Bộ GD-ĐT và Bộ Công an điều tra đề thi nếu kết quả chấm thi bất thường
Về thông tin lộ, lọt đề thi, Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đã qua nhiều bước rà soát, kiểm tra. Sau khi có kết quả chấm thi, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát khâu đề thi nếu kết quả chấm thi có bất thường.
Thí sinh hoàn thành môn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Chiều 28-6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Không có chuyện lộ, lọt đề thi!
Tại họp báo, báo chí chất vấn về thông tin đề thi Ngữ văn trước khi thi có tin đồn và đề thi chính thức có điểm trùng hợp - Báo SGGP đã đưa tin; đề thi môn Tiếng Anh cũng có sử dụng ngữ liệu của báo Hoa Kỳ mà trên mạng phỏng đoán…
Trả lời, GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng, về đề thi Ngữ Văn, Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT (BCĐ) đã khẳng định không có chuyện lộ, lọt.
“Lộ, lọt là phải trùng cả đoạn trích, cách hỏi, còn ở đây không có chuyện đó”, ông Hà nhấn mạnh.
Về đề thi tiếng Anh, theo ông Hà, thường ngữ liệu đề thi được trích từ sách hoặc các tờ báo, tạp chí lớn, do đó đây là chuyện hết sức bình thường.
GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT |
Báo chí cũng chất vấn, đề thi môn Văn những năm gần đây có tính mở, vậy chấm có linh hoạt không?
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, đề thi đều có những tiêu chí nhất định về kiến thức, tính giáo dục, gợi ý đáp án bao giờ cũng có phần mở, thí sinh trả lời không đúng nhưng có định hướng, tính mở thì vẫn sẽ được xem xét.
Ông Hà cũng nhấn mạnh, đề thi năm nay đã có đổi mới hơn, sát thực tế, thực tiễn hơn, đây là quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Mặc dù cấu trúc, định dạng đề thi không thay đổi, tuy nhiên cách thức gần hơn với thực tế, thực tiễn, có tính chất gợi mở, phát triển năng lực học sinh. Đây cũng là tiền đề cho đề thi năm 2025, với những học sinh đã học chương trình mới trong 3 năm qua.
Tại họp báo, nói về phòng chống gian lận bằng công nghệ cao, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, cho biết, 29 thí sinh bị đình chỉ thi chủ yếu là mang điện thoại di động vào phòng thi, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng thiết bị công nghệ cao.
Kỳ thi vẫn cần thiết
Phóng viên đặt câu hỏi: "Thực tế cho thấy, kỳ thi ngày càng chỉ còn mang mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT với nhiều thí sinh vì đã đỗ xét tuyển sớm, vậy có cần thiết nữa không?".
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT |
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được luật định. Kỳ thi không chỉ với 2 mục đích là công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học mà còn là cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương.
Mặt khác, dù càng ngày các trường càng tự chủ trong tuyển sinh, nhưng đến nay, 45-60% các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Bộ GD-ĐT đang hướng đến việc đề thi ngày càng đánh giá sát năng lực học sinh, như vậy các trường đại học tốp đầu vẫn có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Kết luận họp báo, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, cho biết, đề thi năm nay sát thực tiễn hơn, đó là cách tiệm cận đến đề thi cho năm 2025, đánh giá năng lực học sinh.
Quang cảnh họp báo |
Về thông tin lộ, lọt đề thi Ngữ văn, ngay sau khi có thông tin, BCĐ đã qua nhiều bước rà soát, kiểm tra, đến nay vẫn có thể khẳng định là không có lộ, lọt đề thi. Sau khi có kết quả chấm thi, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát khâu đề thi nếu kết quả chấm thi có bất thường - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng |
Về ngữ liệu đề thi, Thứ trưởng cho biết, đang tiến tới sử dụng cả trong và ngoài sách giáo khoa, vì mục tiêu là hình thành phẩm chất và năng lực, không phải theo sách giáo khoa, nên sẽ hạn chế học tủ, học theo mẫu.
Về tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo Thứ trưởng, toàn ngành giáo dục đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có đổi mới đánh giá và thi cử, đồng thời đạt mục tiêu giảm áp lực, giảm thời gian, tốn kém nhưng vẫn phải bảo đảm đủ độ tin cậy. Do đó, ngành giáo dục sẽ rất chú trọng vào khâu đề thi, bảo đảm phân hóa để phân loại được trình độ thí sinh.
Theo Thứ trưởng, tự chủ đại học, nhưng vẫn phải bảo đảm mục tiêu giảm áp lực, không quá nặng nề thi cử, bảo đảm tiếp cận công bằng cho học sinh, nhất là cho các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tham dự các kỳ thi riêng. Do đó, Bộ GD-ĐT chủ trương các trường đại học phải bảo đảm phân bố chỉ tiêu tuyển sinh hài hòa giữa các phương thức xét tuyển.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT |
Thứ trưởng nhấn mạnh, kỳ thi đã được tổ chức đúng kế hoạch, an toàn, không phải sử dụng đến các phương án dự phòng, không thí sinh nào phải bỏ thi vì không đến dự thi được do gặp khó khăn.
“Công tác đề thi được bảo mật tuyệt đối ở tất cả các khâu”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Hàng chục mã đề thi môn Toán tốt nghiệp THPT năm 2024 ở Đắk Lắk bị mờ
Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân là do lỗi từ bộ phận kỹ thuật in ấn. Kết quả rà soát ban đầu có khoảng 20 mã đề thi bị mờ. Hầu hết các mã đề bị mờ từ 1-3 câu (bài thi có tổng số 50 câu).
Tại họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, BCĐ đã nắm được thông tin và giao Đắk Lắk rà soát cụ thể, phương châm là nếu đề thi làm ảnh hưởng đến thí sinh thì phải giải quyết theo hướng bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
Được biết, sau khi được hướng dẫn, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đã họp, nghiên cứu và quyết định chấm điểm cho những câu bị mờ điểm tối đa là 0,2 điểm/câu.
Theo sggp.org.vn