.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG:

Ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên

Cập nhật: 21:15, 28/12/2023 (GMT+7)

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm qua, công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm luôn được Trường Đại học Tiền Giang quan tâm thực hiện, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường.

Trong đó, Trường Đại học Tiền Giang có Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” qua 10 lần tổ chức đã tạo sức lan tỏa, phát huy tính sáng tạo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp của sinh viên.

Trao thưởng cho Dự án “Tôm sấy dẻo RTE Gò Công” đoạt giải Đặc biệt của Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023.
Trao thưởng cho Dự án “Tôm sấy dẻo RTE Gò Công” đoạt giải Đặc biệt của Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023.

Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tiền Giang Đinh Quốc Cường, Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012 với tên gọi “Khởi nghiệp cùng sinh viên” do Khoa Kinh tế - Luật của trường tổ chức có quy mô cấp khoa. Chính từ những hiệu quả của cuộc thi mang lại, đến năm 2017, Đoàn trường Đại học Tiền Giang phối hợp với các khoa của trường tổ chức và quy mô được nâng lên cấp trường, với sự tham gia của đông đảo sinh viên trường.

“Mục đích của Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” là tạo điều kiện cho sinh viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp thành công của các doanh nghiệp thành đạt trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, biểu dương, phát triển ứng dụng thực tế những mô hình, dự án khởi nghiệp thành công, có tính khả thi cao”, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tiền Giang Đinh Quốc Cường cho biết.

Qua nhiều lần đổi tên khác nhau, tiếp nối thành công của những lần tổ chức trước, Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023 do Trường Đại học Tiền Giang tổ chức tiếp tục thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên nhà trường với 23 dự án khởi nghiệp dự thi. Trải qua 2 vòng thi, Ban Tổ chức cuộc thi đã chọn 5 dự án xuất sắc nhất vào Vòng chung kết với các đề tài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Kẹo hải huy sâm; máy vắt nước cam tự động tích hợp ép vỏ cam thành ly đựng; kinh doanh sản xuất tái chế các sản phẩm handmade từ nguyên vật liệu đất sét…

"Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” do Trường Đại học Tiền Giang tổ chức hằng năm đã thực sự trở thành sân chơi hữu ích, gắn kết giữa kiến thức chuyên môn và thực tế, tạo môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh cho sinh viên của trường.

Đây cũng là hoạt động điển hình cho phong trào học đi đôi với hành, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về lập dự án kinh doanh, phát huy năng lực sáng tạo, đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhằm hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, tạo tiền đề cho sinh viên lập thân, lập nghiệp sau khi ra trường.

Qua cuộc thi còn giúp sinh viên tiếp cận với những doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên định hướng nghề nghiệp khi ra trường.

Nhà trường rất mong muốn sau các lần tổ chức Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo”, những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của các sinh viên sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp vào thực tế”.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ VÕ NGỌC HÀ, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG

Tại Vòng chung kết Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023, các sinh viên đã mang đến những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường được Ban Giám khảo đánh giá cao. Là người con mảnh đất Gò Công, với mong muốn đem con tôm của quê nhà ngày càng vươn xa trên thị trường, sinh viên Huỳnh Thị Điệp Y, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Tiền Giang đã thực hiện Dự án “Tôm sấy dẻo RTE Gò Công” và đoạt giải Đặc biệt của cuộc thi.

Kế đến là Dự án “Kẹo hải huy sâm” đoạt giải Nhất của cuộc thi cũng được Ban Tổ chức đánh giá cao về tính khả thi, ứng dụng thực tế, nhất là ý tưởng kinh doanh mặt hàng bánh, kẹo trong thời buổi kinh tế thị trường khó khăn như hiện nay.

Sinh viên Huỳnh Thị Điệp Y đặt nhiều kỳ vọng vào Dự án “Tôm sấy dẻo RTE Gò Công”, em cho biết: “Hiện nay tôm xuất khẩu chủ yếu là mặt hàng tôm đông lạnh, chưa đa dạng về mẫu mã. Qua nhiều khâu vất vả nghiên cứu như định hình, xử lý nhiệt… trong phòng thí nghiệm, em đã cho ra mắt sản phẩm tôm sấy dẻo. Bước đầu mặt hàng tôm sấy dẻo mới này đã được chào bán trên một số trang thương mại điện tử và nhiều người tiêu dùng đặc biệt yêu thích. Dự kiến với hơn 50 triệu đồng chi phí ban đầu, sau 2 năm nếu thuận lợi, thì dự án sẽ lấy lại vốn và phát triển hơn”.

PHI CÔNG

 

.
.
.