.

Tiền Giang: Tạo điều kiện học tập tốt nhất cho trẻ em

Cập nhật: 10:39, 09/11/2024 (GMT+7)

Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tiền Giang đã tập trung mọi nguồn lực tích cực chăm lo cho giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Nhờ đó, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang.

NHIỀU KẾT QUẢ KHẢ QUAN

Xác định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GD-ĐT.

 Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chất lượng giáo dục của tỉnh Tiền Giang không ngừng phát triển (ảnh chụp tại Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho).
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chất lượng giáo dục của tỉnh Tiền Giang không ngừng phát triển (ảnh chụp tại Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho).

Toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các cấp ủy đảng, ngành GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch nhiệm vụ từng năm học, nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả nhiệm vụ được giao.

Toàn ngành GD-ĐT có trên 330 ngàn trẻ mầm non, học sinh ở các cấp học. Những năm qua, ngành GD-ĐT đã tập trung triển khai Chương trình Giáo dục mầm non; Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ em trong các độ tuổi theo quy định.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục các cấp học đã chuyển biến rõ nét. Với bậc học mầm non đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể: Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tiếp tục được giữ vững, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao; tỷ lệ trẻ được nuôi ăn bán trú chiếm tỷ lệ 90%, tăng 1% so với năm học trước; 100% trẻ được theo dõi sức khỏe định kỳ; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tiếp tục tạo sự lan tỏa tích cực…

Những năm qua, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 507 cơ sở giáo dục, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 376/507 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 74,16%, trong đó bậc mầm non: 130 trường (69,15%), bậc tiểu học: 138 trường (87,34%), bậc THCS: 80 trường (65,04%) và bậc THPT: 28 trường (73,68%).
 

Ở bậc tiểu học, cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được cải thiện, xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với các khối lớp. Bậc trung học tiếp tục có nhiều đổi mới căn bản trong dạy và học. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được nhà trường, giáo viên quan tâm chú ý, đặc biệt đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Công tác phân luồng học sinh được triển khai thực hiện tốt.

Cùng với các ngành, các cấp, công tác chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường cũng được thực hiện tốt với mục tiêu không để cho bất cứ học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học.

Trong công tác khuyến học, phải kể đến vai trò đầu tàu là Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, đã hỗ trợ cho 305 học sinh, sinh viên; chương trình học bổng không thường xuyên thực hiện nhân dịp khai giảng, bế giảng năm học, hằng năm lên đến 40 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 32.000 lượt học sinh, sinh viên vượt khó, học tốt; Chương trình “Mái ấm khuyến học”, hằng năm tặng cho học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhà ở từ 20 - 25 căn nhà, với mức hỗ trợ từ 40 - 50 triệu đồng/căn…

Cùng với đó, ngành GD-ĐT cũng đã có nhiều nỗ lực chăm lo cho những học sinh khuyết tật, tạo điều kiện cho các em hòa nhập cộng đồng. Trong năm học 2024 - 2025, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ 165 trẻ khuyết tật.

Những năm qua, trung tâm chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình can thiệp sớm; tăng cường các hoạt động dạy kỹ năng sống và kỹ năng độc lập, giáo dục giới tính cho nhóm trẻ lớn; kết nối với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn…  Nhờ thực hiện tốt các giải pháp, kết quả thực hiện các chỉ tiêu về GD-ĐT theo nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang giao hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch.

TIẾP TỤC ĐẦU TƯ, CHĂM LO CHO GD-ĐT

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GD-ĐT của tỉnh Tiền Giang vẫn gặp những khó khăn nhất định, cụ thể như: Cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa trong thời gian qua nhưng còn 131/507 trường cần tiếp tục được đầu tư để đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn thiếu giáo viên các bộ môn mới trong việc thực hiện Chương trình GDPT năm 2018; một số địa bàn của tỉnh còn khó thu hút, tuyển dụng giáo viên.

Mục tiêu mà ngành GD-ĐT đặt ra trong năm học 2024 - 2025 là tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 18%; mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi đạt 88%; 100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo; 100% học sinh tiểu học đến trường; 99% học sinh trung học đến trường và 85% học sinh vào học tại các trường THPT và tương đương.

Phát huy những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở để chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung của ngành; rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ; đổi mới cơ chế quản lý, công tác quản lý.

Đ.PHI -T.H

.
.
.