.

Cô gái giành giải thưởng kiến trúc quốc tế với đồ án về cầu Long Biên

Cập nhật: 14:50, 08/11/2024 (GMT+7)

Đồ án tốt nghiệp với ý tưởng kết nối các không gian quanh cầu Long Biên giúp Đào Phương Linh giành giải thưởng kiến trúc quốc tế Architecture Master Prize (AMP).

Đào Phương Linh, 24 tuổi, cựu sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, biết tin đạt giải hồi cuối tháng 10. Đồ án của cô mang tên: "Tiếp biến kiến trúc và cảnh quan đô thị cầu Long Biên", hồi tháng 10.

"Tôi tự hào khi được công nhận bởi các chuyên gia kiến trúc uy tín trên thế giới", Phương Linh nói.

Kiến trúc sư Lê Minh Hoàng, giảng viên hướng dẫn Linh, cho hay AMP là giải thưởng quốc tế nổi bật trong lĩnh vực thiết kế và kiến trúc, do tập đoàn Farmani Group, Mỹ, khởi xướng. Hàng năm, AMP nhận đồ án dự thi từ hơn 80 quốc gia, riêng giải dành cho sinh viên có 42 hạng mục. Đào Phương Linh được chứng nhận "Best of Best" - giải cao nhất ở hạng mục "Cơ sở hạ tầng".

Đào Phương Linh, cựu sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đào Phương Linh, cựu sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Linh là cựu sinh viên lớp cử nhân kiến trúc tài năng đầu tiên của khoa Kiến trúc. Đồ án của cô hướng tới khôi phục và tái vận hành các di sản già cỗi trong bối cảnh đô thị đương đại. Cô ví von kiến trúc được đưa vào các sinh thái này hoạt động như "stent" trong y học, giúp tạo ra sự vận động, góp phần cải thiện nhận thức của cộng đồng về di sản.

Đề tài của Linh ban đầu không nhận được nhiều đồng thuận từ hội đồng phản biện do phân nhỏ khu vực nghiên cứu. Tuy nhiên, Linh vẫn quyết tâm thực hiện. Suốt gần một năm, cô khảo sát và nghiên cứu địa điểm, tìm hiểu bối cảnh, tiềm năng, từ đó đưa ra đề xuất kiến trúc.

Linh đã đưa ra kịch bản về giao thông và kiến trúc cho những "không gian chết" gắn liền với cầu Long Biên, hệ thống vòm cầu Phùng Hưng. Chẳng hạn, nếu có một cây cầu khác được xây dựng, cầu Long Biên trở thành tuyến đi bộ, đường sắt qua đó không còn hoạt động thì nhà ga sẽ bỏ trống.

Nhiều khu đất công cộng dưới vòm cầu Phùng Hưng hiện làm nơi tập kết rác. Theo kế hoạch của thành phố, những vòm cầu đó sẽ được đục thông ra để kết nối với khu phố cổ, làm nơi trưng bày sản phẩm làng nghề.

Linh đề xuất 4 điểm xung quanh chưa được sử dụng đúng công năng để kết nối chúng thành tuyến du lịch tàu điện. Điểm bắt đầu tại khu vực đường Lê Văn Linh (ngã ba Phùng Hưng) sẽ là nhà điều hành, quảng trường, sinh hoạt lễ hội. Vườn hoa Ngọc Thụy - cuối cầu Long Biên là ga đón. Nhịp nối giữa hai ga là bãi giữa sông Hồng.

Đồ án của Linh được chấm điểm 9,6/10. Theo kiến trúc sư Lê Minh Hoàng, đây là mức điểm cao nhất trong nhiều năm qua ở khoa Kiến trúc.

Một bản vẽ trong đồ án tốt nghiệp của Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một bản vẽ trong đồ án tốt nghiệp của Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Ngày học phổ thông, Linh theo chuyên Hóa và được gia đình định hướng theo ngành y. Tuy nhiên, khi tìm hiểu ngành nghề để chuẩn bị vào đại học, nữ sinh nhận ra kiến trúc là ngành mình muốn theo đuổi. Vốn thích vẽ từ nhỏ, có khả năng tưởng tượng, Linh chuyển sang ôn vẽ. Bị bố mẹ phản đối, Linh âm thầm đăng ký nguyện vọng duy nhất vào Đại học Kiến trúc Hà Nội và trúng tuyển với 29,5/40 điểm.

Học ở lớp tài năng, ban đầu cô cũng choáng ngợp và áp lực. Nhưng xác định đi theo đam mê, Linh hiểu rằng bản thân cần kiên trì và nỗ lực. Cô lên kế hoạch và dần dần bắt nhịp được.

Theo Linh, kiến trúc là ngành đào tạo nghề song song với học thuật nên có sự gắn kết giữa giảng viên với sinh viên suốt 5 năm học. Nhờ đó, Linh thường xuyên trao đổi, học hỏi và được định hướng về nghề nghiệp. Cô cũng tự trau dồi kiến thức từ các nguồn trên mạng và thư viện.

"Linh là một trong những sinh viên xuất sắc, nỗ lực, có tinh thần cầu thị và cảm quan kiến trúc tốt", giảng viên hướng dẫn nhận xét.

Ngoài AMP, Linh từng giành giải nhì Liên hoan sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ 12; giải ba cuộc thi Kiến trúc xanh sinh viên 2023...

Linh hiện làm việc tại một văn phòng kiến trúc. Cô cho hay sẽ tích lũy kinh nghiệm làm việc một thời gian, rồi tìm kiếm cơ hội du học.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.