.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2: Trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục

Cập nhật: 10:47, 14/12/2024 (GMT+7)

Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học được hiểu đơn giản đó là cả người học và người dạy đều giao tiếp bằng tiếng Anh. Các kiến thức được truyền thụ trong trường đều thông qua ngôn ngữ tiếng Anh. Đây là chủ trương lớn và cần lộ trình triển khai từng bước. Quá trình triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức và vấn đề khó khăn lớn nhất đó là cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng được yêu cầu. Đây cũng là nhiệm vụ đặt ra cho các trường trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà điều kiện học tập và làm việc còn nhiều thiếu thốn. Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là nội dung tiếp tục trao đổi của chúng tôi với các vị khách mời:

a
Quang cảnh buổi trao đổi

.-  GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội;

- Ths Lưu Tú Oanh - Giáo viên tiếng Anh Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội;

 - Bạn Hoàng Đức là giảng viên môn tiếng Anh ở Hà Nội.


Phóng viên (PV): Chúng tôi muốn hỏi giảng viên trẻ Hoàng Đức là chúng ta cần những giải pháp như thế nào để có thể duy trì hứng thú cũng như đam mê học tiếng Anh một cách tự giác từ bản thân những người học?

Giảng viên Hoàng Đức: Thực ra khi nói đến vấn đề động lực thì tôi nghĩ nó có 2 nguồn. Tất nhiên lý tưởng nhất là động lực đến từ chính bản thân của các bạn học sinh. Ví dụ để phục vụ một mục đích giải trí hoặc là mục đích học tập nào đấy. Tuy nhiên, điều này là nói trên phương diện nó khá là lý tưởng, trong khi có những bạn sẽ không đam mê môn tiếng Anh và các bạn sẽ cần những động lực đến từ bên ngoài. Người ta sẽ áp lực từ việc cần phải có kỹ năng tiếng Anh đủ ổn để thi một bài gì đấy. Đó sẽ là cách để chúng ta nâng động lực đến từ bên ngoài.

Còn động lực đến từ bên trong thì có thể ứng dụng như cách mà trường THCS Trưng Vương đã sử dụng khi ứng dụng thêm chương trình hệ Cambridge vào. Các bạn có hứng thú, có sân chơi, có môi trường để phát triển khả năng ngôn ngữ. Đó sẽ là cách để mà các bạn có thể nâng cao động lực và tự muốn học tiếng Anh.

PV: Cùng với đó thì để các bạn học sinh, sinh viên hiểu được giá trị của ngôn ngữ đem lại cho cuộc sống, cũng như cơ hội để có thể phát triển bản thân trong thời đại hội nhập hiện nay cũng rất quan trọng. Thạc sĩ Tú Oanh có thêm những ý kiến như thế nào?

Ths Tú Oanh: Đối với tôi, vai trò tạo thêm động lực cho các em sẽ đến phần lớn từ các thầy cô giáo. Trước tiên khi đến với mình thì học trò phải có được kiến thức nào, văn hóa nào khi mà họ sử dụng công cụ là ngôn ngữ. Thế cho nên rất nhiều cha mẹ cũng như là các bạn học sinh thường hay nói đùa là cô Oanh hay dạy môn khoa học chứ không phải dạy môn tiếng Anh. Bởi vì tôi rất hay sử dụng ví dụ như là khoa học về núi lửa hay vừa rồi là cơn bão Yagi để cho các em làm bài nói, rồi các bài viết về bão Yagi, về những khó khăn các em gặp phải trên địa bàn Hà Nội trong cơn bão...

a
Ths Tú Oanh: Đối với tôi, vai trò tạo thêm động lực cho các em sẽ đến phần lớn từ các thầy cô giáo.

Khi mình có động lực lớn, đam mê lớn với ngôn ngữ và với những hiện tượng đang xảy ra xung quanh và mình truyền được đam mê đấy cho con trẻ thì chắc chắn là trẻ con cũng sẽ đi theo hừng hực khí thế của mình. Đối với tôi, một trong những tác động lớn thúc đẩy học trò, tạo đam mê cho học trò đó là một người thầy mà tạo được cảm hứng cho các con.

Tôi luôn luôn cố gắng xem ngôn ngữ như là một việc học để sử dụng nó. Tôi xem nó như một công cụ để giúp các con có thêm nhiều đam mê hơn nữa với kiến thức, với văn hóa và với các hiện tượng trong xã hội để giúp các con gần hơn với việc sử dụng ngôn ngữ thực tế.

