Tiền Giang với bài toán đảm bảo giáo viên ở các bậc học
Trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo giỏi nghề, tận tâm với học trò, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Nếu như trước đây, đội ngũ nhà giáo tỉnh Tiền Giang vừa thiếu và yếu thì hiện nay nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đội ngũ nhà giáo của tỉnh đã được cải thiện rõ nét cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới. Những năm qua, toàn ngành GD-ĐT tỉnh đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ngành GD-ĐT tỉnh cũng đã kịp thời có những chế độ, chính sách chăm lo cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo…
Những năm qua, đội ngũ giáo viên tỉnh Tiền Giang không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho. |
Để thu hút nguồn giáo viên về công tác tại địa phương, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết để thu hút giáo viên mầm non là Nghị quyết 12 và Nghị quyết 21 quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công tác tại các địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng. Qua đó, đã thu hút 352 giáo viên mầm non về công tác tại tỉnh Tiền Giang…
Toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang hiện có 18.375 người đang công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn: Bậc học mầm non là 86,9%; bậc tiểu học 84,5%; bậc THCS 88,01% và bậc THPT 100%. Toàn ngành hiện có 8 tiến sĩ, 532 thạc sĩ và 9.565 đạt trình độ đại học. Trong năm học vừa qua (2023 - 2024), ngành GD-ĐT tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng 744 giáo viên khoa học tự nhiên, 356 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý và 189 giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học. |
Tuy nhiên, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Tiền Giang cũng đang gặp khó khăn trong thiếu giáo viên ở các bậc học. Qua rà soát sơ bộ, hiện toàn ngành GD-ĐT tỉnh đang thiếu khoảng 900 giáo viên, chủ yếu ở bậc học mầm non, tiểu học và các môn xã hội, bộ môn mới theo Chương trình GDPT năm 2018. Thực tế cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở tỉnh Tiền Giang, mà trong giai đoạn 2022 - 2026, ngành GD-ĐT ở nhiều địa phương vẫn phải cắt 10% biên chế theo Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.
Bên cạnh đó, Tiền Giang có số lượng giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế rất đáng kể. Trong khi đó, nguồn tuyển kế thừa, vào ngành GD-ĐT công tác lại khiêm tốn do chế độ tiền lương, đãi ngộ, phụ cấp còn thấp. Nguyên nhân kế đến là Chương trình GDPT năm 2018 có nhiều thay đổi về cơ cấu môn học nên có môn thừa, môn thiếu. Từ năm học 2021 - 2022 trở về trước, môn Tiếng Anh và Tin học ở tiểu học là tự chọn; các môn Âm nhạc, Mỹ thuật không có trong chương trình THPT. Theo chương trình mới, Tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3; Âm nhạc, Mỹ thuật được đưa vào là môn lựa chọn từ lớp 10 nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong năm học 2023 - 2024, Sở đã tổ chức 2 kỳ tuyển dụng giáo viên để bổ sung đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu đối với các trường, trung tâm trực thuộc Sở và đã có 62 giáo viên, nhân viên được tuyển dụng; khối 11 huyện, thành, thị của tỉnh tuyển được 496 người. Về định hướng lâu dài, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2020, ngành GD-ĐT đã phối hợp với các đơn vị để thông tin về nhu cầu giáo viên của ngành. Qua tuyên truyền và rà soát, hiện số sinh viên có hộ khẩu ở Tiền Giang đang học các ngành Sư phạm tại Tiền Giang và các cơ sở đào tạo khác khoảng 1.473 sinh viên sư phạm. Từ đầu năm học 2024 - 2025, đến nay Sở GD-ĐT và các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục tuyển dụng nguồn giáo viên.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh toàn ngành GĐ-ĐT thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, hiện nay hơn ai hết đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải cố gắng tự thân học tập, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến. Trong giảng dạy, giáo viên cần linh hoạt các phương pháp tích cực, thay đổi cách đánh giá học sinh, tránh theo lối mòn đọc - chép. Bên cạnh đó, giáo viên cần nghiên cứu, tìm hiểu thực tế cuộc sống để gắn kết vào nội dung bài giảng bằng những ví dụ minh họa sống động, thiết thực...
ĐỖ PHI