Những lưu ý quan trọng trước khi nộp hồ sơ tuyển sinh lớp 10
Chưa đầy một tháng nữa Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chính thức bắt đầu. Thời điểm này, bên cạnh công tác ôn thi, các trường THCS, THPT đang nỗ lực hỗ trợ thí sinh đăng ký dự thi. Đây là kỳ thi được đánh giá là rất quan trọng, chính vì vậy, thí sinh cần chú ý các mốc thời gian tuyển sinh lớp 10 theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
LƯU Ý VIẾT HỒ SƠ DỰ THI
Những ngày qua, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều đợt gặp gỡ học sinh, phụ huynh để tư vấn các thông tin liên quan về Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025. Hàng loạt câu hỏi quan trọng liên quan tuyển sinh lớp 10 tại Tiền Giang đã được các trường tư vấn kỹ, sâu sát; trong đó, có hai vấn đề quan trọng là trường THPT sẽ dạy tổ hợp môn nào, việc chọn nguyện vọng như thế nào để có cơ hội trúng tuyển vào trường mình yêu thích.
Ngày hội Tư vấn tuyển sinh lớp 10 diễn ra tại Trường THPT Trương Định (TP. Gò Công) vào sáng 12-5. |
Sáng 12-5, Trường THPT Trương Định (TP. Gò Công) tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Mùa tuyển sinh năm nay, nhà trường sẽ tuyển 14 lớp 10 với 630 học sinh. Bên cạnh 7 môn học bắt buộc, Trường THPT Trương Định dự kiến có 4 tổ hợp môn để xếp lớp; trong đó có 3 tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên và 1 tổ hợp môn Khoa học Xã hội. Bên cạnh đó, trường dự kiến xếp 3 lớp giỏi, các lớp còn lại sắp xếp theo nhu cầu thí sinh đăng ký.
Thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định cho biết: “Có rất nhiều câu hỏi được các bạn thí sinh đặt ra. Chẳng hạn về đề thi sẽ ra sao, thế nào là “điểm liệt”… Về cơ bản, các em cần lưu ý, đề thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh sẽ do Sở GD-ĐT ra đề. Nội dung đề thi chủ yếu sẽ ra trong chương trình lớp 9 hiện hành, kiểm tra các kiến thức từng môn ở các mức độ biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đối với 3 môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh, học sinh lưu ý không để điểm bài thi nào từ 1 điểm trở xuống. Nếu học sinh có 1 trong 3 bài thi từ 1 điểm trở xuống sẽ bị coi là “điểm liệt”, không có cơ hội xét tuyển vào trường THPT công lập”.
CÁC MỐC THỜI GIAN THÍ SINH CẦN CHÚ Ý Từ ngày 20 đến 28-5: Học sinh trực tiếp nộp phiếu số 2 và hồ sơ đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo lịch thu hồ sơ của trường THPT; bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ (nếu có). Nếu không nộp hồ sơ, trường THPT sẽ xóa tên học sinh và sẽ không được dự thi tuyển. Ngày 26-5: Thí sinh và cha mẹ thí sinh tra cứu thông tin và nguyện vọng đăng ký dự tuyển tại địa chỉ website: tc.tiengiang.edu.vn. Nếu có sai sót, liên hệ trường THPT nơi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển để điều chỉnh. Sau ngày 27-5: Thí sinh không được thay đổi thông tin đã đăng ký dự tuyển. Không được thêm thí sinh. Ngày 29, 30 và 31-5: Thí sinh nhận Thẻ dự thi tại trường THPT nơi đăng ký dự thi. Ngày 4-6: Phổ biến quy chế thi cho thí sinh Ngày 5 và 6-6: Thi tuyển sinh. |
Khi đăng ký vào lớp chuyên, nếu học sinh không trúng tuyển thì có được xét nguyện vọng thường hay không? Vấn đề này, theo thầy Lê Sỹ Thái, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, nếu không trúng tuyển vào trường chuyên thì học sinh vẫn được xét tiếp 3 nguyện vọng trường THPT công lập. Do đó, học sinh muốn thử sức vào lớp chuyên, trường chuyên thì cứ mạnh dạn, không ảnh hưởng gì đến việc xét tiếp 3 nguyện vọng thường. Với các lớp chuyên, học sinh lưu ý, các môn thi chuyên phải từ 2 điểm trở lên và tổng các điểm bài thi phổ thông (Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh) phải đạt từ 25 điểm trở lên. Với mỗi lớp chuyên sẽ xét theo thứ tự từ 1 đến 35 học sinh (nếu 2 lớp chuyên thì sẽ xét tuyển 70 học sinh); trường hợp bằng điểm sẽ xét tiêu chí phụ.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Võ Văn Hiếu, học sinh dự tuyển vào lớp 10 chuyên được đăng ký tối đa 5 nguyện vọng, với lớp 10 công lập được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng. Học sinh cũng như phụ huynh cần lưu ý khi chọn nguyện vọng nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống, vì trúng tuyển nguyện vọng nào học sinh phải học nguyện vọng đó và không được thay đổi thứ tự nguyện vọng. Trong xét tuyển đối với từng trường, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi không phân biệt thứ tự ưu tiên đối với các nguyện vọng đăng ký, có nghĩa là các nguyện vọng được xét tuyển như nhau, không có điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng.
“Khi chọn trường THPT, học sinh và phụ huynh cũng cần lưu ý phải xem xét tính phù hợp với năng lực học tập bởi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở bậc THPT, ngay từ đầu năm lớp 10, học sinh phải chọn 4 trong 9 môn học lựa chọn theo năng lực, sở thích gắn với định hướng nghề nghiệp. Tùy điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, mỗi trường sẽ có kế hoạch giảng dạy phù hợp với năng lực học sinh. Nếu lựa chọn trường không phù hợp với năng lực, mà giả sử trúng tuyển, học sinh cũng khó có thể theo kịp chương trình học, cũng như bạn bè, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em”, đồng chí Võ Văn Hiếu lưu ý.
BÌNH TĨNH ÔN TẬP
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 đang cận kề, đây là kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Điều này làm cho không ít phụ huynh, học sinh khối lớp 9 lo lắng.
Chia sẻ với phụ huynh và học sinh, đồng chí Võ Văn Hiếu có lời khuyên: “Phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng. Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã có những định hướng chuyên môn cho các đơn vị Phòng GD-ĐT và hội đồng chuyên môn triển khai đến các trường THCS. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên dạy khối lớp 9 ở trường THCS là những giáo viên có bề dày kinh nghiệm, chiến lược ôn thi tốt. Sau khi Sở GD-ĐT công bố đề thi minh họa, tất cả các giáo viên lớp 9 dạy các môn thi của Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã nắm rõ định hướng và cung cấp đầy đủ kiến thức trọng tâm cho học sinh. Do đó, phụ huynh an tâm, chia sẻ, đồng hành cùng con em trong khoảng thời gian này”.
Còn thầy Lê Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP. Mỹ Tho) cho rằng: “Việc quan trọng nhất trong giai đoạn này là học sinh cần phân bổ thời gian sao cho hợp lý giữa việc học tập và nghỉ ngơi, tránh ôn tập dồn nén, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, không nên thức quá khuya. Trong giai đoạn nước rút hiện nay, các em hãy bình tĩnh ôn tập, hệ thống lại kiến thức, tập làm và cọ xát với các dạng bài tập, các câu hỏi vận dụng do giáo viên hướng dẫn. Việc ôn tập cần bám sát với những định hướng của giáo viên, trong đó chú trọng rèn luyện kỹ năng làm bài”.
ĐỖ PHI