PV: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức có bổ sung gì thêm không?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Hiện nay ngay cả môi trường đại học, nếu như có tiếng Anh thì các em cũng rất dễ xin học bổng và cũng rất nhiều doanh nghiệp đến tìm. Ngay ở trong nước, nếu các em biết tiếng Anh thì lương cũng cao gấp rưỡi, gấp đôi và các bạn được làm việc ở môi trường rất tốt. Đặc biệt là rất nhiều công ty nước ngoài đến tuyển dụng các bạn Việt Nam. Hiện nay, tôi cho rằng, các bạn đều nhận thức được cả nhưng mà hành động thì chưa được nhiều. Bởi vì cá nhân tôi thấy có một số trường đại học tỷ lệ tốt nghiệp chỉ được khoảng 35-40%, chủ yếu là nợ môn tiếng Anh…

Tôi rất mong muốn có phụ huynh đồng trong quá trình này, bởi đây là việc rất là quan trọng. Ở khu vực thành phố, phụ huynh có hỗ trợ, đồng hành rất nhiều nhưng có rất nhiều em rất giỏi ở vùng sâu, vùng xa lại chưa được sự đồng hành của gia đình. Qua đây, tôi rất mong muốn là chắp thêm đôi cánh cho các con. Ngoại ngữ đã trở thành một hành trang không thể thiểu được. Bên cạnh áp lực của xã hội, áp lực của nhà trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình và sự nỗ lực của chính các em cũng như là tạo động lực từ môi trường khác thì áp lực từ phụ huynh cũng rất quan trọng. Tôi rất mong các phụ huynh quan tâm để làm sao hỗ trợ các con em mình có một hành trang ngoại ngữ tốt.

PV: Thưa GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, việc xây dựng và phát triển được đội ngũ giáo viên người Việt đủ trình độ giảng dạy môn học của mình bằng tiếng Anh, cả về kỹ năng ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy được xem là yếu tố quan trọng để đảm bảo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Ông có phân tích như thế nào về nội dung này?

a
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Bên cạnh áp lực của xã hội, áp lực của nhà trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình và sự nỗ lực của chính các em cũng như là tạo động lực từ môi trường khác thì áp lực từ phụ huynh cũng rất quan trọng.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Tôi cho rằng, việc đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh đáp ứng yêu cầu giảng dạy là việc có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ then chốt. Nếu chúng ta không đào tạo được đội ngũ giảng viên tiếng Anh có đầy đủ trình độ năng lực về chuyên môn, về phương pháp giảng dạy cũng như tâm huyết thì chúng ta không thể thành công được. Trên thực tế từ bài học của nhiều nước, như Singapore, việc đầu tiên họ quan tâm đến là đội ngũ giảng viên dạy tiếng Anh. Làm thế nào để có thể đào tạo được đội ngũ giảng viên tiếng Anh? Tôi cho rằng, ngoài tấm bằng trong chương trình đào tạo đại học rồi, phải tạo điều kiện để giáo viên giảng dạy tiếng Anh có thời gian để tiếp xúc với bản ngữ. Đây là điều kiện rất quan trọng, rất tiên quyết. Nếu chúng ta không làm được điều này, chắc chắn sự nghiệp của chúng ta rất khó thành công. Bởi vì một giáo viên mặc dù đứng lớp đạt được 6.5 IELTS chỉ là điều kiện tối thiểu thôi. Còn tất cả những điều kiện về văn hóa, về bản sắc nữa, điều này nếu không ở nước sở tại, không thể đáp ứng được.

Vấn đề thứ hai, giáo viên tiếng Anh là một chuyện, nhưng còn giáo viên tiếng Anh chuyên ngành nữa. Ngày xưa các thầy cô ngoài việc được đáp ứng đi nước ngoài, thì bao giờ trong dịp hè các giáo viên ngoại ngữ cũng có 1-2 tháng nâng cao trình độ để cập nhật kiến thức tiếng Anh chuyên ngành và từ lâu chúng ta đã bỏ đi điều này.

Trên thực tế rất nhiều trường đại học hiện nay cũng chỉ đáp ứng chuẩn đầu ra tiếng Anh là IELTS thôi, chứ tiếng Anh chuyên ngành chúng ta đã quên đi rồi. Đây là một điều kiện phải tăng cường, hết sức quan trọng, nếu không thực hiện điều này thì bước sau đại học chúng ta không đáp ứng được.

