Dạy và học môn Ngữ văn trước yêu cầu mới
Không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề thi đối với môn Ngữ văn, đây được xem là một trong những thay đổi lớn khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Tuy nhiên, với giáo viên và học sinh, để thích ứng với thay đổi này không phải là chuyện dễ dàng. Chính vì vậy, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thay đổi các hoạt động dạy và học, cũng như đón đầu xu hướng thi mới để có kế hoạch ôn tập, đáp ứng được yêu cầu của các kỳ thi.
TRIỆT TIÊU “VĂN MẪU”
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã yêu cầu các cơ sở giáo dục không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn. Như vậy, đây được xem là thay đổi lớn trong chương trình, thay vì cách dạy mang tính truyền thụ kiến thức, học sinh ghi nhớ thụ động như trước đây, hiện nay việc dạy và học môn Ngữ văn sẽ chuyển sang việc dạy kỹ năng, vận dụng cho học sinh,
Thầy Nguyễn Tấn Phúc, giáo viên dạy Ngữ văn ở một trường THPT tại huyện Châu Thành cho biết, về mặt tích cực, sẽ giúp triệt tiêu “văn mẫu”, tránh được lối học tủ, học vẹt, hạn chế nạn quay cóp... giúp đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Học sinh sẽ chủ động, tích cực, phát huy năng lực sáng tạo, có chính kiến riêng, chủ động tìm kiếm cái mới trong quá trình học môn Ngữ văn, qua đó rèn luyện tư duy và cách viết các kiểu văn bản.
Tiết học Ngữ văn của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho. |
Thuận lợi là vậy, song với yêu cầu không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa khi ra đề kiểm tra Ngữ văn cũng đặt ra một số vấn đề khó khăn như: Thứ nhất, đối với học sinh đã có thời gian dài học theo chương trình cũ, quen với lối học truyền thụ một chiều “thầy đọc - trò chép”, chính vì vậy khi đứng trước yêu cầu mới cần có thời gian để thích nghi, không thể bắt học sinh trong khoảng thời gian ngắn giải quyết các yêu cầu trọn vẹn của đề thi.
Với những học sinh có kỹ năng học tốt môn Ngữ văn thì khá nhẹ nhàng, còn với những học sinh còn hạn chế kỹ năng sẽ rất khó khăn khi giải quyết đề thi. Thứ hai, đối với giáo viên cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm các ngữ liệu. Bởi khi lấy ngữ liệu bên ngoài cho học sinh thi hay làm bài kiểm tra thì ngữ liệu đó phải đảm bảo tính thẩm mỹ, có giá trị cả về mặt nội dung và nghệ thuật, cũng như tính nhân văn, nhân ái. Chính vì vậy, giáo viên sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc lựa chọn, thẩm định, biên soạn đề trong khi vẫn phải đảm bảo kế hoạch bài dạy, nghiên cứu chương trình trong sách giáo khoa.
Cô Nguyễn Ngọc Nga, giáo viên Ngữ văn tại một trường THCS ở TP. Mỹ Tho cho biết: “Nếu như trước đây, việc ra đề kiểm tra chỉ trong khoảng 2 tiếng cho cả đề thi và đáp án bởi ngữ liệu trong sách giáo khoa đã mang tính chuẩn mực thì giờ đây phải mất gần cả buổi, thậm chí cả ngày để ra một đề kiểm tra. Bởi trong quá trình ra đề, giáo viên phải “cân, đong, đo, đếm”, phải làm sao cho hài hòa với tất cả đối tượng học sinh. Nếu ra đề không chuẩn sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình học tập của các em”.
GIẢI PHÁP GIẢM ÁP LỰC CHO HỌC SINH
Theo các giáo viên dạy Ngữ văn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, để lĩnh hội được những ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa, trước hết, học sinh cần nắm vững đặc điểm của các bài học, kiểu văn bản, thể loại cụ thể cũng như yêu cầu đọc hiểu với từng nội dung cụ thể. Với phần đọc hiểu, học sinh cần nắm rõ đặc trưng các kiểu văn bản, các kiến thức từ từ vựng, ngữ pháp Tiếng Việt. Còn với phần làm văn, học sinh cũng cần nắm được những yêu cầu cơ bản qua từng đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa như: Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một bài thơ, đoạn thơ, một tác phẩm…
Còn đối với giáo viên, cần có thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như cách kiểm tra, đánh giá. Theo đó, giáo viên cần kết hợp, vận dụng nhiều phương pháp dạy học mới như: Vấn đáp, làm việc nhóm, dạy học theo dự án, dạy học góc, phương pháp trò chơi… và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học khác nhằm phục vụ hiệu quả cho quá trình dạy học. Tổ bộ môn thường xuyên trao đổi chuyên môn, trao đổi dạy học, dự giờ, đúc kết những kinh nghiệm hữu ích trong việc giảng dạy theo chương trình mới, nhất là những ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo cho biết: “Mục đích của việc đổi mới là chống kiểu dạy và học theo hướng thuộc lòng và chép “văn mẫu”; phát huy được những suy nghĩ riêng của mỗi học sinh, khuyến khích các em tự làm ra bài văn của chính mình, thể hiện suy nghĩ một cách trung thực... Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực tế, các trường, đặc biệt là tổ bộ môn Ngữ văn cần linh hoạt, tháo gỡ khó khăn để áp dụng tốt cho đơn vị của mình, tất cả với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn”.
ĐỖ PHI