.

Kỳ vọng từ Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm

Cập nhật: 10:58, 08/01/2025 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, vấn đề dạy thêm, học thêm (DTHT) nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã tăng cường các giải pháp quản lý để việc DTHT ngày càng đi vào ổn định, nền nếp, tránh xảy ra tiêu cực.

Mới đây, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 29 ngày 30-12-2024 quy định về DTHT. So với dự thảo, Thông tư 29 đã thay đổi, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA THÔNG TƯ 29

Nếu như trước đây văn bản pháp lý quan trọng nhất quy định, điều chỉnh hoạt động DTHT là Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 16-5-2012, thì hiện nay việc quản lý DTHT sẽ được thực hiện theo Thông tư 29, có hiệu lực từ 14-2-2025.

 Tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất cho học sinh ở tất cả bậc học (ảnh chụp tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho).
Tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất cho học sinh ở tất cả bậc học (ảnh chụp tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho).

So với Thông tư 17, thông tư mới có rất nhiều điểm mới như: Không dạy thêm với học sinh tiểu học, giáo viên không được dạy thêm ngoài trường có thu tiền đối với học sinh mà mình đang dạy, dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với chính khóa… Tuy nhiên, tựu trung có 3 vấn đề lớn đáng quan tâm.

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 29 quy định: DTHT là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Điểm mới trong quy định này là chỉ rõ hoạt động DT là hoạt động phụ trợ giúp học sinh cải thiện chất lượng chứ không phải là hoạt động củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh.

Thứ hai, tại Điều 6 Thông tư 29 quy định: Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia DT ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia DT.

So với Thông tư 17, thông tư này đề cập tới việc giáo viên muốn DT ngoài trường cần xin phép hiệu trưởng, người đứng đầu. Ngoài ra, người DT ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia DT.

Thứ ba, tại khoản 2 Điều 7 Quản lý thu tiền DTHT quy định: Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở DT. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan. Khi giáo viên tham gia DT ở đơn vị cần có giấy phép kinh doanh, đóng thuế theo quy định. Nếu giáo viên có hành vi gian dối, trốn thuế có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, với thông tư mới đã có rất nhiều điểm mới trong việc quản lý DTHT. Theo nhiều giáo viên thì với Thông tư 29 được xem là “luồng gió” mới để giáo viên có thể an tâm công tác. Cô N.T.T.M., một giáo viên THPT tại TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Thông tư mới đã có nhiều điểm mới cùng có lợi cho các bên, giữa giáo viên, nhà trường cũng như các cơ quan quản lý xã hội. Với những điểm mới này cũng đã loại bỏ phần nào những tiêu cực trong DTHT.

Quy định cũng đã rất rõ ràng, nếu giáo viên muốn DT bên ngoài trường có thu tiền của học sinh phải thông qua bên thứ ba, tham gia DT tại một cơ sở DT đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Có thể thấy, về lâu dài, hoạt động DTHT sẽ trở thành chuyên nghiệp, chuyên môn hóa và không còn là mối lo của xã hội về những tiêu cực xảy ra”.

Còn theo thầy N.T.L., một giáo viên THCS ở huyện Châu Thành, 2 “nút thắt” lớn từ hoạt động DTHT đã được tháo gỡ khi Thông tư 29 ra đời. Thứ nhất, việc quy định giáo viên không được DT thu tiền với học sinh chính khóa đang học tại trường.

Quy định này, phụ huynh đã đỡ phần lo lắng con em mình sẽ bị “trù dập” nếu không đi HT trong và ngoài trường. Vấn đề thứ hai là, trừ cấp tiểu học, các trường học có thể công khai tổ chức DT trong trường với 3 đối tượng được phép gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Kinh phí tổ chức DTHT trong nhà trường được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
 
ĐỂ VIỆC DTHT ĐI VÀO NỀN NẾP  

Thời gian qua, mặc dù ngành Giáo dục, các ngành có liên quan, các địa phương đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo trong công tác quản lý, tuy nhiên hoạt động DTHT tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý DTHT, ảnh hưởng đến công tác quản lý GD-ĐT.

Chính vì vậy, việc chấn chỉnh DTHT đi vào nền nếp, tránh gây dư luận xấu trong xã hội là việc làm cần thiết đối với ngành GD-ĐT.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, phải khẳng định rằng, HT là nhu cầu tự thân, nhìn nhận một cách khách quan, việc DTHT nếu đi đúng hướng sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian qua, ngành GD-ĐT cũng đã tham mưu nhiều văn bản, kết hợp với các cơ quan chức năng tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoạt động DTHT để đảm bảo minh bạch, đúng quy định.

Trong trách nhiệm của mình, ngành GD-ĐT đã tập trung thực hiện một số giải pháp như: Thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 ở các cấp học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Trong quá trình tổ chức giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá, các cơ sở giáo dục sẽ bám sát nội dung, yêu cầu của chương trình, không đòi hỏi học sinh phải tiếp thu, thực hiện các vấn đề không có trong chương trình, vượt mức của chương trình, giảm áp lực học tập của học sinh nhằm giảm những nhu cầu DTHT không chính đáng.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là bậc THCS, THPT tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh phát huy được thế mạnh, tập trung học những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân, để giảm bớt áp lực học tập, tạo điều kiện phát huy năng lực, phẩm chất học sinh.

Được biết, vào đầu năm 2024, UBND tỉnh Tiền Giang đã có Quyết định 01 ban hành Quy định về DTHT trên địa bàn tỉnh. Trong quy định mới có một số điểm đáng lưu ý như: Tại các địa phương, UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý hoạt động DTHT trên địa bàn; chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động DTHT; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm về DTHT…

Hy vọng rằng, với những nội dung trong Thông tư 29, trong thời gian tới, cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp, hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ đi vào nền nếp, ổn định.

ĐỖ PHI

 

.
.
.