Thứ ba nữa là chúng ta phải hỗ trợ những điều kiện cơ sở vật chất để các thầy cô có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Ví dụ như là tổ chức lớp học. Giáo viên có giỏi đến mấy, có tài đến mấy, nhưng một lớp học mà 40 em thì mỗi em chưa nói 1 câu là hết giờ rồi, không thể thể hiện được tài giao tiếp của giáo viên với học sinh. Rồi ngoài chương trình giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất thì chúng ta cũng phải quan tâm đến việc thực hiện chính sách đãi ngộ. Bởi vì giáo viên tiếng Anh khác với giáo viên khác và trên thực tế các nước khác cũng đều như vậy. Giáo viên tiếng Anh rất vất vả, phải giao tiếp đến từng con người một. Chúng ta phải có chế độ thích đáng.

Bên cạnh đấy tôi cho rằng, việc tạo môi trường quốc tế, những chương trình song ngữ để tất cả các giáo viên có môi trường thể hiện và có những cuộc thi… cũng là cơ hội tốt cho giáo viên. Tôi hi vọng chúng ta sẽ tạo điều kiện để giáo viên nước ngoài đến, không phải là giảng dạy cho sinh viên mà giáo viên nước ngoài đến là giảng dạy, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên của Việt Nam.

a
Ths Tú Oanh: Tôi tin chắc chúng ta sẽ thực hiện được việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học nếu chúng ta thay đổi được cách nhìn nhận.

PV: Chúng ta xác định việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là một chủ trương lớn và cần lộ trình triển khai từng bước. Ths Lưu Tú Oanh có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ths Tú Oanh: Hiện nay chúng ta đang có một câu chuyện về đánh giá rất là khó khăn, bởi vì chúng ta có nhiều sách giáo khoa và có một bộ khung chương trình. Nhưng chúng ta lại vẫn đang tiếp cận nó với cách cũ, đấy là chúng ta sẽ dạy theo sách giáo khoa nào? Chúng ta cần phải thay đổi quan điểm về việc sử dụng theo sách giáo khoa mà chúng ta phải bám sát vào khung chương trình.

Đây cũng là một trong những cách tiếp cận mà giáo viên cũng như những người sẽ làm công tác đánh giá phải thay đổi. Chúng ta sẽ không dựa vào bộ sách nào cả mà sẽ sử dụng vào khung chương trình để đánh giá năng lực của các em. Và đấy cũng sẽ là một khó khăn.

Khi sử dụng khung năng lực để đánh giá thì các nhà trường sẽ bị hoang mang, sẽ bị lo lắng bởi vì biết sử dụng sách nào để ôn cho các con bây giờ. Chúng ta sẽ phải quen dần với cách tiếp cận và cách đánh giá khác. Đó là sử dụng khung đánh giá chứ không sử dụng sách giáo khoa để đánh giá các con nữa. Tôi tin chắc là chúng ta sẽ thực hiện được nếu chúng ta thay đổi được cách nhìn nhận.

PV:  Còn đối với Giảng viên Hoàng Đức, bạn có đánh giá thế nào về những khó khăn khi triển khai giảng dạy tất cả các môn trong nhà trường bằng tiếng Anh?

Giảng viên Hoàng Đức: Sẽ có thách thức về việc đảm bảo chất lượng giáo viên một cách đồng đều. Đặc biệt là những bộ môn của những giáo viên mà không trực tiếp đảm nhận bộ môn tiếng Anh. Yêu cầu năng lực ngôn ngữ rất cao để có thể truyền đạt được kiến thức chuyên môn, ví dụ như môn địa, môn sử hay thậm chí là những môn như toán...

a
Giảng viên Hoàng Đức: Sẽ có thách thức về việc đảm bảo chất lượng giáo viên một cách đồng đều

