Thứ Ba, 17/05/2022, 19:55 (GMT+7)
.

7 sáng kiến đoạt giải cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022

Các sản phẩm được vinh danh ngày 17-5 có giá trị thiết thực giải quyết vấn đề từ cuộc sống, tiềm năng ứng dụng góp phần tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy (thứ 8 từ trái qua) chụp ảnh cùng đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo và các tác giả 7 sáng kiến. Ảnh: Đinh Tùng
Thứ trưởng Bùi Thế Duy (thứ 8 từ trái qua) chụp ảnh cùng đại diện Ban tổ chức, Ban giám khảo và các tác giả 7 sáng kiến. Ảnh: Đinh Tùng

Sau gần 3 tháng tranh tài, cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 đã tìm được chủ nhân các giải thưởng. Trong đó giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất trị giá 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

1. Giải pháp kết hợp công nghệ vệ tinh và chà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả

Thứ trưởng Bùi Thế Duy (trái) trao giải đặc biệt cho đại diện nhóm tác giả giải đặc biệt. Ảnh: Đinh Tùng
Thứ trưởng Bùi Thế Duy (trái) trao giải đặc biệt cho đại diện nhóm tác giả giải đặc biệt. Ảnh: Đinh Tùng

Công trình được vinh danh giải Đặc biệt trị giá 100 triệu đồng thuộc về tác giả Đồng Quang Hùng (Khánh Hòa). Giải pháp nhóm đưa ra là sự kết hợp giữa công nghệ vệ tinh hiện đại với chà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả. Sự kết hợp mang tính cải tiến và đột phá giúp mở ra hướng khai thác mới cho ngành ngư nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại các vùng biển xa bờ, ngư trường truyền thống và vùng biển nước sâu nơi trữ lượng hải sản dồi dào.

Với giải pháp này, ngư dân chỉ cần thả 3-5 phao dò đặt cạnh 3-5 chà tại các vị trí khác nhau. Dựa vào các dữ liệu phao dò cá gửi về thông qua sóng vệ tinh, chủ tàu có thể xác định vị trí đánh bắt, các tín hiệu dự báo như: tọa độ, cá ở độ sâu bao nhiêu, khối lượng cá dự kiến, nhiệt độ nước, dòng chảy... Khi có tín hiệu cá, ngư dân mới thực hiện đánh bắt, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nhiên liệu, chi phí mỗi chuyến đi.

Ưu điểm lớn của giải pháp là chỉ với chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, ngư dân có thể tiếp cận được công nghệ và tăng sản lượng đánh bắt cá từ 3 đến 5 lần, đồng thời tiết kiệm 40% nhiên liệu.

Giải pháp cũng giúp cung cấp nguồn dữ liệu có ý nghĩa trong việc đánh giá dự báo ngư trường, phục vụ cơ quan nghiên cứu và dự báo nguồn lợi khai thác hải sản.

Theo tác giả, với khoảng gần 44.000 tàu các nghề (lưới vây, lưới rê, câu cá ngừ đại dương), giải pháp này có thể đem đến quy mô thị trường giá trị lên đến 5 triệu USD/năm (10$/tàu/tháng).

2. Chiết tách lycopen từ quả gấc

Ông Phạm Hiếu, Phó Tổng biên tập phụ trách báo VnExpress (trái) trao giải nhất cho nhóm tác giả. Ảnh: Đinh Tùng
Ông Phạm Hiếu, Phó Tổng biên tập phụ trách báo VnExpress (trái) trao giải nhất cho nhóm tác giả. Ảnh: Đinh Tùng

Sáng kiến của nhóm nhà khoa học G5-nhóm nghiên cứu phát triển vật liệu mới thuộc Viện hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được trao giải Nhất, giải thưởng trị giá 50 triệu đồng. Công trình đã tách chiết thành công lycopen tinh khiết 98% và nano lycopen dễ tan trong nước.

