Một ngày làm giáo viên mầm non: Trải nghiệm thú vị của phụ huynh
Khi được “đổi vai” để đứng lớp, chăm sóc, giáo dục trẻ, phụ huynh thấu cảm với nỗi vất vả của giáo viên mầm non, đó là những chia sẻ của nhiều cha, mẹ ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, khi tham gia Ngày hội Phụ huynh trải nghiệm một ngày làm giáo viên mầm non.
TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ
Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Mỹ Tho) vừa tổ chức Ngày hội Phụ huynh trải nghiệm một ngày làm giáo viên mầm non. Để tham gia ngày hội thú vị này, thông qua các nhóm, lớp, trường đã có thư mời để phụ huynh đăng ký.
Một ngày trải nghiệm làm giáo viên mầm non của phụ huynh tại Trường Mầm non Hoa Hồng. |
Trái ngược với những băn khoăn ban đầu, ngày hội đã thu hút 300 phụ huynh ở 16 nhóm lớp tham gia hoạt động đầy thú vị này. Một trong những mục tiêu mà nhà trường hướng đến khi tổ chức ngày hội là không đơn thuần phụ huynh chỉ là vào trường tham quan cơ sở vật chất, dự giờ, xem quy trình chăm sóc trẻ, mà còn được thử sức vào vai của một giáo viên mầm non trong một ngày.
Cô Nguyễn Thị Thùy Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng chia sẻ, từ trước đến nay, ít ai biết công việc của giáo viên mầm non là làm những gì, không ít phụ huynh chỉ nghĩ là dạy trẻ ca hát, vẽ tranh, trông trẻ cho an toàn.
Tại ngày hội, phụ huynh được làm rất nhiều công việc của các cô, như: Dỗ trẻ khóc, ẵm bồng để các con thấy yên tâm, cách cho trẻ ăn, uống, xử lý các tình huống nếu trẻ ói, bệnh, đi vệ sinh. Đồng thời, phụ huynh còn được trải nghiệm tổ chức các trò chơi cho trẻ, tổ chức các hoạt động bên trong và bên ngoài lớp học… và nhiều nhiều công việc khác.
“Có rất nhiều gia đình có cha, mẹ và cả ông, bà tham gia trải nghiệm tại ngày hội. Có những gia đình đã ở lại từ sáng đến chiều để cùng các con. Có những phụ huynh chia sẻ rất cảm động khiến giáo viên không khỏi xúc động: Có ở đây nửa ngày thôi mà tôi thấy thương các cô giáo quá” - cô Lan chia sẻ.
Chị Nguyễn Vân Anh, một phụ huynh của trường ở phường 1, TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Khi nhận được thông báo từ trường về hoạt động này, tôi đã đăng ký tham gia. Phụ huynh chúng tôi đã trải nghiệm trong lớp học, sinh hoạt, thói quen hằng ngày của các bé.
Chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của các cô khi xoay quanh công việc không ngừng tay. Gần 12 giờ trưa, các bé đã vào giấc ngủ trưa. Lúc này, các cô chỉ bắt đầu ăn trưa. Quả thật, tôi thật sự khâm phục các cô và càng thương các cô nhiều hơn. Năm sau, nếu trường tiếp tục tổ chức, tôi cũng như các phụ huynh khác vẫn sẽ tham gia, vì đây là chương trình rất ý nghĩa”.
HƯỚNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC HẠNH PHÚC
Cùng với phong trào Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang hướng tới mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục mầm non. Một trong những thước đo quan trọng của một trường mầm non hạnh phúc là sự hài lòng của trẻ khi đến trường, tinh thần làm việc vui vẻ, thân thiện của cán bộ, giáo viên và sự hài lòng, an tâm, hợp tác của phụ huynh.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng Nguyễn Thị Thùy Lan đánh giá: Ngày hội đã mang đến nhiều kết quả vượt qua sự mong đợi của nhà trường. Thế nhưng, không có một kết quả nào quý giá bằng, đó là sự tin tưởng, yêu thương và thấu hiểu của phụ huynh khi gửi con tại trường.
Bởi khi có thêm sự thấu cảm, yêu thương, phụ huynh sẽ cùng đồng hành, hợp tác hiệu quả hơn với nhà trường trong việc cùng nuôi dưỡng, dạy dỗ, chăm sóc trẻ.
Cô Nguyễn Thương Thương, giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng chia sẻ: “Với nghề giáo viên mầm non, không có hạnh phúc nào bằng là chứng kiến các con khôn lớn, khỏe mạnh từng ngày. Qua ngày hội, hy vọng các bậc phụ huynh sẽ luôn đồng hành, tâm sự, trò chuyện với các con nhiều hơn và hơn bao giờ hết sẽ là một người bạn thân chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành trong hành trình khôn lớn, trưởng thành của các con”.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Mỹ Tho Lê Văn Dũng cho biết, năm học 2023 - 2024 là năm học của sự đổi mới, ngành GD-ĐT thành phố đã chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình, trong đó có mô hình trường học hạnh phúc tại 61 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trường học hạnh phúc hướng đến các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên đến học sinh được nói lên suy nghĩ, có điều kiện đổi mới, sáng tạo. Thông qua mô hình này, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội ngày càng được nâng cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Huỳnh Thị Phượng, trong bối cảnh giáo dục mới, đòi hỏi bậc học mầm non cần có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong cách giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non. Cùng với đó, trong thời gian qua, tỉnh đã có những chính sách thu hút, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non của tỉnh nhà.
Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tiếp tục có các giải pháp duy trì và nâng chất bậc học mầm non, trong đó triển khai một số giải pháp trọng tâm như quan tâm, chăm lo công tác giáo dục, nuôi dưỡng trẻ; xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; xây dựng trường mầm non hạnh phúc…
ĐỖ PHI