.

Uy tín nhà giáo

Cập nhật: 10:40, 12/02/2024 (GMT+7)

Uy tín là nền tảng tạo nên vị trí cao quý của nhà giáo trong xã hội, là sợi dây kết nối bền chặt giữa thầy và trò, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục. Để bảo vệ uy tín, giáo viên phải giữ vững vị thế của mình và duy trì mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh như một bức tranh tươi sáng và không bao giờ phai mờ.

Truyền thống lâu đời

Ngày xưa, hầu hết các gia đình không đủ khả năng để con em họ đi học và trường học cũng không phổ biến như hiện nay. Những gia đình giàu có thường mời thầy đến nhà để dạy con, giúp con họ học, đọc sách thánh hiền và mong ước đỗ đạt làm quan. Trong xã hội truyền thống, người thầy là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức và nhân cách, là tấm gương sáng để học trò noi theo và ước mơ trở thành người có đức, nhân cách và tài năng để đóng góp cho xã hội.

Uy tín của giáo viên được sinh ra từ quá trình giáo dục và sự tôn trọng của học sinh dành cho họ. Ảnh: Khánh Hà
Uy tín của giáo viên được sinh ra từ quá trình giáo dục và sự tôn trọng của học sinh dành cho họ. Ảnh: Khánh Hà

Quân - sư - phụ (vua - thầy - cha) là 3 người được kính trọng nhất theo quan điểm Nho giáo đã có ảnh hưởng tới văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Nhưng cao hơn, phong phú hơn, người Việt Nam coi “tôn sư, trọng đạo” là nguyên tắc sống, từ đó đạo thầy trò trở nên cao quý và đẹp đẽ.

Câu tục ngữ và ca dao “Không thầy đố mày làm nên” hay “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” đều thể hiện vai trò quan trọng của người thầy trong việc hướng dẫn và giáo dục thế hệ trẻ. Với lòng trung hiếu và tình cảm cao quý của các thầy đối với nghề dạy học, mỗi dịp tết đến, nhà nhà đều nhớ “mồng 3 tết thầy”.

Đây là dịp để tôn vinh và bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao của người thầy. Xã hội và người đời đã trao cho nghề dạy học và với các thế hệ các nhà giáo có tài đức vẹn toàn một đặc ân và một uy tín xứng đáng, giúp cho người thầy sớm khuya mà khai tâm, mở trí cho lớp trẻ của quê hương đất nước. Như vậy, “uy tín” là một danh từ chỉ sự kính phục, sự tín nhiệm và là giá trị tốt đẹp của nghề dạy học và của người thầy.

 Uy tín và uy quyền

Từ lâu, xã hội đã trao uy tín lên đội ngũ giáo viên, nhưng không phải tất cả đều đạt được uy tín. Uy tín của giáo viên không chỉ đơn thuần là do chức danh mà còn phụ thuộc vào phẩm chất cá nhân, cả đức và tài. “Hữu xạ tự nhiên hương” là nguyên tắc rằng có “chất thơm” thì sẽ tự nhiên tỏa “mùi hương”.

Uy tín của giáo viên được sinh ra từ quá trình giáo dục và sự tôn trọng của học sinh dành cho họ. Đức hạnh và tài năng của giáo viên tạo ấn tượng mạnh mẽ cho học sinh, khiến họ tự nguyện trao uy tín cho giáo viên. Bởi vậy, uy tín là một giá trị mà học sinh tạo ra và trao lại cho những giáo viên có tài và phẩm chất mẫu mực. Để đạt được uy tín, giáo viên cần rèn luyện bản thân, hiểu rõ con trẻ và tạo điều kiện cho học sinh học tập một cách vui vẻ và chất lượng.

Trong thời đại giáo dục đổi mới, uy quyền và uy tín là hai khái niệm khác nhau. Uy quyền là quyền lực giáo viên trong quá trình giáo dục, nhưng nó có thể tạo ra sự sợ hãi ở học sinh. Ngược lại, uy tín là sự cảm hứng và tôn trọng từ học sinh, làm cho họ tự nguyện tuân theo và học hỏi từ giáo viên.

Ở những lớp dưới học sinh nhỏ, thường nhất nhất tự giác nghe theo thầy cô. Lên lớp trên khi học sinh trưởng thành đã biết phân xử, có cá tính riêng, các em không thể bị ép làm những gì khi mình chưa thông. Quan hệ thầy trò cũng từ đó bị sứt mẻ, không tìm được tiếng nói chung trong các mối quan hệ và nảy sinh bất đồng, nguồn cớ tạo ra những phản kháng, bạo lực học đường. Do vậy, để có nhiều uy tín, giáo viên cần tạo môi trường học tập tích cực và tôn trọng học sinh, không áp đặt quyền lực một chiều. Giáo dục hiện đại cần thúc đẩy uy tín thay vì uy quyền để học sinh phát triển toàn diện và trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Giáo dục Việt Nam đang thay đổi theo quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm” trong cả quá trình giáo dục. Thực chất, đó là quá trình giáo dục luôn hướng về trẻ, muốn trẻ phát triển bản thân, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của các em và sớm trở thành người có ích cho quê hương. Đây cũng là mục tiêu giáo dục đổi mới nước nhà. Chúng ta tin rằng, sẽ có được nhiều thầy cô “uy tín” trong các nhà trường và ở mọi vùng miền của tổ quốc, quê hương ta.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.