Lycopen và hệ nano lycopen là những nguồn dược liệu quý, có tiềm năng ứng dụng lớn trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm và công nghệ thực phẩm. Nhận thấy hàm lượng lycopen từ quả gấc cao gấp 70-100 lần so với cà chua, sau 3 năm nghiên cứu nhóm nhà khoa học G5 đã tách chiết thành công.

Đưa ra quy trình công nghệ đơn giản, giải pháp này có thể giúp các công ty hóa mỹ phẩm, thực phẩm nhập được nguồn nguyên liệu có độ tinh khiết cao với giá cả hợp lý. Theo tính toán của nhóm, 1 kg lycopen chiết được có giá khoảng 50- 60 triệu đồng, rẻ hơn 1/3 so với các sản phẩm ngoại nhập (giá trên dưới 150 triệu đồng trên thị trường). Nghiên cứu được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 1/2021.

3. Thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D

Bà Bùi Thanh Vân, Trưởng ban tổ chức cuộc thi (phải) trao giải nhì cho đại diện nhóm tác giả. Ảnh: Đinh Tùng
Bà Bùi Thanh Vân, Trưởng ban tổ chức cuộc thi (phải) trao giải nhì cho đại diện nhóm tác giả. Ảnh: Đinh Tùng

Thiết bị phẫu thuật nội soi xương 3D nhằm lấy triệt để khối u nhưng không làm tổn thương các lớp sụn, xương của bệnh nhân khi mổ. Nghiên cứu của nhóm BS chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, Phụ trách trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh và các cộng sự từ Đại học VinUni phát triển nhận giải Nhì, giải thưởng trị giá 30 triệu đồng.

Thiết bị được thiết kế để dẫn đường giúp bác sĩ tạo ra một đường hầm đi từ bề mặt ngoài xương (vùng an toàn) tới chính xác trung tâm khối u. Qua đường hầm này bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị nội soi để loại bỏ khối u một cách tiện lợi, an toàn và không làm tổn thương bất kỳ cấu trúc nào khác của khớp. Nhóm thực hiện nghiên cứu với bệnh u nang xương sên, xảy ra khi bệnh nhân chơi thể thao, vận động nhiều gây tổn thương ở nang xương trong xương sên gần bề mặt khớp cổ chân.

Theo nhóm nghiên cứu, thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D là dạng mô hình cải tiến hỗ trợ bác sĩ tăng khả năng thành công trong ca mổ và nằm trong danh mục kỹ thuật được Bộ Y tế công nhận.

4. Dự án Deep Signature - công nghệ chống hàng giả bằng blockchain

Ông David Wei - Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam trao giải cho tác giả Nguyễn Đình Quân. Ảnh: Đinh Tùng
Ông David Wei - Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam trao giải cho tác giả Nguyễn Đình Quân. Ảnh: Đinh Tùng

Công nghệ Deep Signature do nhóm của PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Đại học Bách khoa TP HCM (ĐHQG TP HCM) nghiên cứu, nhận giải Ba (giải thưởng 20 triệu đồng). Dự án giúp nhà sản xuất kích hoạt mã ID đại diện duy nhất cho sản phẩm bằng công nghệ blockchain để người tiêu dùng có thể xác thực nguồn gốc chính hãng.

Bằng việc sử dụng một blockchain phi tập trung bất kỳ để mã hóa một mã ID đại diện sản phẩm thống nhất với địa chỉ ví blockchain của nhà sản xuất, tạo ra "chữ ký" duy nhất giúp xác thực hàng hóa đúng nguồn gốc, khiến hoạt động làm hàng giả trở nên bất khả thi. Điểm đặc biệt của hệ thống là sáng tạo ra cơ chế "xác thực một lần" chống việc sao chép lại mã ID của hàng thật để gắn lên hàng giả.

Hệ thống ứng dụng trong thương mại, phân phối, công nghiệp sản xuất, y tế, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm. Với mức chi phí thấp, từ 200 đến 300 đồng/mã sản phẩm (rẻ hơn hàng chục lần so với tem chống hàng giả điện tử SMS hiện nay), nhóm kỳ vọng giải pháp sẽ góp phần xây dựng thị trường tiêu dùng lành mạnh, minh bạch trong nước và nước ngoài.

