.
Huyện Cai Lậy:

Thuận lợi và khó khăn trong triển khai dịch vụ công trực tuyến

Cập nhật: 19:51, 14/09/2018 (GMT+7)

“Thời gian qua, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã góp phần mang lại nhiều kết quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của huyện Cai Lậy. Qua đó, người dân có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí đăng ký, làm các thủ tục hành chính”- Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bằng cho biết.

Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa sử dụng thành thạo phần mềm Một cửa điện tử.
Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa sử dụng thành thạo phần mềm Một cửa điện tử.

Thật vậy, tính đến nay, huyện đã tiếp nhận trên phần mềm Một cửa điện tử được 33.973 hồ sơ, đã trả kết quả trước và đúng hạn được 33.887 hồ sơ, đạt 99,7% (trong đó trước hạn đạt 82,8%); trễ hẹn 86 hồ sơ, chiếm 0,3%.

Hồ sơ chủ yếu phát sinh nhiều trên một số lĩnh vực: Chứng thực, hộ tịch, việc làm, quản lý đăng ký cư trú, bảo trợ xã hội, đăng ký kinh doanh; đối với các lĩnh vực còn lại phát sinh rất ít hồ sơ hoặc chưa có người dân thực hiện.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện TTHC, UBND huyện đã ký thỏa thuận hợp tác về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC qua hệ thống bưu điện với Bưu điện huyện Cai Lậy.

Tuy nhiên, việc triển khai DVCTT trên địa bàn huyện Cai Lậy cũng gặp không ít khó khăn như: Hiện tại, vẫn còn một số ngành, địa phương chưa bố trí đủ biên chế, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

Một số ngành, địa phương chưa chủ động rà soát, kiểm soát TTHC và chưa xây dựng quy trình chi tiết, quy trình liên thông đối với một số TTHC vừa được tỉnh công bố nên chưa cập nhật lên phần mềm Một cửa điện tử kịp thời.

Bên cạnh việc đăng tải nội dung hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp trên môi trường mạng trên Trang một cửa điện tử, tại Bộ phận một cửa cấp huyện, xã cũng có phân công công chức phụ trách có trách nhiệm hướng dẫn người dân truy cập, nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng (nếu người dân đồng ý).

Dù vậy, hiện chưa có nhiều hồ sơ nộp trực tuyến qua hệ thống mạng (từ đầu năm đến nay chỉ tiếp nhận được 70 hồ sơ nộp trực tuyến, trong đó cấp huyện 25 hồ sơ và cấp xã 45 hồ sơ).

Qua tìm hiểu cho thấy, mức độ quan tâm, sử dụng của doanh nghiệp và người dân đối với các DVCTT được cung cấp trên địa bàn huyện không nhiều. Một bộ phận lớn người dân là nông dân, người lao động nên trình độ tin học còn hạn chế.

Nhiều người dân trong huyện còn chưa từng được tiếp xúc với máy vi tính nên việc tiếp cận với các DVCTT được cung cấp là không có. Đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện TTHC khi cần.

Để phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn huyện có 70% DVCTT được thực hiện ở mức độ 3 và 30% DVCTT ở mức độ 4 và tăng cường sự tương tác, sử dụng của người dân, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp huyện và xã tập trung vào công tác rà soát, kiểm soát TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị, địa phương mình, nhằm kịp thời phát hiện và đề xuất chỉnh sửa TTHC không phù hợp.

Đồng thời, huyện xây dựng quy trình chi tiết, quy trình liên thông giải quyết TTHC giữa các phòng, ban đến UBND các xã và liên thông với các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn huyện trong giải quyết TTHC cho cá nhân và tổ chức; tổ chức rà soát, lựa chọn các TTHC đủ điều kiện cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4 để cập nhật kịp thời lên phần mềm Một cửa điện tử.

Bên cạnh đó, huyện sẽ trang bị thêm máy vi tính, với mục tiêu 100% cán bộ chuyên trách và công chức xã được trang bị máy vi tính trong thực thi công việc.

Huyện tổ chức tập huấn kịp thời các nội dung điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn mới; đồng thời, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự học nâng cao kiến thức công nghệ thông tin nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0.

Huyện cũng tập trung vào công tác tuyên truyền về DVCTT, về tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Huyện xem đây là công tác trọng tâm, xuyên suốt để người dân hiểu, biết và thay đổi nhận thức để tham gia ngày càng nhiều việc giải quyết TTHC mức độ 4 để hạn chế việc người dân tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức nhằm hạn chế tiêu cực, tận dụng và phát huy trang thiết bị do ngân sách đầu tư và góp phần quan trọng trong triển khai, thực hiện chủ trương xây dựng Chính quyền điện tử.

Ngoài ra, lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp huyện và xã phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra và nhắc nhở cán bộ, công chức có thái độ phục vụ tận tình trong việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp đến nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng và đảm bảo giải quyết hồ sơ đúng thời gian quy định trên thực tế và kể cả trên phần mềm Một cửa điện tử (do thời gian qua một số xã tuy có trả kết quả cho người dân đúng hạn nhưng do xử lý trễ trên phần mềm nên hệ thống báo trễ hạn).

Hiện nay, huyện đã phối hợp Bưu điện tập huấn cho nhân viên các Bưu điện văn hóa xã tiếp nhận TTHC cho người dân có yêu cầu. Điều này sẽ giúp bổ sung thêm nguồn nhân lực cho cấp huyện, xã.

Theo đó, huyện đang chỉ đạo công chức Bộ phận một cửa khi tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân hướng dẫn trực tiếp cho người dân nộp trực tuyến hoặc nộp tại Bưu điện (với điều kiện người dân đồng ý). Đây là cách để người dân làm quen với cách làm mới, khi nhận thấy được tiện ích sẽ tích cực tham gia. Và đây cũng là đối tượng quan trọng hỗ trợ tích cực, miễn phí và rất hiệu quả cho huyện trong việc giúp cho người dân tiếp cận và tương tác với tiện ích do DVCTT mang lại.

P. MAI

.
.
.