.

10 năm theo đuổi giấc mơ làm phi công của cô gái Cần Thơ

Cập nhật: 15:06, 02/12/2024 (GMT+7)

Với loạt giải thưởng môn Sinh, Hải Trân có thể đỗ nhiều trường Y nhưng chọn học phi công như giấc mơ từ năm 12 tuổi.

Thái Hải Trân, 22 tuổi, vừa hoàn thành chương trình đào tạo phi công tại Đại học RMIT, Australia. Cô gái quê Cần Thơ là nữ sinh Việt Nam duy nhất của khóa học, tốt nghiệp loại giỏi với điểm trung bình 3,4/4 cùng hơn 200 giờ bay an toàn.

Hải Trân tại Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hải Trân tại Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Hải Trân là cựu học sinh chuyên Sinh, trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ. Thời phổ thông, Trần giành hàng loạt giải thưởng học sinh giỏi cấp thành phố và khu vực, cao nhất là giải nhì nghiên cứu khoa học quốc gia ở lĩnh vực Y sinh và khoa học sức khỏe. Những thành tích này đủ để Trân vào thẳng nhiều trường y dược và trở thành bác sĩ như mong muốn của bố. Nhưng cô biết đây không phải ước mơ của mình.

Cuối lớp 6, Trân biết tới nữ cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương. Hình ảnh nữ phi công mặc đồng phục, điều khiển máy bay chở hàng trăm người khiến cô học trò 12 tuổi hứng thú. Vì vậy, song song học tập, Trân đọc và tìm hiểu kiến thức ngành hàng không, nuôi giấc mơ trở thành phi công.

Cơ hội đến với Trân vào cuối năm 11 khi vượt qua bài thi xét tuyển phi công (ADAPT) của một hãng hàng không trong nước. Vì chưa tốt nghiệp phổ thông, Trân được hãng bay cho bảo lưu kết quả, hẹn gửi đến trường đào tạo phi công sau này.

Trân sau đó cố gắng thuyết phục bố. Nữ sinh nói may mắn có mẹ ủng hộ, nên hai mẹ con chọn cách nói chuyện nhẹ nhàng, "mưa dầm thấm lâu" để nhận được cái gật đầu của ông.

"Mình biết bố rất thương mình, chỉ là sợ con gái học phi công sẽ vất vả, lại hay phải xa nhà", Trân bộc bạch. "Cuối cùng, bố đồng ý".

Trân (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trân (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Năm 2020, Trân trở thành sinh viên chuyên ngành phi công chuyên nghiệp của Đại học RMIT. Do ảnh hưởng Covid-19, nữ sinh học năm đầu ở RMIT Việt Nam, sau đó được chuyển sang Australia.

Chương trình năm thứ nhất chủ yếu là các môn về lý thuyết hàng không, cơ sở ngành hàng không kết hợp với ngồi buồng lái mô phỏng. Đầu năm thứ hai, Trân bắt đầu học với máy bay thật. Buổi học đầu tiên của môn Chứng chỉ phi công cá nhân cũng là lần đầu Trân được điều khiển máy bay.

"Mình hồi hộp", Trân nhớ lại. "Bảng điều khiển có quá nhiều nút, thêm một danh sách các thao tác cần làm khi bay, thầy ngồi bên cạnh, mình lo lắng không biết sẽ xử lý thế nào".

Những nỗi lo của Trân như tan biến khi máy bay chạy đà và cất cánh. Bao quanh khoang lái đều là kính nên Trân thấy rõ bầu trời xanh cùng những đám mây trắng xốp như bông, cảm giác "đã" hơn rất nhiều so với ngồi ở ghế hành khách. Sau buổi học, cô gọi cho mẹ và hào hứng mô tả bầu trời "đẹp như mơ". Niềm vui và sự hứng khởi đã tiếp thêm động lực cho Trân, để cô vượt qua những bài tập "khó nhằn" sau đó.

Với Trân, thao tác khó nhất là hạ cánh sao cho êm. Trân mô tả, khi đáp, mũi máy bay sẽ chúi xuống mặt đất nên sinh viên thường bị "nhát tay" mà kéo cần đáp sớm, khiến máy bay bị xóc mạnh khi chạm đất. Để khắc phục, ngay cả khi đã hoàn thành bài tập, Trân thường nán lại sân bay để xem cách xử lý của bạn học và tranh thủ hỏi thêm giảng viên. Tối về, cô xem các video hướng dẫn để có thêm góc nhìn về thời điểm nên kéo cần đáp.

Còn môn học thử thách nhất là Bay trong thời tiết xấu. Lúc này, thay vì quan sát bầu trời, phi công sẽ dựa vào hệ thống radar, giữ liên lạc chặt chẽ với đài không lưu để điều khiển máy bay. Dù áp lực, môn này rèn cho cô sự cẩn thận, luôn chuẩn bị các tình huống có thể xảy ra khi thời tiết xấu như chuyển đường bay, hạ cánh khẩn cấp...

Biết phi công là công việc đòi hỏi thể lực tốt, làm việc trong cường độ cao, giờ giấc thất thường, Trân tập thể hình để nâng cao sức khỏe 3-4 buổi một tuần, mỗi buổi hai tiếng. Thời gian rảnh, cô chạy bộ, tập thêm các bài đặc thù cho chân, tay để lực kéo tốt hơn.

Hải Trân cùng thầy giáo tại Đại học RMIT, Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hải Trân cùng thầy giáo tại Đại học RMIT, Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Trong chương trình, "thả đơn" là sự kiện trọng đại - chỉ lần đầu tiên học viên được bay một mình mà không có giảng viên đi cùng. Để được thả đơn, học viên cần vượt qua nhiều môn học và bài kiểm tra cá nhân (solo check). Khi Trân được thầy báo đạt điều kiện, cô chỉ có vài phút để chuẩn bị.

"Mình vừa bất ngờ, vừa phấn khởi mà cũng lo lắng. Trong thời gian ngắn, mình nhẩm lại những gì đã được học, quy trình từ lúc chuẩn bị bay tới lúc đáp để bài thả đơn tốt nhất có thể", Trân nhớ lại.

So với lúc có thầy ngồi cạnh, Trân căng thẳng hơn, nhưng bù lại cũng thấy trách nhiệm hơn. Trân hiểu rằng mọi quyết định mình đưa ra liên quan sự an toàn của bản thân và máy bay, hành khách, nên luôn phải tập trung và cẩn trọng. Hôm đó, cô hài lòng với phần đáp máy bay, cho rằng yếu điểm của mình đã được khắc phục nhiều.

Suốt bốn năm, Trân luôn có thành tích học tốt, chưa từng thi lại và năm nào cũng được học bổng giảm 20% học phí. Giữa tháng 12 tới, Hải Trân sẽ nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi. Cô đã gửi kết quả học và các chứng chỉ tới một hãng hàng không, hy vọng có thể về nước làm việc.

Trân thấy hành trình từ học sinh chuyên Sinh tới nữ phi công giúp mình tự tin, quảng giao hơn. Cô luôn thấy may mắn vì được gia đình tạo điều kiện và thầm cảm ơn bản thân năm xưa đã kiên trì theo đuổi đam mê.

"Giấc mơ thì đẹp, nhưng dám đi thì mới có cơ hội đến đích", Trân nhắn nhủ.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.