.

Bước đột phá trong tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19

Cập nhật: 17:20, 19/05/2020 (GMT+7)

 Kháng thể sản sinh trong cơ thể người từng mắc Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) đã ngăn chặn được nguy cơ nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Kháng thể sản sinh trong cơ thể người từng mắc Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) đã ngăn chặn được nguy cơ nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong điều kiện phòng thí nghiệm. Đây có thể sẽ là một đột phá trong quá trình tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19.

Vắcxin phòng COVID-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Novavax ở Rockville, Maryland, Mỹ ngày 20/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vắcxin phòng COVID-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Novavax ở Rockville, Maryland, Mỹ ngày 20-3-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà khoa học tại Thụy Sỹ và Mỹ trước đó đã tách được kháng thể từ cơ thể của bệnh nhân được điều trị thành công khỏi dịch SARS vào năm 2003.

Sau đó, họ tiến hành thử nghiệm 25 mẫu kháng thể khác nhau để đánh giá khả năng ngăn chặn các tế bào không bị nhiễm COVID-19. Các mẫu kháng thể này nhằm vào các protein gai của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Sau quá trình thực nghiệm, các nhà nghiên cứu đã xác định được 8 kháng thể có thể liên kết với COVID-19 và các tế bào nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó, kháng thể S309 đã thể hiện khả năng đặc biệt mạnh chống lại COVID-19.

Bằng cách kết hợp S309 với các kháng thể ít "năng lực" hơn, các kháng thể này có thể tấn công vào các vị trí khác nhau của protein gai vì vậy làm giảm khả năng biến chủng của loại protein này.

Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, sở dĩ quá trình thực nghiệm có thể đạt được kết quả này là do COVID-19 và SARS đều cùng do virus corona vì vậy có cấu trúc tương tự nhau.

Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này giúp mở ra cách thức sử dụng các hỗn hợp kháng thể chứa S309 để phòng ngừa cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc là một phương pháp điều trị sau khi phơi nhiễm.

(Theo TTXVN)

.
.
.