5. Trà định tâm Assamica

3 nhóm tác giả giải khuyến khích nhận giải từ Ban tổ chức. Ảnh: Đinh Tùng
3 nhóm tác giả giải khuyến khích nhận giải từ Ban tổ chức. Ảnh: Đinh Tùng

Trà định tâm Assamica được trao giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng, là sản phẩm của nhóm MEDTECH do Nguyễn Long Hoàng (23 tuổi), vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM dẫn đầu.

Trà định tâm Assamica được phát triển từ nguồn dược liệu quý Crotalaria Assamica - tên gọi của cây lục lạc lá ổi dài tại vùng núi cao Langbiang, Lâm Đồng. Trà Assamica có tác dụng giải stress, chống mất ngủ; hiện có 4 dòng sản phẩm trà túi lọc, trà hòa tan, trà đóng chai và trà ly tiện dụng.

Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ AI để giám sát quá trình sản xuất, nhằm tối ưu chi phí. Sản phẩm được thực hiện các thử nghiệm độc tính cấp (độ an toàn), tác dụng phụ và hoạt tính an thần trên mô hình in vitro (dòng tế bào) và in vivo (thử nghiệm trên chuột) tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Đại học Y dược TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho kết quả an toàn cho sức khỏe. Hiện nhóm đã hoàn tất các thủ tục về đăng ký độc quyền sáng chế.

6. Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy

Dự án của nhóm Dream Makers do Đoàn Thị Hà Giang (18 tuổi) học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên làm trưởng nhóm nhận giải khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng.

Dự án được thực hiện với ước mong giúp bà con dân tộc Mông không nghe nói được tiếng phổ thông có thể thi được bằng lái xe máy. Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy có file âm thanh dành riêng cho bà con dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt. Nhóm mong muốn phát triển hướng tới các dân tộc khác chưa biết nói tiếng Việt.

Ý tưởng này được Hội đồng Giám khảo nhận xét "rất đáng khích lệ" khi thí sinh tuổi còn nhỏ nhưng đã biết hướng tới khoa học công nghệ hỗ trợ cho người thân, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.

7. Thiết bị tự động đo thân nhiệt phòng Covid-19, điểm danh bằng thẻ RFID giúp dễ quản lý học sinh

Sáng chế từ nhóm của thầy giáo Lê Đức Quốc, trường THCS-THPT Thạnh Lộc (Kiên Giang) nhận giải khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng.

Ý tưởng được thực hiện trong 6 tháng, phát triển thiết bị có hai tính năng nổi bật: đo thân nhiệt và sử dụng thiết bị hồng ngoại dùng để quẹt thẻ RFID điểm danh, giúp giáo viên quản lý học sinh trên phần mềm mà không cần làm thủ công như trước đây.

Hệ thống đã được thử nghiệm thực tế tại 2 phòng học của trường THCS-THPT Thạnh Lộc từ đầu năm đến nay và được đánh giá cao. Khi mở rộng hệ thống, nhà trường chỉ cần đầu tư phần lập trình, nạp thêm thông tin vào phần mềm để quản lý.

Là mùa đầu tiên, giải thưởng Sáng kiến khoa học 2022 thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, các nhà nghiên cứu trẻ từ viện, trường đại học trong nước và nước ngoài. Đây là lần đầu tiên VnExpress tổ chức một sân chơi dành cho các nhà khoa học chuyên và không chuyên với kỳ vọng truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. Giải thưởng vinh danh những sáng kiến có tính ứng dụng cao, giải pháp có tác động sâu, rộng tới các khía cạnh kinh tế, tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống. Có 100 dự án tranh giải được gửi đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, trong đó 88 hồ sơ hợp lệ, nhận được gần 20.000 lượt bình chọn của độc giả. Có 7 dự án được trao giải, trong đó giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng.

(Theo vnexpress.net)

.
.
Liên kết hữu ích
.