.

Các trường nghề ở Tiền Giang đang nỗ lực tuyển sinh

Cập nhật: 16:29, 23/08/2024 (GMT+7)

Cùng với các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đang nỗ lực tuyển sinh năm học 2024 - 2025.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang đã tuyển được 156 học viên lớp 10. Nhiều phụ huynh đã nộp hồ sơ cho con em vào học ngay khi kết thúc năm học lớp 9 thay vì chờ kết quả không đậu vào trường THPT công lập mới tìm đến trung tâm.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang Lê Thị Loan cho biết, chất lượng giáo dục của trung tâm ngày càng được khẳng định. Nếu như năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trung tâm chỉ 90,74% thì năm 2024 đã trên 98,5%. Trung tâm đang nỗ lực thay đổi cách nhìn của phụ huynh, học sinh, đây thực sự là một môi trường giáo dục tốt và phù hợp”.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang nhận hồ sơ tuyển sinh năm 2024.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang nhận hồ sơ tuyển sinh năm 2024.

Cùng với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang, các trường cao đẳng, trung cấp, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên các địa phương cũng đang sôi động với cao điểm tuyển sinh hệ vừa học văn hóa, vừa học nghề. Tại Trường Cao đẳng Tiền Giang, đến giữa tháng 8-2024, trường đã tuyển 4.566 chỉ tiêu, trong đó có 113 chỉ tiêu cao đẳng, 725 chỉ tiêu trung cấp, 564 chỉ tiêu sơ cấp và 3.164 chỉ tiêu trình độ sơ cấp. Nếu so với tổng chỉ tiêu đặt ra là 2.743 chỉ tiêu, trường đã tuyển vượt 1.823 chỉ tiêu.

Theo đánh giá của trường thì đây là con số đáng mừng, bởi trước đây trường tuyển sinh khá chật vật nhưng hiện nay nhận thức của nhiều học sinh và phụ huynh về đào tạo nghề có sự chuyển biến nên việc tuyển sinh của trường đã thuận lợi hơn.

Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Tiền Giang, trong quá trình tuyển sinh, nhà trường chú trọng giới thiệu những chính sách thu hút người học như: Học sinh tốt nghiệp trình độ THCS khi học trung cấp nghề sẽ được miễn học phí hoàn toàn, học thẳng lên cao đẳng theo chương trình 9+; vay vốn tín dụng khi theo học, tạo điều kiện thực tập tại các nhà xưởng…

Một trong những điểm chú ý là tỷ lệ có việc làm của học sinh, sinh viên của trường rất cao. Đối với các ngành, nghề kỹ thuật từ năm 2016 đến nay thì có 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp; các ngành, nghề còn lại có từ 80% đến 90% sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp.

Qua ghi nhận, hiện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tăng tốc tuyển sinh cho năm học 2024 - 2025 với chỉ tiêu khá cao. Cụ thể, Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang hiện đã tiếp nhận 467 hồ sơ bậc cao đẳng, 11 hồ sơ bậc trung cấp; Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè đã tiếp nhận 205 hồ sơ bậc trung cấp; Trường Trung cấp Cai Lậy tiếp nhận 272 hồ sơ bậc trung cấp; Trường Trung cấp Gò Công tiếp nhận 286 hồ sơ bậc trung cấp và 301 hồ sơ dạy nghề dưới 3 tháng. Trong thời gian tới đây, các trường tiếp tục nhận hồ sơ của học học viên đăng ký dự tuyển.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang, tỉnh hiện đang có tiềm lực mạnh mẽ trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động với 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo 42 ngành, nghề thuộc các lĩnh vực. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh và các tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong năm 2024, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tuyển sinh đào tạo 13.193 học sinh, sinh viên và học viên; trong đó: 3.063 trình độ trung cấp, cao đẳng và 10.130 học viên trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; sẽ hỗ trợ đào tạo 4.000 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 55,5%, với tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XB tỉnh Tiền Giang Phan Thanh Vân, để công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024 đạt được kế hoạch đề ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường thiết lập mạng lưới phối hợp chặt chẽ với các trường THCS, THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện, UBND, các đoàn thể cấp xã và doanh nghiệp nhằm tư vấn học nghề nghiệp gắn với việc làm cho người lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo, đăng ký thêm ngành, nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu…

ĐỖ PHI

 

.
.
.