Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm triển khai học bạ số ở bậc tiểu học
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học để thực hiện thí điểm ngay năm học 2023-2024 đối với các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 4.
Việc thí điểm học bạ ở bậc tiểu học sẽ được thực hiện ngay từ năm học 2023-2024. (Ảnh: TTXN) |
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan này sẽ thực hiện triển khai thí điểm học bạ số ở bậc tiểu học, cụ thể là với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 trong năm học 2023-2024.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học, bao gồm: phần mềm hệ thống; tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số.
Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục cấp tiểu học bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số, bảo đảm 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, thực hiện Quyết định số 131 năm 2022 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030,” trong thời gian qua ngành Giáo dục đã và đang tập trung chuyển đổi số, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động thì việc thực hiện số hóa trong ngành chưa thật sự gắn kết. Vì vậy, trước yêu cầu của Đề án chuyển đổi số quốc gia, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và xuất phát từ đòi hỏi trong công tác quản lý của ngành cần phải triển khai xây dựng thí điểm học bạ số.
Lý giải về việc chọn bậc tiểu học để thực hiện thí điểm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy đây một việc mới, khó, tác động đến số lượng lớn học sinh, diễn ra phạm vi khắp các vùng, miền trên cả nước, với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau nên cần thận trọng từng bước.
Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.
Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp Tiểu học đồng thời đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin).
Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, các cơ sở giáo dục cần xem thí điểm học bạ điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của năm học bởi sự cấp thiết cần triển khai. Việc triển khai cần thận trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng cần khẩn trương áp dụng đại trà đồng thời đảm bảo quyền lợi của học sinh và nhà trường./.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-thi-diem-trien-khai-hoc-ba-so-o-bac-tieu-hoc-post934919.vnp)