.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang: Không ngừng đổi mới, chuyển mình

Cập nhật: 10:21, 20/11/2024 (GMT+7)

Với việc chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, đa dạng hóa và tăng cường liên kết các hình thức đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, thời gian qua, chất lượng giáo dục của Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2024), Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Thị Loan, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Tiền Giang về những kết quả đã đạt được cũng như những định hướng trong thời gian tới của Trung tâm.

* PV: Có ý kiến cho rằng “chuột chạy cùng sào mới vào GDTX”, Tiến sĩ nghĩ sao về nhận định này?

* Tiến sĩ Lê Thị Loan: Dư luận cho rằng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khó hơn kỳ thi đại học; khi các nguyện vọng đã chọn, học sinh không đạt và không đủ tài chính học các trường THPT thì phụ huynh mới đăng ký cho con mình vào học hệ GDTX. Thực tế là đúng như vậy, bởi trước khi có kết quả tuyển sinh lớp 10 hằng năm là Trung tâm GDTX tỉnh Tiền Giang chưa nhận được hồ sơ đăng ký tuyển sinh nào, mặc dù trước tháng 6 hằng năm đã thông báo tuyển sinh.

Điều này không phải ngạc nhiên vì cho các em thử sức học của mình; sau khi có kết quả, phụ huynh và học sinh vẫn đắn đo, nhiều phụ huynh tâm sự phải mất ngủ nhiều ngày để quyết định cho con mình học GDTX.

Việc phụ huynh và học sinh quyết định cho con học GDTX là con đường cuối cùng để được tiếp bước tương lai cũng là một điều đáng mừng. Sau khi kết thúc học kỳ đầu tiên, nhiều phụ huynh và học sinh mới thở phào cho rằng bản thân đã tìm được môi trường học tập tốt và trên thực tế sau khi tốt nghiệp THPT đã có rất nhiều em đỗ vào các trường đại học lớn và thành công trong cuộc sống sau này. 

Có thể nói, nếu như trước đây đa phần phụ huynh học sinh có tâm lý “lọt sàng xuống nia” hay “chuột chạy cùng sào mới vào GDTX”, tức là rớt 3 nguyện vọng trường công lập, “đường cùng” mới phải học GDTX; chỉ có học sinh hư hỏng, quậy phá mới học GDTX…, thì nay với chất lượng của môi trường giáo dục ngày càng được nâng lên, Trung tâm GDTX đã được phụ huynh học sinh tin tưởng và chọn làm nơi học tập của con em mình.

* PV: Đâu là những kết quả mà Trung tâm đạt được trong năm học qua?

* Tiến sĩ Lê Thị Loan: Từ năm học 2021 - 2022, học viên của Trung tâm theo học Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, thực hiện theo Thông tư 12/2022 ngày 26-7-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Chương trình GDTX cấp trung học phổ thông (THPT).

Chương trình GDTX cấp THPT gồm 7 môn học, trong đó: Ngữ văn, Toán, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong số các môn học Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ.

Với quyết tâm rút ngắn khoảng cách giữa hệ GDTX và THPT, thời gian qua, đặc biệt là năm học 2023 - 2024, tập thể sư phạm Trung tâm đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp và đạt một số kết quả quan trọng. Trong đó, đáng chú ý, 100% học viên xếp loại rèn luyện Khá trở lên; 98,54% học viên đạt kết quả học tập xếp loại Đạt trở lên (tăng 7,8% so với năm học 2022 - 2023 là 90,74%).

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 97,78% (tăng 4,16% so với năm học 2022 - 2023). Hiệu quả đào tạo niên khóa 2021 - 2024 đạt 96,70% (cao hơn hiệu quả đào tạo chung của tỉnh 94,95%). Đặc biệt, trong năm học vừa qua, Trung tâm có học sinh đạt giải Ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và giải Khuyến khích môn Địa lý…

 Với những nỗ lực, cố gắng, Trung tâm GDTX tỉnh Tiền Giang  đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như: Bằng khen “Tập thể lao động xuất sắc” năm học 2023 - 2024  của UBND tỉnh Tiền Giang; Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua Lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh năm học 2023 - 2024; Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo về tập thể thực hiện tốt tiêu chí thi đua năm học 2023 - 2024 (hạng Nhất tiểu khối 3)…

* PV: Để nâng cao chất lượng đào tạo, gây dựng uy tín và thu hút đông người học, thời gian tới, Trung tâm đã có những giải pháp nào để đổi mới, tự chuyển mình?

* Tiến sĩ Lê Thị Loan: Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm, đó là nhiệm vụ quan trọng mà tập thể Ban Giám đốc Trung tâm đề ra. Trong thời gian tới, tập thể cán bộ, giáo viên sẽ không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, tạo động lực giúp học viên tích cực học tập, đạt kết quả tốt trong các kỳ thi kiểm tra chất lượng học kỳ, thi tốt nghiệp THPT.

Với số biên chế được giao của Trung tâm là 25 người trên 13 lớp, tổng số học viên hiện tại là 516, với 14 giáo viên trực tiếp giảng dạy, Trung tâm sẽ chủ động mời thầy, cô đang giảng dạy tại các trường THPT dạy thỉnh giảng cho học viên lớp 12.

Riêng đối với học viên có năng khiếu, có kỹ năng thì các thầy, cô sẽ khuyến khích cho vào câu lạc bộ để rèn năng khiếu, âm nhạc, học bồi dưỡng các môn văn hóa tham gia các kỳ thi do các cấp phát động.

Cùng với đó, Trung tâm sẽ tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học viên, để giúp các em không tự ti vì mình học GDTX như suy nghĩ của mọi người đây là các em “cá biệt” bằng một số việc làm cụ thể như: Tổ chức các chủ điểm trong các tiết sinh hoạt cờ, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề…

Ngoài ra, xác định học viên là nhân tố tiên quyết cho sự phát triển của Trung tâm, ngay từ đầu năm học, Trung tâm đã lên kế hoạch tuyển sinh cho năm học tiếp theo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, tăng cường bám sát cơ sở; vận động cha mẹ và học sinh, giúp họ nắm được chương trình học tại Trung tâm.

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ thực hiện chương trình bồi dưỡng và nâng cao chuyên môn theo nhu cầu của người học; liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong nước mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân của tỉnh và nhu cầu của xã hội để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đồng thời, tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ phục vụ theo nhiệm vụ của Trung tâm.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

V. PHƯƠNG

(thực hiện)

.
.
.