.
HỌC TẬP THEO BÁC, LÀM CHO DÂN LUÔN ẤM NO, HẠNH PHÚC:

Bài 1: Lo cho dân, dựa vào dân thì sẽ thành công

Cập nhật: 09:08, 29/10/2024 (GMT+7)
(ABO) Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của người dân”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, Tiền Giang luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc bình dị, gần gũi với cuộc sống, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, các đối tượng yếu thế trong xã hội với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Tác phẩm “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình. Ảnh toquoc.vn
Tác phẩm “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình. Ảnh toquoc.vn
 
LẤY DÂN LÀM GỐC
 
“Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc” là tư tưởng và phương châm hành động của các bậc hiền minh từ Đông sang Tây, từ "cổ chí kim". Trên tinh thần kế thừa và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng “Lấy dân làm gốc” lên một tầm cao mới. Kế thừa, phát huy truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng, đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. 
 
Bác Hồ từng nói tại lớp học chính trị ở hang Kéo Quảng (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng): “Có núi thì dựa vào núi, có sông thì dựa vào sông, không có núi, có sông thì dựa vào người dân ở đó. Rồi Bác kể: "Ông cha ta bao đời đánh giặc, nhất là trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, kẻ địch mạnh đến nỗi hầu hết các nước đều phải chịu thua. Nhưng khi chúng kéo quân vào nước ta, thì cả ba lần đều bị thất bại. Đó là vì Triều Trần biết lấy dân làm sông, làm núi. Các chú có biết trong chữ Hán có chữ “nhân sơn, nhân hải”, có nghĩa là “núi người, biển người” không? Ở đâu có dân là ở đó có núi, có sông, có biển. Dân có sức mạnh hơn cả sông, núi. Nếu ta biết dựa vào dân thì sẽ thành công".
 
Trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, “lấy dân làm gốc” đã trở thành quan điểm, nguyên tắc nhất quán trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đảng ta luôn nhận thức rất rõ vai trò quan trọng, to lớn của nhân dân; đồng thời, quán triệt sâu sắc tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong toàn hệ thống chính trị, ở mọi cấp, ngành, địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1.5 Hà Nội năm 1963. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1-5 Hà Nội năm 1963. (Ảnh tư liệu)
 
Tại Đại hội VI, Đảng ta đã xác định rõ: “Phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”; “Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”. 
 
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; do đó, “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”; phải luôn “thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân”; phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nhân dân phải được “quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”.
 
Trong mọi quyết sách và mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn “lấy nhân dân làm trung tâm”, phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân”, “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 
KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
 
Có thể nói, cả đời Bác sâu nặng nhất là hai chữ “Vì dân”. Bác thấu hiểu nỗi khổ của dân, gần gũi dân, thương dân, quý dân hơn cả bản thân mình. Bác nâng niu, yêu quý từng em bé, quan tâm từng cụ già, yêu thương từng người nghèo khổ. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn tranh thủ thời gian đến với dân, thăm dân ăn ở ra sao, sinh hoạt, chăm lo sản xuất như thế nào... Và chúng ta còn nhớ hình ảnh Bác cùng gặt lúa, tát nước với nông dân; hình ảnh Bác ăn không ngon, ngủ không yên vì miền Nam chưa được giải phóng...
 
Đến những ngày cuối đời, nằm hôn mê trên giường bệnh, nhưng khi tỉnh dậy câu đầu tiên Bác hỏi là: Nước sông Hồng đã rút chưa? Chuẩn bị ngày khai giảng năm học mới cho các cháu đến đâu rồi? Quốc khánh năm nay có bắn pháo hoa cho đồng bào vui không?... Trước lúc đi xa, trong Di chúc Bác Hồ còn căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
 
Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tuyên dương  các tập thể, cá nhân tiêu biểu qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII.
Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII.
 
Tư tưởng đó đã được Đảng ta khẳng định và chứng minh bằng những thành quả to lớn của đất nước nhờ tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân hôm nay. Tại Tiền Giang, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn coi việc chăm lo đời sống người dân, nhất là với những người nghèo, đối tượng yếu thế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi năm có hàng trăm công trình, phần việc góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
 
Cụ thể, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo”) các cấp trong tỉnh Tiền Giang tổ chức triển khai hiệu quả công tác vận động, sử dụng Quỹ "Vì người nghèo". Năm 2024, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Tiền Giang đã tích cực hưởng ứng, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và chương trình an sinh xã hội được hơn 446 tỷ đồng (trong đó Quỹ "Vì người nghèo" 25,08 tỷ đồng; chương trình an sinh xã hội 421,7 tỷ đồng).
 
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Chí Trung trao quà cho người nghèo, khó khăn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang Nguyễn Chí Trung trao quà cho người nghèo, các hoàn cảnh khó khăn.
 
Từ nguồn kinh phí đã vận động được, Ban Vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều công việc, như: Xây dựng nhà đại đoàn kết; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất; tặng quà học sinh nghèo; tổ chức khám, chữa bệnh; hỗ trợ các công trình dân sinh… Bên cạnh đó, các địa phương với những mô hình, hoạt động hỗ trợ hộ nghèo thiết thực như: Gian hàng miễn phí cho người nghèo, trái tim nhân ái, giúp nhau vượt khó, bếp cơm nhân ái, tấm áo yêu thương…; tặng quà cho 421,196 lượt gia đình nghèo, khó khăn; xây dựng 291 nhà ở cho hộ nghèo, các công trình dân sinh; tặng học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh; hỗ trợ gần 4.000 lượt hộ nghèo phát triển kinh tế.
 
Đối với công tác vận động đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, toàn tỉnh Tiền Giang với tổng số thu ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra hơn 24,4 tỷ đồng; Quỹ Cứu trợ, Quỹ Covid-19 hơn 31,2 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 0,97%.
 
Cộng đồng trách nhiệm chung tay lo cho người nghèo
Cộng đồng trách nhiệm chung tay chăm lo cho người nghèo "không để ai bị bỏ lại phía sau".
 
Huy động mọi lực lượng, nguồn lực thậm chí chấp nhận thiệt hại về kinh tế tạm thời để hỗ trợ người dân, bảo vệ sức khỏe người dân, đồng hành cùng nhân dân vượt qua những năm đại dịch Covid-19, những đợt thiên tai, bão lũ, không để ai bị đói, khát, thiếu chỗ ở… Tất cả đều là những minh chứng sống động về sự trọng dân, vì dân, coi dân là gốc, luôn lấy dân làm gốc của Đảng bộ, chính quyền tỉnh nhà. Đồng thời đã góp phần phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, công kích của các thế lực thù địch, khẳng định bản chất dân chủ ưu việt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của Việt Nam.
 
Chăm lo đời sống nhân dân, làm cho dân ấm no, hạnh phúc theo lời Bác dạy hôm nay chính là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ với nhân dân.
 
SỚM MAI
 
(còn tiếp)
.
.
.