.

Tiền Giang: Chủ động ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Cập nhật: 09:06, 20/03/2024 (GMT+7)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ là kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2006. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 ở một số môn thi sẽ có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn.

Với định hướng trên, ngay sau khi kiểm tra giữa học kỳ II, bên cạnh hoàn thành chương trình, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã “bắt tay” vào ôn tập cho học sinh lớp 12. Theo Bộ GD-ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định cấu trúc định dạng đề thi như năm 2023.

 Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trong giờ học.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) trong giờ học.

Tuy nhiên, dự kiến trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học, và tăng dần độ phân hóa để kỳ thi đạt được các mục tiêu đề ra.

Theo đó, những năm qua, đề thi tốt nghiệp THPT đã có những đổi mới nhất định, trong đó có việc vận dụng kiến thức thực tiễn. Tuy nhiên, trong ôn tập, một trong những tài liệu quan trọng phục vụ ôn tập mà học sinh lớp 12 cần chú ý đó là bám sát chương trình và sách giáo khoa, bởi những câu hỏi căn bản ra trong đề thi sẽ chiếm cơ cấu điểm rất lớn.

Bên cạnh đó, học sinh cần thường xuyên cập nhật những thông tin khoa học ứng dụng, kiến thức thực tiễn liên quan từng bài học, vận dụng năng lực tư duy đọc hiểu và liên hệ, kỹ năng sáng tạo để có thể giải quyết các bài tập mang tính chất vận dụng thực tiễn.

Thầy Ngô Tùng Hiếu, giáo viên môn Toán, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho), thời điểm này, giáo viên sẽ tổng hợp kiến thức nền tảng cho học sinh, giúp các em rà soát những kiến thức còn thiếu sót để kịp thời bổ sung. Bên cạnh những kiến thức cơ bản với những học sinh định hướng thi các khối ngành tự nhiên, giáo viên sẽ lồng ghép các bài toán gắn liền từ thực tế để các em vừa vận dụng kiến thức, vừa có thể rèn luyện kỹ năng, tích lũy thêm kinh nghiệm. 

Với môn Ngữ văn là môn đặc thù thi với hình thức tự luận, đòi hỏi nhiều kiến thức vận dụng thực tế, cô Trương Thị Châu Minh, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Mỹ Tho) có những lời khuyên dành cho học sinh, đó là bên cạnh những kiến thức mà giáo viên đã truyền đạt trên lớp, thì học sinh cần theo dõi tình hình thời sự diễn ra trong cuộc sống hằng ngày bằng việc các em xem sách, báo, theo dõi thông tin thời sự qua tivi...

Từ những thông tin xem, quan sát được, các em trình bày vào bài viết của mình sao cho sinh động, phong phú nhất để có thể đạt được điểm cao.

Theo nhiều giáo viên dạy lớp 12, trong hành trình ôn thi này, bên cạnh sự hỗ trợ giảng dạy, ôn tập đắc lực từ giáo viên, hơn bao giờ hết học sinh cần nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Ở giai đoạn này, học sinh có thể tải các đề thi mẫu ở những năm trước, đề thi của các trường THPT khác để có thể tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm bài và kiểm soát tốt về thời gian. Trong quá trình ôn tập, học sinh cần cân đối liều lượng kiến thức trong sách giáo khoa và kiến thức vận dụng thực tiễn.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn, các trường THPT đang tiến hành hoàn thành chương trình học kỳ II năm học 2023 - 2024. Bên cạnh giảng dạy, các trường THPT đã có những bước đầu chủ động trong công tác ôn thi tốt nghiệp THPT. Với học sinh khá giỏi, các trường cần tăng cường giải pháp ôn tập cho học sinh vận dụng tốt những kiến thức, kỹ năng để hoàn thành các bài thi. Còn với học sinh trung bình, yếu sẽ có giải pháp chủ yếu giúp các em lấy lại kiến thức nền tảng, có thể vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng sắp tới.

Bên cạnh đó, hiện nay, các trường THPT đã tăng cường công tác phối hợp với phụ huynh trong việc học tập của học sinh, theo dõi các hoạt động nền nếp để kịp thời có những giải pháp thực hiện phù hợp. Thầy Huỳnh Văn Hữu, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Khoa Huân cho biết, toàn trường có 487 học sinh lớp 12, ngay đầu học kỳ II, từ kết quả của học kỳ I và kết quả thi giữa học kỳ II mới đây, nhà trường đã chọn ra những học sinh có học lực chưa tốt và tổ chức lớp phụ đạo miễn phí ở các bộ môn học vào buổi chiều.

Còn tại Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy) có số lượng học sinh khá đông, với trên 500 học sinh lớp 12. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp cho từng giai đoạn, giúp học sinh ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Việc kiểm tra đánh giá được trường bám sát theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, hướng dẫn của Sở GD-ĐT.

Cô Trần Thị Mỹ Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Tấn Phát cho biết: “Bên cạnh công tác học tập, ôn thi, nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo tư tưởng, tình cảm của học sinh, đặc biệt là đối với học sinh có học lực yếu kém, với quyết tâm không để bất cứ học sinh khối lớp 12 nào phải bị bỏ lại phía sau.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên động viên học sinh có học lực khá, giỏi hỗ trợ các bạn có học lực yếu kém hơn, qua đó vừa củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn tiến bộ, tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”.

ĐỖ PHI

.
.
.