Hiệu quả từ mô hình trồng rau thủy canh
Mô hình trồng rau thủy canh tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đạo Thạnh (gọi tắt là HTX) hiện cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cung cấp nông sản sạch cho thị trường.
Theo Giám đốc HTX Huỳnh Tấn Phúc, sau Đại hội thành viên vào tháng 5-2018, HTX Bưởi da xanh Đạo Thạnh đổi tên thành HTX Dịch vụ nông nghiệp Đạo Thạnh, với phương hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề và xem rau thủy canh là 1 trong 2 sản phẩm chủ lực.
Tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đạo Thạnh. |
Với kiến thức từ ghế nhà trường, ông Phúc cùng một số người khác đã mạnh dạn đầu tư sản xuất rau thủy canh theo quy trình, kỹ thuật hiện đại. Ưu điểm trong sản xuất rau thủy canh là có thể trồng quanh năm, chứ không theo mùa vụ. Tùy theo đơn đặt hàng của đối tác, người trồng có thể điều chỉnh lịch xuống giống cho phù hợp.
Trồng rau thủy canh thuận lợi nhất là những tháng mưa, bởi thời điểm này, rau trồng ngoài trời (không có nhà lưới) dễ bị úng. Trong khi đó, rau thủy canh thì không bị ảnh hưởng, điều kiện lại mát mẻ nên rất thuận lợi để phát triển. Dù hiện nước máy được dùng để sản xuất rau thủy canh, nhưng phương pháp canh tác này không tốn nhiều nước. Bởi lẽ, mô hình sử dụng nước theo quy trình tuần hoàn, tận dụng triệt để nguồn nước. Ông Phúc cho biết, để điều tiết hàm lượng dinh dưỡng phù hợp cho rau, hệ thống trồng rau thủy canh được lắp đặt 1 bồn chứa pha chất dinh dưỡng. Mỗi lần pha sẽ đo hàm lượng dinh dưỡng cho phù hợp, khoảng 5 - 7 ngày sẽ kiểm tra lại, châm nước và pha dinh dưỡng. Mặt khác, sản phẩm rau thủy canh của HTX được sản xuất trong nhà lưới khép kín, không bị ảnh hưởng hay tác động của các yếu tố tự nhiên nên hạn chế tối đa sự tấn công của côn trùng, dịch bệnh. So với các sản phẩm rau an toàn ngoài thị trường, rau thủy canh có giá bán cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi do chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Trong quá trình sản xuất, rau thủy canh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ít sử dụng phân bón nên hàm lượng tồn đọng các chất hóa học trong rau hầu như không có.
Hiện tại, các thành viên của HTX đã xây dựng được 800 m2 nhà lưới khép kín để sản xuất rau thủy canh, chi phí đầu tư khoảng 950 triệu đồng. Các loại rau mà HTX sản xuất đa phần được nhập từ các nước Mỹ, Nhật, Hà Lan… Các loại giống này phù hợp với sản xuất rau thủy canh. Ông Phúc chia sẻ: “Nếu canh tác khoảng 500 m2 nhà lưới rau thủy canh thì sản lượng thu hoạch được từ 1 tấn đến 1,2 tấn/tháng,
năng suất không thua kém gì sản xuất theo phương pháp truyền thống. Hiện rau thủy canh có giá bán trung bình 40.000 đồng - 60.000 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ đi hết chi phí, người trồng có thể thu lợi nhuận từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng/tháng”.
Hiện tại, HTX đã triển khai áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm, liên kết với Tập đoàn Viễn thông VNPT để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm. “Việc sản xuất rau thủy canh khác với việc trồng rau theo phương pháp truyền thống, phải đáp ứng theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt để sản phẩm làm ra mới được sạch” - ông Phúc chia sẻ.
Phương hướng sắp tới của HTX sẽ mở rộng thêm 4.000 m2 nhà lưới khép kín để đảm bảo cung ứng sản phẩm cho thị trường. Nguồn vốn để đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. HTX đang kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ.
M. THÀNH