.

Liệu pháp tế bào gốc - Hy vọng mới cho người mắc bệnh tiểu đường

Cập nhật: 15:04, 21/08/2020 (GMT+7)

 Đây là nghiên cứu đột phá, cho phép sản xuất HILOS có hiệu quả ngay trong ngày cấy ghép đầu tiên, đưa con người tới gần hơn tới việc đưa phương pháp điều trị này vào thực tiễn.

Phương pháp mới nuôi cấy tế bào sản sinh insulin và việc có thể bảo vệ các tế bào này trước sự tấn công từ hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh sau khi được nuôi cấy tế bào bằng phương pháp này, có thể mang đến hy vọng mới trong việc điều trị cho người mắc bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu phương pháp tế bào gốc để điều trị bệnh tiểu đường. (Nguồn: medicalnewstoday.com)
Nghiên cứu phương pháp tế bào gốc để điều trị bệnh tiểu đường. (Nguồn: medicalnewstoday.com)

Ở các trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 - dạng bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi, tế bào tụy bị phá huỷ nên không thể tiết ra insulin để duy trì sự ổn định của lượng đường trong máu.

Do đó, người bệnh hoàn toàn phải phụ thuộc vào việc tiêm insulin trực tiếp và sử dụng thuốc kích thích sản sinh insulin.

Sự phụ thuộc này còn có thể chấm dứt nếu người bệnh được cấy ghép tụy, tuy nhiên đây là phương pháp phức tạp, có nhiều trở ngại, trong đó việc thiếu người hiến tặng là một trong những yếu tố.

Tuy nhiên, việc ghép tụy thường gặp thất bại do sự không dung nạp với máu của bệnh nhân, và ngay cả khi dung nạp, giống như các trường hợp cấy ghép khác, các phần đươc ghép có thể bị tấn công bởi chính hệ thống miễn dịch của người nhận.

Trong trường hợp đó, các bệnh nhân thường phải dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch để bảo vệ phần được cấy ghép, song mặt trái của việc làm này là khiến các phần còn lại của cơ thể rơi vào tình trạng ốm yếu.

Để xử lý những thách thức trên, một nhóm các nhà khoa học đã tìm kiếm nguồn khác thay thế tụy ghép.

Bằng việc tập trung các tế bào gốc đa năng cảm biến (iPS) để tạo ra thứ mà nghiên cứu gọi là HILOS, hoặc các cơ quan tế bào giống tụy của người. HILOS sau khi được nuôi trong môi trường 3D mô phỏng tuyến tụy, cùng với việc được bổ sung liệu pháp gene, đã thành công sản sinh ra insulin và có khả năng điều tiết lượng đường trong máu khi cấy ghép thành công ở chuột nghiên cứu.

Giám đốc Phòng nghiên cứu gene thuộc Viện nghiên cứu sinh vật học Salk, Ronald Evans, đánh giá đây là nghiên cứu đột phá, cho phép sản xuất HILOS có hiệu quả ngay trong ngày cấy ghép đầu tiên, đưa con người tới gần hơn tới việc đưa phương pháp điều trị này vào thực tiễn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến năm 2014, có khoảng 422 triệu người trên toàn thế giới sống chung với bệnh tiểu đường, cả tuýp 1 và tuýp 2.

Phương pháp cấy ghép tế bào gốc này chỉ được đánh giá có hiệu quả đối với người tiểu đường tuýp 1.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cần phải trải qua quá trình thử nghiệm để khẳng định tính hiệu quả của phương pháp trước khi đưa vào áp dụng thực tiễn.

Ông Evan hy vọng phương pháp này sẽ được thử nghiệm trên người trong 2 đến 5 năm tới.

(Theo TTXVN)

.
.
.