Sáng ngời những tấm gương học tập và làm theo Bác
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai, nhân rộng trong nhân dân. Mỗi người có cách học và làm theo Bác bằng những hành động, việc làm cụ thể.
CHÚ HUỲNH TRUNG QUỐC, ẤP PHÚ HỮU, XÃ PHÚ TÂN: Học Bác tính giản dị và gần gũi mọi người
Chú Huỳnh Trung Quốc được bà con trong ấp, trong xã quý mến với đức tính cần cù, chịu khó, sống giản dị, hòa nhã với mọi người. Người lớn thì gọi chú là “ông Năm Trung Quốc”, còn thanh niên, trẻ nhỏ thì gọi chú bằng “ông ngoại Năm”.
70 tuổi đời và có hơn 40 tuổi Đảng, nhưng chú Quốc vẫn rất nhiệt tình, năng nổ trong các phong trào của Hội Người cao tuổi. Chú Năm vui vẻ cho biết: “Còn sức khỏe là còn làm. Tuổi cao nhưng chú dẻo dai lắm”.
Được biết, khi tham gia kháng chiến, chú Năm là Tiểu đoàn phó Quân y; sau năm 1975 chú công tác ở Trạm Y tế xã Bình Tân (Gò Công Tây), rồi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã, hiện chú là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Tân.
Chú Năm cho rằng: “Sống đừng vì bản thân mình mà phải biết quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh, có trách nhiệm với xã hội. Sống vì mọi người, được mọi người quý mến, tin cậy thì làm việc gì cũng thành công”.
Với 1 ha trồng lúa - nuôi tôm (một vụ lúa, 2 vụ tôm) và với bản lĩnh của anh Bộ đội cụ Hồ, một tay chú Năm lo cho gia đình. Được biết, vợ chú Năm bị bệnh không lao động được đã nhiều năm nay, cô con gái thì không nói được từ khi lên năm tuổi.
Vừa lo kinh tế gia đình, vừa lo chạy chữa bệnh cho vợ, con và lo cho đứa cháu ngoại đang học lớp 11 Trường THPT Phú Thạnh. Dù khó khăn, vất vả, nhưng trông chú Năm lúc nào cũng vui vẻ, tự tin, lạc quan trong cuộc sống. Chú Năm bảo: “Sống vui vẻ, lạc quan cũng là đức tính mà chú học được từ Bác”
CHÚ PHAN VĂN THẠCH, ẤP TÂN QUÝ, XÃ TÂN THỚI: Học Bác để luôn là người có ích
Năm 1983, trong lúc làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia chú Thạch bị thương, chân phải của chú phải bỏ lại chiến trường. Cuộc sống vô vàn khó khăn sau khi xuất ngũ, nhưng chú đã vượt qua mặc cảm, khó khăn để lao động sản xuất.
Chỉ có 5 công đất vườn khô cằn, chú Thạch cải tạo trồng bưởi, cam, sau chuyển sang trồng dừa xen ca cao. Chú Thạch chia sẻ: “Trong chuồng chú thả thêm vài con heo thịt. Thời gian rảnh thì chú đi giăng lưới thêm. Tuy không giàu có, nhưng cuộc sống ổn định, chú vừa sửa lại ngôi nhà và nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn”.
Thương binh Phan Văn Thạch không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, hiện còn là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Tân Quý. Chú cho biết: “Tổ vay vốn do chú phụ trách có 34 thành viên với số vốn trên 500 triệu đồng. Được giúp đỡ mọi người đó là niềm vui bởi thấy mình luôn là người hữu ích cho xã hội”.
Trong tất cả các phong trào của ấp, xã, chú Thạch đều nhiệt tình tham gia như: đóng góp tiền, hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới… Chú Thạch được công nhận là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền và được tặng Giấy khen làm công tác Dân vận khéo.
CỰU CHIẾN BINH ĐẶNG VĂN HÀ, ẤP CỒN CỐNG, XÃ PHÚ TÂN: Học Bác tính cần cù, chịu khó để vươn lên làm giàu
Quê ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, năm 1977 chú Đặng Văn Hà lên đường nhập ngũ. Năm 1983, trở về quê với 2 bàn tay trắng, chú Hà phải đi làm mướn kiếm sống.
