Thứ Hai, 05/09/2022, 21:44 (GMT+7)
.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lương Hòa Lạc: Lan tỏa việc học và làm theo Bác

(ABO) Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung thi đua, lựa chọn các đột phá trọng tâm cần thực hiện. Hội đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền việc thực hiện học tập và làm theo Bác trong cán bộ, hội viên, phụ nữ (HV-PN) thông qua các buổi truyền thông, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt lồng ghép. Qua đó góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức Hội vững mạnh.
 
THAM GIA GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
 
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về tinh thần “tương thân, tương ái”, Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc đã đẩy mạnh các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện; tiên phong trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
 
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo về học tập và làm theo Bác đã được Hội LHPN xã triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, HV-PN tham gia như thực hiện tiết kiệm tại các chi hội để hỗ trợ phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế; xây dựng mái ấm tình thương...
 
CLB gia đình hạnh phúc tại xã Lương Hòa Lạc.
Câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" tại xã Lương Hòa Lạc.
 
Trong mỗi lần sinh hoạt chi, tổ hội ở các ấp, Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc đều lồng ghép chuyên đề về học tập và làm theo Bác. Từ đó, nhiều HV-PN và người dân đăng ký tham gia. Đặc biệt, có 100% HV-PN ở các ấp từ tham gia thực hiện chuyển sang “làm theo” Bác rất hiệu quả, thiết thực. Các chị em đã cùng nhau tiết kiệm "bỏ ống heo đất", xây dựng quỹ tiết kiệm, giúp nhau thoát nghèo; giúp vốn tái sản xuất... và trích ra một phần tiết kiệm để san sẻ, giúp đỡ HV-PN gặp khó khăn.
 
Đối với chị Đoàn Thị Yến Lan, ấp Lương Phú A, xã Lương Hòa Lạc thì việc học tập và làm theo Bác là suốt đời, lời nói phải đi đôi với việc làm. Bởi ngay từ nhỏ, chị Lan luôn noi gương Bác, lấy đó làm "kim chỉ nam" cho mình. Chị Lan là thợ làm tóc, hằng ngày chị đều trích ra một phần tiền từ thu nhập của mình để "bỏ ống heo đất" tiết kiệm, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt với người dân xung quanh có hoàn cảnh khó khăn đến tiệm của chị Lan đều được được chị làm tóc miễn phí.
 
Đáng quý hơn ở chị Lan, đó là không chỉ chăm chỉ trong công việc, mà chị còn vận động người thân, bạn bè trong và ngoài nước lan tỏa tấm lòng thiện nguyện, giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Theo Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, chị Lan và những người bạn đã đóng góp khoảng 30 triệu đồng dành tặng cho người nghèo, các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. 
 
Chị Đoàn Thị Yến Lan (bên phải) thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Chị Lan (bên phải) thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
 
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc còn triển khai kế hoạch củng cố, nâng chất mô hình, câu lạc bộ, nhóm hiện có, như: Câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc", "Địa chỉ tin cậy cộng đồng", “Ông bà chăm sóc cháu”, Tổ "An toàn thực phẩm”, “Nhóm nhỏ cặp vợ chồng”, Tổ "An toàn cho phụ nữ và trẻ thơ”; giữ vững tỷ lệ hộ gia đình đạt "5 không 3 sạch"… Năm 2021, Hội LHPN xã đã đăng ký công trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện tuyến đường dal ấp Lương Phú A với kinh phí trên 200 triệu đồng.
 
HỖ TRỢ PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP
 
Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc Nguyễn Thị Thúy Vân cho biết: Hội LHPN xã đã phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ HV-PN tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Hằng năm, Hội khảo sát, nắm số lượng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, để đề ra các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng hộ như cho vay vốn, giúp cây, con giống, ngày công lao động…
 
Tổ hợp tác đan lát Tiên Tiến của cô Nguyễn Thị Hồng Sen tạo việc làm cho hơn 50 lao động.
Tổ hợp tác Đan lát Tiên Tiến của cô Nguyễn Thị Hồng Sen tạo việc làm cho hơn 50 lao động.
 
Đồng thời, Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc tập trung khai thác và quản lý tốt các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và vận động hội viên thực hiện tiết kiệm tại chi hội để tạo nguồn vốn giúp HV-PN khó khăn. Tổng số dư nợ đến nay gần 5 tỷ đồng.
 
Tại Tổ hợp tác Đan lát Tiên Tiến của cô Nguyễn Thị Hồng Sen, ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc có nhiều chị em phụ nữ đang khẩn trương làm việc. Được biết, tổ đan lát của cô Sen thành cho đến nay đã 15 năm, hiện giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động, chủ yếu là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc và các xã lân cận. 
 
Gian hàng 0 đồng của xã Lương Hòa Lạc thường xuyên tặng quà, quần áo cho người nghèo.
Gian hàng "0 đồng" của xã Lương Hòa Lạc thường xuyên tặng quà, quần áo cho người nghèo.
 
Bên cạnh đó, với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, côn Sen còn giúp đỡ HV-PN khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Hiện có hơn 50 HV-PN được cô Sen giới thiệu vay vốn, dư nợ trên 1,5 tỷ đồng.
 
Những việc làm cụ thể, thiết thực từ học tập và làm theo Bác của cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của xã Lương Hòa Lạc nói riêng và huyện Chợ Gạo nói chung; đồng thời, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
 
LÊ PHƯƠNG
 
 
.
.
.