vào Đồng Tháp Mười, kinh Nguyễn Văn Tiếp được nạo vét và mở rộng một lần nữa (rộng 50 m); đồng thời xây dựng một con đập ở đoạn giáp với sông Vàm Cỏ, gọi là cống đập Rạch Chanh.
Dọc bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp là đê bao chống lũ mang tên Đê 19-5 với nhiều đập nhỏ dùng để tháo chua, ngăn lũ như: Đập Rạch Gốc, Cống Tượng, Cầu Quán… Dọc bờ Bắc là Tỉnh lộ 865 xuyên qua địa phận các huyện Tân Phước, Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang) đến thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
PHƯƠNG LÊ
(tổng hợp)