.

'Chìa khóa' của các trường đại học để đổi mới sáng tạo

Cập nhật: 15:31, 22/06/2024 (GMT+7)

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Trong bối cảnh tự chủ, việc cơ sở giáo dục đại học chủ động kết nối, xây dựng mạng lưới với các trung tâm ĐMST trong hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng là hướng đi mang lại nhiều lợi ích.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Gỡ khó từ chính sách

Tại Diễn đàn ĐMST quốc gia năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đến từ khóa đột phá, kết nối, định hướng chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, ĐMST trong các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: VNU Media - NTCC
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: VNU Media - NTCC

Đảng và Chính phủ khẳng định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, ĐMST là một trong ba đột phá chiến lược. Đột phá không phải là phát triển tuyến tính, mà có tính chất bước nhảy. Giá trị mang lại không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư, có thể tăng theo cấp số mũ.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với khoa học công nghệ và ĐMST là đột phá. 3 yếu tố này gắn với tri thức. Phát triển nguồn nhân lực là truyền bá tri thức để tạo ra nhân lực có trình độ, chất lượng. Nghiên cứu để khám phá tri thức, ĐMST. Từ đó, mang tri thức chuyển thành giá trị thiết thực về vật chất, tinh thần cho xã hội, người dân.

Tri thức là một dạng phi vật chất, mà vật chất thì tuân theo định luật bảo toàn. Vì thế, càng dùng nhiều thì vật chất càng mất đi giá trị. Tuy nhiên, tri thức càng sáng tạo, dùng nhiều thì càng nhân lên gấp bội. Do vậy, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, nghiên cứu ĐMST có tính đột phá. Ba việc này là nhiệm vụ, sứ mạng quan trọng nhất của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Trong 3 việc trên, giảng dạy, đào tạo là nhiệm vụ truyền thống, quen thuộc nhưng không dễ, thậm chí khó và không phải trường đại học nào cũng làm tốt. Còn với ĐMST thì đặc biệt khó vì mới. Để ĐMST, cần có nhiều yếu tố; trong đó có mô hình tổ chức hoạt động, thể chế chính sách, nguồn lực, đội ngũ, năng lực nghiên cứu và kết quả nghiên cứu. Khi nói về hệ sinh thái ít nhất phải có những nội dung này.

Về mô hình tổ chức hoạt động, chúng ta có thể học tập nhiều nơi. Các trường đại học đang làm việc này. Nhiều mô hình thử nghiệm khác nhau, có những mô hình thành công, chưa thành công nhưng về thể chế chính sách thì còn mới. Chúng ta chưa có nhiều cơ chế, chính sách để tạo đột phá cho việc này.

Về nguồn lực, muốn đầu tư, có sản phẩm mới, biến tri thức thành sản phẩm thì phải đầu tư. Chúng ta cần đầu tư xây dựng trung tâm, có khuyến khích cho doanh nghiệp. Chúng ta muốn sáng tạo phải có doanh nghiệp đầu tư. Có cơ chế chính sách, gắn với đầu tư và nguồn lực. Còn phát triển đội ngũ là nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học, các bộ, ban, ngành liên quan.

Những năm qua, kết quả nghiên cứu về công bố tăng nhanh. Tuy nhiên, số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích mà có thể chuyển thành những sản phẩm công nghiệp, dịch vụ mang giá trị cho cuộc sống còn ít. Vì vậy, chúng ta cùng nỗ lực và có những giải pháp kết nối.

Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Các trường đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong

Ông Tạ Đình Thi. Ảnh: VNU Media - NTCC
Ông Tạ Đình Thi. Ảnh: VNU Media - NTCC

Phát triển khoa học công nghệ là nội dung cần được ưu tiên và tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu: Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Kết luận số 69-KL/TW ngày 11-1-2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển các trung tâm và mạng lưới ĐMST, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với khu công nghệ cao, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viên nghiên cứu.

Khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thành lập trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Những căn cứ chính trị nêu trên là nền tảng quan trọng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và ĐMST. Trong hệ thống ĐMST của quốc gia, các trường đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong đi đầu thông qua sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường khởi nghiệp và ĐMST...

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ rất nỗ lực, cố gắng trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật, nhằm xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST trong các trường đại học, viên nghiên cứu...

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều đề án để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ thống ĐMST quốc gia như: Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Chương trình 897 “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030”...

Tuy vậy, việc hình thành, quản lý, vận hành có hiệu quả các tổ chức ĐMST, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện. Chẳng hạn như: Chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp ĐMST, khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp, đặc biệt là việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, còn thiếu vắng sự gắn kết, liên kết, kết nối giữa 3 nhà: Nhà nước, trường đại học, viên nghiên cứu và doanh nghiệp. Không chỉ có mạng lưới sinh viên, mà cần có mạng lưới các nhà khoa học, cựu sinh viên, không chỉ trong một ngành, trường, mà phải có tính liên ngành, trường, viện…

PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: Mở đường trong đổi mới giáo dục đại học

PGS.TS Phạm Bảo Sơn. Ảnh: VNU Media - NTCC
PGS.TS Phạm Bảo Sơn. Ảnh: VNU Media - NTCC

ĐMST trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, lĩnh vực, ĐH Quốc gia Hà Nội theo đuổi mô hình đại học ĐMST để nâng cao vị thế và kiến tạo giá trị.

