Tiếp tục sửa đổi quy chế tuyển sinh năm 2025
Cập nhật: 21:36, 13/12/2024 (GMT+7)
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý và còn không ít ý kiến, quan điểm khác nhau chung quanh vấn đề này.
Thí sinh chuẩn bị vào thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024. |
Về chỉ tiêu xét tuyển sớm, Thông tư dự thảo do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Điểm này đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Giảm các rủi ro có thể xảy ra trong các kỳ thi tới
Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia mới đây, đưa số liệu thống kê, cứ tám nguyện vọng xét tuyển sớm mới có một nguyện vọng về sau nhập học, cứ hai thí sinh trúng xét tuyển sớm thì chỉ có một em nhập học, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phân tích: “Xét tuyển sớm do các trường làm độc lập, nên khi bộ xét tuyển chung thì sẽ tạo ra tỷ lệ ảo. Vấn đề này khiến các trường, các ngành không dự đoán được chính xác tỷ lệ ảo, nên xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn. Thường điểm chuẩn sẽ thấp đi để trường tuyển được nhiều thí sinh hơn”. Như vậy, khâu dự báo tỷ lệ trúng tuyển thiếu chính xác sẽ gây ra các hệ quả không nhỏ. Đồng thời, theo ông Sơn, đây cũng là vấn đề dẫn đến điểm chuẩn trong đợt tuyển sinh chính của một số ngành tăng vọt, như thế cũng là không công bằng.
Mới đây, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị giải pháp bảo đảm tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học từ năm 2025. Trong đó đề xuất cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, đồng thời kiên quyết loại bỏ các tổ hợp “lạ”.
Theo Hiệp hội, đây là thành quả đầu ra chứng minh cho sự đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa XIV và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Việc tuyển sinh đại học năm 2025 có mối quan hệ trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Đại diện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng nhấn mạnh: Chúng tôi cho rằng nếu những kiến nghị này được chấp thuận sẽ bảo đảm tính đồng bộ giữa nội dung và việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học từ năm 2025 và giảm các rủi ro có thể xảy ra trong các kỳ thi tới đây, gây ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong khi đó, các chuyên gia đặc biệt chú ý tới những kỳ thi đánh giá năng lực thời gian gần đây của một số cơ sở giáo dục đại học lớn và cho rằng đây là căn cứ tốt để các trường có ngành tuyển sinh phù hợp có thể tham khảo, góp phần giảm tải và tiết kiệm nguồn lực chung.
Hiện cả nước có gần 10 kỳ thi xét tuyển đại học riêng với hơn một trăm cơ sở đào tạo sử dụng kết quả các kỳ thi này để tuyển sinh đầu vào, bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và một số phương thức khác. Năm 2025, dự kiến quy mô các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy lớn hơn. Thí dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến đón 75.000 lượt thí sinh dự thi, tăng 25.000 so năm 2024, mở thêm điểm thi khu vực Tây Bắc. Kỳ thi của Trường đại học Sư phạm Hà Nội sẽ có khoảng hơn 20 trường sử dụng kết quả, tăng hơn 10 trường so với năm ngoái, nên dự kiến lượng thí sinh cũng tăng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có tự làm khó?
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điểm xét và điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung cũng đang gây chú ý.
Ở nội dung này, GS, TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nghi ngại: Việc chuyển đổi chỉ được thực hiện một cách công bằng khi có sự tương đồng, hoặc tương đương của ma trận đề thi. “Chỉ nên quy định điểm sàn giữa các phương thức; có thể tương đương hoặc tỷ lệ với nhau bằng một hệ số không nhất định (theo độ khó, độ phân hóa trình độ thí sinh)”, GS Đức đề xuất.
Cũng có ý kiến đặt câu hỏi, khi các trường thực hiện cơ chế tự chủ, tự chủ tuyển sinh, đào tạo và chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra, trách nhiệm giải trình, thì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại phải nhận thêm cái khó cho mình?
Về phía các cơ sở đào tạo, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT nêu quan điểm: Những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện và sửa đổi quy chế tuyển sinh trong những năm qua là vì mục đích nâng cao chất lượng, không chỉ chất lượng tuyển sinh, mà còn là chất lượng giáo dục phổ thông, bảo đảm công bằng cho các thí sinh, góp phần xử lý thí sinh ảo giúp các trường tuyển sinh theo kế hoạch, đơn giản hóa tối đa cho thí sinh, cho các trường, nhận cái khó về hệ thống.
(Theo nhandan.vn)