.

Cần điều chỉnh chính sách, bảo đảm chỗ học trong trường công lập cho học sinh vào lớp 10

Cập nhật: 21:29, 30/09/2024 (GMT+7)

Ngày 30-9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với Bộ GD-ĐT về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, dự kiến chương trình công tác năm 2025 và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Quang cảnh cuộc làm việc.
Quang cảnh cuộc làm việc.

Tại cuộc làm việc, Thường trực Ủy ban đã đánh giá cao kết quả tích cực của ngành giáo dục trong năm học 2023 - 2024.

Bên cạnh đó, một số vấn đề cũng đã được Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi, đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ, như liên quan đến dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài; sự chênh lệch trong lựa chọn tổ hợp thi tốt nghiệp THPT; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học; xây dựng văn hóa học đường; liêm chính học thuật. Cùng với đó là vấn đề giải ngân, đầu tư cho giáo dục; xây dựng Luật Nhà giáo; dạy thêm học thêm; tuyển sinh vào lớp 10...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh một số việc lớn ngành giáo dục đã làm được trong năm qua. Về nhiệm vụ năm 2025, theo Bộ trưởng, các việc tiếp tục phía trước còn nhiều, đặc biệt là nhóm việc triển khai Chiến lược phát triển GD-ĐT tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tổng kết giai đoạn đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD-ĐT cũng ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo, các nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và đổi mới chương trình giáo dục mầm non…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc.

Vấn đề đầu tiên và theo Bộ trưởng cũng là vấn đề nhiều thách thức, khó khăn nhất, "khả năng giải quyết, ngành giáo dục không tự chủ được”, cần sự hỗ trợ, phối hợp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội là công tác phân luồng sau THCS, tuyển sinh vào lớp 10, giải quyết chỗ học cho học sinh.

Lý giải việc căng thẳng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều địa phương, Bộ trưởng nhắc đến nguyên nhân quan điểm về phân luồng, hướng nghiệp; nhiều địa phương, chỗ học không hẳn thiếu nhiều nhưng thiếu trường công lập, đặc biệt là trường công có chất lượng tốt; có sự cạnh tranh khốc liệt vào những trường công lập có chất lượng, giáo viên tốt, chi phí thấp. Trong khi đó, địa phương không có căn cứ xây dựng trường vì quy định tỷ lệ phân luồng vào THPT.

Bộ trưởng mong Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng có tiếng nói để điều chỉnh chính sách vĩ mô, giúp bảo đảm chỗ học trong trường công lập cho học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số địa phương, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội không có sức hút đối với người học…

Bộ GD-ĐT cần tiếp tục chú trọng công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng tới giải quyết được những vấn đề đang nổi lên, đang bức xúc. Cùng với đó là tiếp tục triển khai xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo công bằng trong giáo dục; tiếp tục thực hiện chống bệnh thành tích, thực hiện quan điểm học thật, thi thật, nhân tài thật…

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát các chủ trương, chính sách, chiến lược về GD-ĐT; tiếp tục kiên trì thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị; kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Chiến lược phát triển GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ thực hiện giám sát chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

(Theo www.sggp.org.vn)

 

.
.
.