Thứ Tư, 18/05/2022, 21:15 (GMT+7)
.

Đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Tiền Giang.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ

Xác định tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển KT-XH của tỉnh, thời gian qua, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến KH&CN giúp cho công tác quản lý và hoạt động này ngày càng có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong những năm qua đã bước đầu khẳng định vị trí, vai trò tiên phong trong việc chuyển tải hiệu quả ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống. Phần lớn các nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu đưa vào ứng dụng đã bước đầu phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực, góp phần giúp cho tỉnh đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH.

Ngành KH&CN nghiên cứu các mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất một số loại rau.
Ngành KH&CN nghiên cứu các mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất một số loại rau.

Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trên từng lĩnh vực có những đóng góp tích cực, thiết thực vào sản xuất và đời sống. Trên lĩnh vực trồng trọt, hoạt động KH&CN tập trung vào các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: Xoài cát Hòa Lộc, thanh long, bưởi, mãng cầu Xiêm, lúa; thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất một số loại rau, hoa theo hướng “nông nghiệp đô thị” đã góp phần thay đổi ý thức người dân về canh tác nông nghiệp bền vững, bảo vệ sinh thái và môi trường.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, hoạt động KH&CN tập trung vào các loại vật nuôi chủ lực của tỉnh như: Gà ta, gà ác, dê, cúc, heo, bò thịt, tôm, cua, cá tra… qua việc ứng dụng quy trình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Thời gian qua, các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh từng bước được đổi mới từ khâu đề xuất, xác định nhiệm vụ, thẩm định nội dung thuyết minh chi tiết, ứng dụng, nhân rộng kết quả… góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN. Giai đoạn 2016 - 2020, đã triển khai 75 nhiệm vụ (55 cấp tỉnh, 20 cấp cơ sở), nghiệm thu 67 nhiệm vụ KH&CN.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN còn đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn doanh nghiệp (DN) thành lập DN KH&CN. Đến nay, Sở đã hỗ trợ hình thành 7 DN KH&CN. Đồng thời, Quỹ Phát triển KH&CN thực hiện giải ngân cho 17 DN vay vốn với tổng số tiền cho vay 81,825 tỷ đồng nhằm thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này đã tạo điều kiện cho các DN đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất.

Ngoài những nhiệm vụ trên, ngành KH&CN còn hỗ trợ bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù địa phương như: Sả Tân Phú Đông, sầu riêng Cai Lậy, mai chiếu thủy nu Gò Công…

KH&CN ĐI SÂU VÀO SẢN XUẤT, ĐỜI SỐNG

Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành KH&CN phấn đấu có 100% nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu có địa chỉ ứng dụng kết quả và có báo cáo về kết quả ứng dụng theo quy định; hỗ trợ từ 2 - 3 DN/năm áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, hỗ trợ ít nhất 2 DN/năm tham gia và đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Ngành KH&CN phấn đấu hỗ trợ ít nhất 8 DN đủ điều kiện thành lập DN KH&CN; hỗ trợ ít nhất 5 sản phẩm đặc sản của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ phát triển ít nhất 20 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển ít nhất 20 dự án học sinh, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển ít nhất 10 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, ngành KH&CN sẽ phấn đấu hoàn thành 2 dự án đầu tư phát triển gồm: Dự án Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ KH&CN, Dự án Nâng cao năng lực của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học giai đoạn 2.

Để KH&CN trở thành động lực trong phát triển và đi sâu vào đời sống, sản xuất, trong giai đoạn 2021 - 2025, nhiều giải pháp đã được ngành KH&CN đề ra.

Theo Sở KH&CN, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KH&CN; phổ biến thành tựu, kiến thức KH&CN, các mô hình ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu KH&CN có hiệu quả vào thực tế sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh.

Một trong những nội dung trọng tâm được ngành KH&CN tập trung thực hiện trong giai đoạn này là đổi mới cơ chế, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về KH&CN. Trong đó, tập trung vào việc đổi mới cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính; đổi mới bộ máy và hoạt động của tổ chức KH&CN; phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN; kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN; phát huy vai trò các tổ chức xã hội trong hoạt động KH&CN.

Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong giai đoạn 2021 - 2025 này. Theo đó, ngành KH&CN sẽ tập trung phổ biến thông tin, tư vấn chuyển giao, đánh giá công nghệ, các dịch vụ KH&CN, phát triển DN KH&CN; xây dựng chính sách thúc đẩy ươm tạo công nghệ và khởi nghiệp; phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các viện, trường. Ngoài ra, ngành KH&CN sẽ tích cực phối hợp với trung tâm khởi nghiệp trong trường đại học thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên, đoàn viên thanh niên.

M. ĐÚNG - M. THÀNH

.
.
Liên kết hữu ích
.