Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
Bài 1: Nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng trường, lớp không đủ đáp ứng
Bài 2: Những vấn đề đặt ra trong quản lý chất lượng nhóm trẻ ngoài công lập
Nhằm xây dựng môi trường giáo dục mầm non ngoài công lập an toàn, thân thiện, giúp trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển toàn diện ngay từ những năm đầu đời, thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để tăng cường công tác quản lý; đồng thời, hỗ trợ các cơ sở hoạt động đúng pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng. Phóng viên Báo Ấp Bắc đã ghi nhận một số ý kiến, giải pháp xung quanh vấn đề này.
* PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT HUỲNH THỊ PHƯỢNG:
Thực hiện tốt công tác quản lý với các cơ sở mầm non tư thục
![]() |
Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị các Phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn và hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập. Cần tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế; đồng thời, nhân rộng những mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến.
Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở, giáo viên, nhân viên và phụ huynh về trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn, quyền lợi chính đáng của trẻ em. Sở cũng sẽ phối hợp với các ngành liên quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, đảm bảo các cơ sở giáo dục mầm non tư thục hoạt động đúng quy định, đúng tôn chỉ mục tiêu giáo dục, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ mầm non phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục sẽ chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non có năng lực, tâm huyết và được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục về chuyên môn, cũng như kỹ năng ứng xử sư phạm, kỹ năng xử lý tình huống trong chăm sóc trẻ. Đây được xem là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non một cách bền vững.
Đặc biệt, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ công tác tập huấn cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, từng bước hướng đến mục tiêu: Trẻ em ở đâu - giáo dục mầm non có mặt ở đó, bảo đảm trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường an toàn, thân thiện và phát triển toàn diện.
* PHÓ TRƯỞNG PHÒNG GD-ĐT HUYỆN TÂN PHƯỚC NGUYỄN TẤN PHÚC:
Tăng cường kiểm tra, giám sát
![]() |
Sau vụ việc đáng tiếc xảy ra tại một cơ sở giữ trẻ chưa được cấp phép trên địa bàn huyện Tân Phước, Phòng GD-ĐT nhận thấy cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc rà soát, nắm bắt tình hình các điểm trông giữ trẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, làm công nhân hoặc lao động tự do, buộc phải gửi con tại các điểm giữ trẻ gần nhà, chi phí thấp. Vì vậy, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý những điểm không đủ điều kiện, ngành cũng cần quan tâm tới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh trong việc lựa chọn nơi gửi trẻ an toàn, hợp pháp.
Phòng GD-ĐT cũng đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ như: Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ cho người giữ trẻ tại nhà; đồng thời, khuyến khích các cơ sở hoạt động tự phát chủ động đăng ký để được hướng dẫn chuyển đổi sang mô hình được cấp phép, có sự giám sát và hỗ trợ chuyên môn.
Trong thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các cơ sở không đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ. Công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh hơn, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa - nơi phụ huynh còn hạn chế thông tin và ít có sự lựa chọn về cơ sở giữ trẻ.
Qua vụ việc lần này, chúng tôi nhận thấy công tác quản lý các nhóm trẻ ngoài công lập cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Cùng với việc siết chặt quản lý, cũng cần tạo điều kiện, hỗ trợ để các cơ sở đủ điều kiện được hoạt động đúng pháp luật, góp phần chia sẻ gánh nặng với hệ thống giáo dục công lập, đặc biệt ở bậc mầm non.
* CHỦ TỊCH UBND XÃ THIỆN TRÍ, HUYỆN CÁI BÈ NGUYỄN KIM TIẾN:
Tạo sự đồng thuận cao từ xã hội
![]() |
Thời gian qua, UBND xã Thiện Trí luôn quan tâm và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong công tác quản lý hoạt động của các nhóm mầm non tư thục trên địa bàn. Hiện nay, xã có 2 nhóm trẻ tư thục đang hoạt động, đáp ứng một phần nhu cầu gửi con của người dân trên địa bàn xã và các khu vực lân cận.
Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ nhóm và giáo viên về các quy định trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ theo đúng quy định của ngành Giáo dục và Y tế. Nội dung tập trung vào việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh môi trường, cũng như các phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi mầm non.
Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với Phòng GD-ĐT và các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất các nhóm trẻ. Qua đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những sai sót; đồng thời, biểu dương những đơn vị thực hiện tốt, đảm bảo chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.
Trong thời gian tới, xã Thiện Trí tiếp tục tăng cường công tác quản lý; đồng thời, khuyến khích các nhóm trẻ tư thục nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.
* CHỦ CƠ SỞ MẦM NON HỌA MI, TX. CAI LẬY VÕ THỊ QUỲNH NHƯ:
Nâng cao chất lượng, tạo dựng lòng tin cho phụ huynh
![]() |
Nhóm trẻ Họa Mi, tọa lạc tại phường 1, TX. Cai Lậy, hiện đang chăm sóc và giáo dục hơn 300 trẻ tại hai cơ sở, với tổng cộng 45 giáo viên và nhân viên. Trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi luôn hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường an toàn, thân thiện và phát triển toàn diện cho các bé. Từng thành viên trong đội ngũ đều tâm huyết với nghề, xem trẻ như một mầm xanh cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu.
Chúng tôi chú trọng lồng ghép giáo dục STEM vào chương trình giảng dạy, nhằm khơi gợi tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng thực hành cho trẻ ngay từ sớm. Bên cạnh đó, Họa Mi luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống qua từng hoạt động, giúp trẻ phát triển nhân cách, hình thành sự tự tin, biết yêu thương và chia sẻ.
Điểm nổi bật tại Nhóm trẻ Họa Mi là các hoạt động ngoại khóa và tham quan thực tế. Trẻ được xuống sân vận động ít nhất một lần mỗi tuần để tăng cường thể chất và tiếp xúc với môi trường tự nhiên. Các chuyến dã ngoại, tham quan được tổ chức định kỳ nhằm mở rộng vốn sống và giúp trẻ học hỏi thông qua trải nghiệm thực tiễn. Trong công tác chăm sóc, chúng tôi đặc biệt chú trọng chế độ dinh dưỡng - thực đơn được xây dựng sát với nhu cầu thực tế, đảm bảo cân đối và đầy đủ dưỡng chất cho từng độ tuổi.
Nhóm trẻ hoạt động theo mô hình bán trú, với hệ thống camera được lắp đặt đầy đủ để phụ huynh an tâm theo dõi con em mình. Công tác phối hợp với phụ huynh luôn được chú trọng thông qua việc cập nhật tình hình trẻ, tư vấn riêng khi cần thiết và các buổi họp chuyên môn định kỳ giữa giáo viên với đội ngũ chuyên trách nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đồng đều.
Chúng tôi luôn nhấn mạnh nguyên tắc: Lấy trẻ làm trung tâm, lấy uy tín làm đầu. Mỗi hành động, mỗi quyết định đều đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu. Đội ngũ giáo viên - nhân viên tại nhóm trẻ làm việc không chỉ bằng chuyên môn, mà còn bằng tâm huyết, trách nhiệm và sự gắn bó, để mỗi ngày đến lớp là một ngày vui và ý nghĩa với các bé.
V. PHƯƠNG