.

Học sinh cần thận trọng trước ngưỡng cửa chọn ngành, nghề

Cập nhật: 14:12, 11/03/2024 (GMT+7)

Lựa chọn nghề nghiệp là việc quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Thời đại công nghệ 4.0 với nhiều tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, chọn ngành, nghề nào để vừa không bị thất nghiệp, vừa kiếm được thu nhập cao vẫn là mối quan tâm lớn nhất của học sinh lớp 12.

MỌI NGÀNH, NGHỀ ĐỀU QUAN TRỌNG

Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, lựa chọn học ngành, nghề nào để không bị thất nghiệp tiếp tục là câu hỏi được nhiều học sinh quan tâm nhất, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước đổi mới mạnh mẽ như hiện nay, một số ngành, nghề đang có xu hướng bão hòa về nguồn nhân lực. Vấn đề đặt ra là liệu những ngành, nghề “hot” trước đây như: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh… liệu còn sức thu hút trong giai đoạn hiện nay hay không? 

Thành viên Ban Tư vấn tuyển sinh gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với học sinh.
Thành viên Ban Tư vấn tuyển sinh gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với học sinh.

Em Nguyễn Trọng Nhân, học sinh Trường THPT Lê Văn Phẩm (TX. Cai Lậy) trăn trở: “Em rất thích ngành Công nghệ thông tin, tuy nhiên em có một số băn khoăn là: Thứ nhất, ngành này hiện nay có rất nhiều trường đào tạo với rất nhiều chỉ tiêu, liệu khi ra trường nhu cầu về ngành này liệu còn sức hút hay không? Thứ hai, ngành Công nghệ thông tin hiện nay đang bị tác động rất lớn của công nghệ AI, liệu rằng trong tương lai ngành này có bị triệt tiêu hay không?

Theo Thạc sĩ Phùng Quán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), thời đại công nghệ 4.0, số hóa như hiện nay, công nghệ thông tin ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và đây cũng là ngành đào tạo của rất nhiều trường đại học trên cả nước.

Từ thực tiễn cho thấy, nhu cầu nhân lực của ngành này trong nhiều năm qua không hề giảm, trong đó phải kể đến là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã khẳng định chỗ đứng, vị trí của mình trước những yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng.

Trường Đại học Tiền Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024.

Tại chương trình, hơn 1.000 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được Ban Tổ chức tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024.

Chương trình tư vấn tuyển sinh được chia làm ba phần: Tư vấn chung, tư vấn chuyên sâu và tư vấn trực tiếp. Ở phần tư vấn chung, học sinh được Ban Tư vấn chia sẻ về những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; cách thức đăng ký, xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024…

Ở phần tư vấn chuyên sâu, Ban Tư vấn tuyển sinh của các trường đại học giải đáp các thắc mắc về chỉ tiêu xét tuyển, cơ hội việc làm, những lưu ý khi nộp hồ sơ xét tuyển các ngành: Kinh tế, Sư phạm, Du lịch, Nông lâm, Y dược, Khoa học xã hội… 

Cuối cùng là phần tư vấn trực tiếp, học sinh sẽ trao đổi trực tiếp với các thầy cô đại diện một số trường như: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh… về các ngành nghề đào tạo của trường, điểm chuẩn qua các năm, cơ hội học bổng, cơ hội việc làm của từng ngành…

Còn theo PGS. TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, các ngành, nghề vận hành theo sự phát triển của đời sống xã hội. Chính vì vậy, mọi ngành, nghề đều có tầm quan trọng kể cả lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.

Chẳng hạn như tại tỉnh Tiền Giang, hiện nay và trong tương lai tới đây, ngành Du lịch phát triển thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành Vận tải, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn… sẽ phát triển. Hay ngành Công nghệ ô tô phát triển thì lại liên quan đến khâu marketing, thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin cũng phát triển…

Chính vì vậy, học sinh hãy bình tĩnh tìm cho mình một ngành, nghề mình cảm thấy phù hợp để theo đuổi đam mê.

Qua phân tích cũng như đánh giá, thị trường lao động tại tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong năm 2024 cũng như trong giai đoạn sắp tới, thị trường lao động cả nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng sẽ tiếp tục tăng mạnh do quá trình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ.

Đối với nhu cầu tuyển dụng có trình độ chuyên môn tập trung vào các nhóm ngành, nghề như: Kinh tế, tài chính, kế toán, cơ khí, phiên dịch, công nghệ thông tin, điện tử, du lịch…

Theo các chuyên gia tư vấn, ngành học hiện nay thì vô cùng phong phú, để chọn được một ngành, nghề phù hợp, học sinh cần phải biết bản thân đam mê và sẽ gắn bó với ngành, nghề nào trong tương lai. Bên cạnh đam mê, học sinh cũng cần tính toán về năng lực bản thân, tài chính…

Chính vì vậy, trong thời gian còn lại của năm học, các trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh chọn ngành, nghề cho học sinh, để các em có cái nhìn bao quát về tình hình, nhu cầu của thị trường lao động cũng như xu thế việc làm hiện nay để có phương án chọn lựa phù hợp.

BÌNH TĨNH, TÍNH TOÁN LỰA CHỌN NGÀNH, NGHỀ

Chỉ còn khoảng hơn 3 tháng nữa là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ chính thức bắt đầu. Thời gian còn lại không dài và đây chính là giai đoạn khó khăn đối với học sinh lớp 12. Bởi cùng lúc các em sẽ giải quyết 2 việc: Thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Chính vì vậy, hơn ai hết, học sinh cần bình tĩnh, suy nghĩ, tính toán thận trọng để có thể đưa ra quyết định cuối cùng cho cuộc đời của mình.

Học sinh đặt câu hỏi tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 diễn ra tại Trường Đại học Tiền Giang.
Học sinh đặt câu hỏi tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 diễn ra tại Trường Đại học Tiền Giang.

Theo Thạc sĩ Hoàng Thúy Nga, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), năm nay, thí sinh tiếp tục thực hiện xét tuyển chung tất cả phương thức xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất và chỉ cần đăng ký ngành yêu thích nhất.

Việc quan trọng nhất của các em trong giai đoạn này là bên cạnh tập trung học tập, ôn thi thì các em nên tìm hiểu thông tin trong quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh trên các website của các trường. Ngoài thông tin về ngành học, điều kiện, tiêu chí xét tuyển, cần tìm hiểu thêm điểm chuẩn các năm trước, tiêu chí phụ và mức học phí.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu rõ vị trí việc làm, năng lực bản thân trước khi chọn ngành đăng ký. Trong nhiều mùa tuyển sinh trước, vẫn có tình trạng sinh viên sau khi trúng tuyển mới nhận thấy ngành học không phù hợp với bản thân mình.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang Võ Văn Hiếu cho rằng, thời gian còn lại không còn nhiều, chính vì vậy học sinh cần nghiên cứu kỹ, đưa ra cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất. Theo đó, có 3 việc quan trọng: Thứ nhất, cần tập trung hoàn thành chương trình học, tập trung cao độ cho việc ôn tập để thi tốt nghiệp sắp tới; thứ hai, cần nghiên cứu, tính toán các nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng; và cuối cùng là, việc giữ cho bản thân một tinh thần thật thoải mái, không áp lực.

Hơn bao giờ hết, học sinh lớp 12 hãy là người thông minh, quyết đoán trước quyết định lựa chọn ngành, nghề cho mình, bởi nó sẽ là hành trang theo suốt cuộc đời của bản thân mỗi con người.

ĐỖ PHI

.
.
.