.

WHO kỳ vọng vào vaccine ngừa COVID-19 dạng uống và xịt mũi

Cập nhật: 16:00, 10/11/2021 (GMT+7)

Trưởng nhóm khoa học WHO giải thích ưu điểm của vaccine dạng xịt là nếu xuất hiện phản ứng miễn dịch cục bộ, vaccine sẽ “xử lý” virus trước khi virus xâm nhập vào phổi và bắt đầu gây ra vấn đề.

Một số loại vaccine dạng xịt đang được phát triển và thử nghiệm. Nguồn: economictimes.com
Một số loại vaccine dạng xịt đang được phát triển và thử nghiệm. Nguồn: economictimes.com

Ngày 9-11, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan đã bày tỏ hy vọng về triển vọng phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19 thế hệ thứ hai, có thể bao gồm dạng xịt mũi và dạng uống.

Trao đổi với báo giới, bà Swaminathan cho biết có 129 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng và 194 loại khác đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Các vaccine này được phát triển dựa trên mọi công nghệ và đang trong quá trình phát triển. Bà nhấn mạnh một số loại vaccine sẽ được chứng minh tính an toàn và hiệu quả.

Theo Trưởng nhóm khoa học WHO, một số loại vaccine thế hệ thứ hai có thể mang nhiều lợi thế, nhất là vaccine dạng uống hay dạng xịt mũi, vì chúng dễ đưa vào cơ thể hơn vaccine dạng tiêm.

Bà giải thích ưu điểm của vaccine dạng xịt mũi là nếu xuất hiện phản ứng miễn dịch cục bộ, vaccine sẽ “xử lý” virus trước khi virus xâm nhập vào phổi và bắt đầu gây ra vấn đề.

Không chỉ dừng lại ở COVID-19, bà Swaminathan cho rằng các nhà khoa học có thể sử dụng các nền tảng phát triển vaccine này để hỗ trợ phòng ngừa các căn bệnh khác trong tương lai.

WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 7 loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và tuần trước là Bharat Biotech.

Trưởng nhóm khoa học Swaminathan nhấn mạnh dù không có loại vaccine nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%, song 90% đã là “con số tuyệt vời và đem lại khả năng bảo vệ, so với con số 0.”

Bà khẳng định đến thời điểm này, những loại vaccine mà WHO đã phê chuẩn vẫn chưa ghi nhận bất kỳ dấu hiệu đáng lo ngại nào tới mức tổ chức này phải thông báo cần xem xét lại chúng.

Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP (Pháp), hiện đã có hơn 7,25 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/who-ky-vong-vao-vaccine-ngua-covid19-dang-uong-va-xit-mui/753102.vnp)

.
.
.