Ngoài ra nếu chúng ta chuyển qua hình thức giảng dạy những bộ môn khác bằng tiếng Anh, thì tôi nghĩ ban đầu sẽ gặp phải những sự kháng cự từ phía phụ huynh và phía cả học sinh. Lý do là bởi vì không chỉ nói đến chúng ta sử dụng bộ sách gì mà chúng ta còn đang đánh giá bài kiểm tra của các bạn theo tiêu chí mà không đánh giá khả năng ngôn ngữ một cách toàn diện. Nó bị tập trung quá nhiều về ngữ pháp và từ vựng thay vì những khả năng ngôn ngữ như là nghe, nói, đọc, viết.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Nếu nói như vậy, chúng ta thấy học ngoại ngữ có vẻ khó khăn quá. Nhưng mà chúng ta cũng phải lạc quan một chút. Bởi vì thế hệ chúng tôi thì không học tiếng Anh, rồi đi du học là học tiếng Nga, tiếng Hung, tiếng Ba Lan, tiếng Đức. Có thể nói là 10 năm học phổ thông nếu có thì chỉ có học tiếng Nga thôi. Tiếng Ba Lan, tiếng Đức không học đâu. Thế mà chỉ có 1 năm học thôi, học ngày, học đêm, học phòng máy mà sang nước ngoài học vẫn ngon lành.

Nói như vậy để thấy nếu chúng ta quyết tâm, nếu chúng ta có áp lực và nếu những người học có một hướng đến thì tôi cho rằng tất cả những khó khăn sẽ rút ngắn đi rất nhiều. Đấy là một thực tế đã trải qua rồi. Hi vọng là nếu như qua việc này, chúng ta có động lực từ phụ huynh, từ ý thức, sự tự giác của các em, có một sự quyết tâm, có một ý chí thì tôi cho rằng tất cả những điều kiện đấy sẽ rút ngắn rất nhanh và sẽ tạo nên một sự thay đổi rất lớn.

Hi vọng là trong một ngày không xa, thế hệ trẻ Việt Nam thực sự sẽ rất giỏi tiếng Anh giống như là Singapore, Malaysia và những nước khác. Đây thực sự sẽ là động lực, cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ trong tương lai. Và đấy là gửi gắm của cá nhân tôi đến tất cả các bạn trẻ.

PV: Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29 của Đảng, việc đẩy mạnh quốc tế hóa ở các trường đại học đã nâng tầm cao mới. Qua những kinh nghiệm quốc tế, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất, kiến nghị như thế nào để Nghị quyết 29 và Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, có thể triển khai hiệu quả trong thực tiễn?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Vấn đề thứ nhất là chúng ta phải đổi mới việc giảng dạy tiếng Anh trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Vấn đề thứ hai là quyết tâm và áp lực từ phía Chính phủ. Và vấn đề thứ ba là tạo nên văn hóa nói tiếng Anh trong toàn xã hội Việt Nam.

Tất cả mọi người đều nhận thức tiếng Anh là vũ khí cần thiết. Việc đầu tiên tôi đề xuất là chúng ta phải ngay lập tức đào tạo tiếng Anh từ sớm, ngay từ các bậc tiểu học giống như tất cả các nước.

Thứ hai, nên tiến hành giáo dục đào tạo song ngữ từ trong nhà trường và làm từng bước một. Nếu như không lập tức có thể triển khai ở tất cả các môn thì từng bước những môn dễ trước, ít tiếng Anh, đấy là những môn Toán, những môn Lý, rồi sau đấy là những môn đòi hỏi tự luận để có nấc thang từng bước như vậy.

Thứ ba, chúng ta phải thay đổi được chuẩn đầu ra đối với chương trình đào tạo hiện nay. Tôi đề xuất chuẩn đầu ra tiếng Anh của bậc trung học phổ thông phải là  ILETS 6.5, chứ không thể là 3.0, 4.0 như Thông tư 32 đến năm 2025 chúng ta áp dụng được.

Để làm được điều đấy thì chúng ta phải đổi mới chương trình, phải đổi mới lại một lần nữa sách giáo khoa. Bên cạnh đấy thì chúng ta phải đầu tư để xây dựng đội ngũ giảng dạy tiếng Anh với sự chuẩn chỉnh nhất. Tôi cho rằng đây là sự nghiệp tốn kém nhất đòi hỏi là lâu dài. Nhưng nếu như không đào tạo một cách căn bản thì không bao giờ thành công được.

Thứ tư, tôi cho rằng là điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức giảng dạy tiếng Anh chúng ta phải tổ chức lại.

Với tất cả những điều như vậy, tôi rất là mong qua diễn đàn này, với tư cách là người làm giáo dục, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục được gửi những tâm huyết của mình, góp phần đưa tiếng Anh nhanh chóng để trở thành một ngôn ngữ thứ hai….

PV: Xin trân trọng cảm ơn các vị khác mời!

Theo dangcongsan.vn

 

.
.
.