Những chính sách và hướng đi phù hợp trong quá trình xây dựng đại học ĐMST ở ĐH Quốc gia Hà Nội đã giải phóng sức sáng tạo lớn của đội ngũ cán bộ, giảng viên; đồng thời phát huy nguồn trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ nhà khoa học để tạo thành sức mạnh và năng lượng cho phát triển, nhất là trong khoa học, công nghệ và ĐMST.

Những năm qua, ĐH Quốc gia Hà Nội tập trung đẩy mạnh phát triển theo định hướng lấy khoa học, công nghệ và ĐMST là giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động, tiên phong mở đường trong đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. ĐH Quốc gia Hà Nội đã ban hành kế hoạch hành động về một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát triển đại học số, đại học thông minh.

Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong mọi hoạt động; vận hành thống nhất và đồng bộ hệ thống dữ liệu số - thông tin số - tri thức số dùng chung, liên thông phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản trị, chỉ đạo, điều hành và đổi mới hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Nhằm tăng cường tham gia vào hệ sinh thái ĐMST quốc gia với tư cách một chủ thể quan trọng của hệ sinh thái này, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục hoàn thiện từng bước hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp dựa trên việc phát triển nền tảng sở hữu trí tuệ thông qua chủ trì các chương trình quốc gia, nghiên cứu, đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ.

ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trương tập trung thúc đẩy nhanh những thành phần cơ bản còn thiếu trong hệ sinh thái ĐMST như: Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

GS Jean-Marc Lavest - Hiệu trưởng chính Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội: Nuôi dưỡng văn hóa đổi mới và khởi nghiệp trong nhà trường

GS Jean-Marc Lavest. Ảnh: VNU Media - NTCC
GS Jean-Marc Lavest. Ảnh: VNU Media - NTCC

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thành lập Trung tâm ĐMST và Khởi nghiệp. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển, nhằm thúc đẩy tinh thần ĐMST và khởi nghiệp ngay tại trường.

Trong bối cảnh thế giới có những thay đổi nhanh chóng, ĐMST và văn hóa khởi nghiệp là vấn đề quan trọng, cần được đề cao. Đây là nguồn lực thúc đẩy xã hội phát triển, khiến các nền kinh tế thay da đổi thịt và cho phép cá nhân tự tạo ra số phận của mình.

Mục tiêu chính của Trung tâm Đổi mới được xác định rõ ràng và tập trung. Chúng tôi muốn nuôi dưỡng văn hóa đổi mới và khởi nghiệp trong nhà trường, tạo ra môi trường - nơi ý tưởng có thể phát triển và trở thành các giải pháp cụ thể.

Trung tâm ĐMST và Khởi nghiệp của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội có thể trở thành chất xúc tác cho việc phát triển công nghệ, sản phẩm khoa học mới, giúp rút ngắn khoảng cách giữa học thuật và sản xuất. Sự hợp tác giữa hai mảng không chỉ nâng cao chất lượng nghiên cứu, mà còn giúp chúng tôi tiến gần hơn đến các ứng dụng triển khai trong thực tế.

Tầm nhìn của Trung tâm là hướng tới cộng đồng. Đây không chỉ là nơi dành cho cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường, mà còn thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, trường đại học khác. Chúng tôi hy vọng và mong muốn, Trung tâm trở thành nơi thu hút nhân tài hàng đầu tại Việt Nam - những người có đam mê với ĐMST, phù hợp với sứ mệnh, định hướng của trường.

Bằng việc đưa ra nguồn lực và hỗ trợ cần thiết, chúng tôi có thể truyền lửa cho sinh viên và các thành viên của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, biến ý tưởng thành hiện thực, khởi xướng doanh nghiệp của riêng mình và đóng góp đáng kể vào bức tranh ĐMST tại Việt Nam.

Trung tâm ĐMST và Khởi nghiệp không chỉ là không gian vật lý đơn thuần, mà còn là biểu tượng cam kết mạnh mẽ của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong việc tạo ra môi trường để ĐMST và khởi nghiệp ngày càng phát triển.

Theo ông Tạ Đình Thi, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ cần được xem xét tổng thể những vấn đề nêu trên; đồng thời phải đón những xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới; trong đó có đại học định hướng nghiên cứu, ĐMST ở Việt Nam, đại học khởi nghiệp, chú trọng tinh thần, năng lực ĐMST và khởi nghiệp người học. Xây dựng thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới làm chủ và tự cường.

(Theo giaoducthoidai.vn)

.
.
.