.

Bảo vệ trẻ em thời công nghệ số

Cập nhật: 09:07, 02/06/2020 (GMT+7)

Sự phát triển của công nghệ và mạng internet đang ảnh hưởng mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của mọi người, mọi gia đình, trong đó có những tác động to lớn đối với trẻ em.

Năm 2019, theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), trên thế giới hiện có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đang truy cập internet hằng ngày. Bình quân, cứ 3 người truy cập internet, có một trẻ em. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe doạ trực tuyến trên mạng internet. Ngoài ra, hơn 75% số trẻ thanh thiếu niên ở Việt Nam không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, theo số điện thoại, địa chỉ nào khi cần trợ giúp về những vấn đề trên mạng.

Theo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH, sau gần 16 năm hoạt động, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 (gọi tắt là Tổng đài 111) đã nhận trên 4 triệu cuộc gọi đến trao đổi về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Số lượng cuộc gọi đến tổng đài 111 tăng đều hằng năm. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 111 đã nhận hơn 230.000 cuộc gọi đến để nhờ tư vấn, hỗ trợ, can thiệp về các vụ việc về trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng Phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em nhận định: Những vấn đề xâm hại trẻ em trên mạng ngày càng đa dạng và phức tạp. Trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, Tổng đài 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu (web đen) trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà. Như vậy, phương thức học trực tuyến (online) là xu hướng giáo dục trong tương lai vừa được triển khai rộng, ngay lập tức xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại cho trẻ em khi sử dụng.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05, Bộ Công an hằng năm tiếp nhận khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan đến trẻ em, tuy nhiên, trong đó số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn. 

Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC)- tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1984 chuyên thực hiện việc thu thập thông tin trên tất cả các nền tảng xã hội về những mối quan ngại, những phản ánh khi trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng- cho biết năm 2019, NCMEC ghi nhận hơn 300.000 phản ánh liên quan đến các vấn đề về trẻ em đến từ Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3 (sau Indonesia và Philippines) trong số các quốc gia phản ánh về trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế xã hội như gia đình, họ hàng người thân, nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên, trên môi trường mạng, hiện còn thiếu các thiết chế để bảo vệ trẻ em. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng đề án với những hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Lắng nghe trẻ để bảo vệ trẻ

Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-1025" do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức mới đây, bà Hoàng Thị Hoa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết việc bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Bà Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ có thể thực hiện việc bảo vệ trẻ em nếu có sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia, liên khu vực. Đồng thời, chúng ta cần phải lấy ý kiến của trẻ em để tìm ra cách giải quyết các vấn đề về trẻ em. Phải để trẻ em phát biểu ý kiến của mình một cách dân chủ, để trẻ em nói về những điều trẻ em lo lắng, trẻ em cần giúp đỡ".

Ngoài ra, đối với những vụ việc xâm hại trẻ em, bà Hoàng Thi Hoa đề cập đến việc không mô tả, tường thuật chi tiết những vụ xâm hại trẻ em cũng như việc xử lý những video, clip, thông tin đã bị phát tán trên mạng để tránh những tổn thương đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân cũng như tránh để mạng xã hội lan tràn những vụ việc đau lòng xảy ra đối với trẻ em.

Còn bà Lesley Miller, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng khẳng định, phải xem trẻ em là trung tâm của các giải pháp cho các vấn đề liên quan đến trẻ em. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề toàn cầu nên Chính phủ các quốc gia không thể đơn lẻ giải quyết vấn đề này mà cần bàn đến phương án phối hợp hành động.

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho rằng, vấn đề này phải được giải quyết bằng những giải pháp công nghệ. Dù công nghệ không giải quyết hết được vấn đề, nhưng cần sử dụng công nghệ sẽ giải quyết được những vấn đề mấu chốt liên quan đến những thông tin trên mạng. Ông Hoàng Minh Tiến đề cấp đến việc xây dựng "Bộ kỹ năng số" với các thông tin trang bị cho trẻ những kỹ năng tương tác an toàn trên môi trường mạng, chủ động bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ có hại.

Song song với việc trang bị kỹ năng cho trẻ, trách nhiệm của những doanh nghiệp công nghệ thông tin là xây dựng hệ sinh thái dành cho trẻ em lành mạnh, hấp dẫn, thu hút trẻ em, để trẻ em tránh xa các yếu tố xấu, độc trên môi trường mạng.

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp truyền thống như: Hoàn thiện hành lang pháp lý, giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức... Việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà cả cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế.

(Theo TTXVN)

.
.
.