Không chịu khuất phục khó khăn, nghèo đói, năm 1992 chú Hà khăn gói qua xã Phú Tân đóng đáy kiếm sống. Nhờ cần cù, chịu khó tích góp, chỉ vài năm sau chú mua được 2 đầm để nuôi tôm.
Từ năm 1995-2010, chú làm Phó Trưởng ấp, rồi Trưởng ấp Cồn Cống, xã Phú Tân. Hiện nay, chú là Bí thư Chi bộ ấp. Chú Hà chia sẻ: “Chú nuôi tôm quãng canh mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay cũng chính là nhờ chú học được đức tính cần cù, chịu khó của Bác.
Bên cạnh, chú còn thường xuyên chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các thành viên trong Tổ nuôi trồng thủy sản, vì năm 1999 chú được tham dự khóa tập huấn nuôi trồng thủy sản tại Trường Đại học Cần Thơ”. Được biết, mỗi năm chú Hà còn hỗ trợ con giống hoặc vốn nuôi cho các hộ nghèo khoảng 30 triệu đồng.
Chú Hà phấn khởi: “Người dân ấp Cồn Cống luôn học theo Bác, biết đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, cùng nhau phát triển kinh tế. Dự kiến trong năm nay, ấp Cồn Cống sẽ không còn hộ nghèo”.
CÔ CAO THỊ LÙNG, ẤP PHÚ HỮU, XÃ PHÚ TÂN: Học Bác tính cần cù, tiết kiệm, thương yêu giúp đỡ mọi người
Rời quê hương Bình Đại, tỉnh Bến Tre sang Phú Tân lập nghiệp từ năm 1995, cô Cao Thị Lùng đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ. Chính nhờ sự cần cù, chịu khó làm ăn, biết tiết kiệm trong sinh hoạt mà cuộc sống gia đình cô đã trở nên khá giả.
Cô Lùng cho biết: “Cô học được ở Bác Hồ đức tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm. Nhờ thế mà vợ chồng cô mới có thể lo cho gia đình, nuôi 4 đứa con khôn lớn”.
Cô còn nhớ, những ngày mới sang Phú Tân, nơi đây chỉ là vùng đất đầy lau sậy. “Nếu không học ở Bác tính chịu khó, chắc vợ chồng cô không bám trụ được ở đây cho đến bây giờ” - cô Lùng chia sẻ.
Cô có 3ha nuôi tôm sú quãng canh, một năm thả 2 đợt, mỗi đợt hơn 200.000 con giống; sau khi trừ chi phí cô lãi trên 30 triệu đồng. Cũng chính nhờ tính tiết kiệm, cô đã dành dụm thuê thêm ao cho đứa con trai cùng nuôi tôm. Cô vui vẻ: “Gia đình cô ít có đi chợ, chỉ những tháng nắng cô mới đi chợ mua thêm rau, còn những tháng mưa cô tự trồng rau, nuôi thêm gà, vịt xung quanh nhà”.
Không chỉ học Bác ở tính cần cù, tiết kiệm, cô còn học ở Bác đức tính thương yêu giúp đỡ mọi người. Hăng hái tham gia công tác Hội Phụ nữ xã, cô hiện là Tổ trưởng Tổ phụ nữ của ấp Phú Hữu, xã Phú Tân. Với các mô hình do cô tích cực vận động: Nuôi heo đất, góp vốn xoay vòng, nhà lá thay nhà tôn, xây hồ chứa nước… đã giúp nhiều chị em trong ấp có vốn làm ăn, phát triển kinh tế, sửa chữa lại nhà cửa, có hồ chứa nước ngọt.
Hiện tại, cô đang vận động mọi người cùng nhau đóng góp gia cố lại 2 chân cầu bắc qua kinh để thuận tiện cho việc đi lại của mọi người trong mùa mưa tới.
P. MAI