Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, khoa học và công nghệ (KH&CN) càng cần phải phát huy vai trò quan trọng, tạo động lực để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Với sự hỗ trợ, tư vấn của ngành KH&CN, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia. |
Cách đây gần 60 năm, vào ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay). Tại sự kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu, tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển KH&CN.
Người khẳng định: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó… Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi… Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta những giá trị tư tưởng to lớn, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, KT-XH, trong đó có KH&CN. Người luôn quan tâm đến sự phát triển của KH&CN vì Người cho rằng KH&CN có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Người không ngừng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN để phục vụ cho nước nhà.
Tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nhằm thúc đẩy KH&CN phát triển mạnh mẽ hơn, ngày 18-6-2013 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN và thống nhất chọn ngày 18-5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN lần đầu tiên tổ chức công bố Ngày KH&CN Việt Nam vào ngày 18-5-2014 tại Thủ đô Hà Nội.
Ngày KH&CN Việt Nam là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc, các công trình KH&CN có giá trị đóng góp cho sản xuất và đời sống, biểu dương người dân và các bạn trẻ đam mê KH&CN và các đơn vị ứng dụng KH&CN tiên tiến hiện đại.
Đây là dịp để mỗi người, nhà khoa học, người công tác trong ngành KH&CN, doanh nghiệp, nhà quản lý nâng cao nhận thức và trách nhiệm thúc đẩy KH&CN đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà. Bộ KH&CN đã triển khai tổ chức chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm 2022 với chủ đề: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển KT-XH”.
Với ý nghĩa của Ngày KH&CN Việt Nam, thời gian tới, các sở, ngành, tổ chức KH&CN cần quan tâm tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN; trong đó, chú trọng tuyên truyền cơ chế, chính sách nhằm thu hút các cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
Đồng thời, giới thiệu chính sách, pháp luật mới nhằm phát triển và ứng dụng KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo cũng như các mục tiêu, định hướng lớn trong các chiến lược/Chương trình quốc gia về KH&CN đến năm 2030 nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển KT-XH.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng rãi các thành tựu KH&CN nổi bật, các kết quả nghiên cứu KH&CN thuộc các chương trình KH&CN cấp quốc gia về phát triển tài sản trí tuệ, sản phẩm quốc gia, công nghệ cao… phục vụ nhiệm vụ đẩy nhanh phục hồi, phát triển KT-XH của đất nước.
Điều quan trọng là phải tập hợp cộng đồng các nhà khoa học tham gia hiệu quả các chương trình KT-XH mục tiêu của tỉnh. Đồng thời, công bố các thành tựu KH&CN phục vụ cuộc sống người dân thông qua các diễn đàn khoa học, truyền thông giúp cho người dân thấy được các lợi ích của KH&CN đối với cuộc sống.
Một trong những nội dung cần quan tâm thực hiện nữa là tổ chức nhiều sự kiện và các hoạt động nhằm đưa KH&CN đến gần hơn với người dân, đặc biệt ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu khoa học, sáng tạo thông qua giáo dục, triển lãm, tọa đàm khoa học…
Trong đó, chú trọng giới thiệu các mô hình doanh nghiệp tiêu biểu chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đổi mới quy trình sản xuất và kinh doanh, chuyển đổi số, áp dụng mô hình kinh doanh mới phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ để phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Để thực hiện thắng lợi các hoạt động trên, không chỉ ngành KH&CN mà tất cả các ngành, các cấp chính quyền phải tăng cường phối hợp, chỉ đạo đối với hoạt động KH&CN và coi đây là nhiệm vụ quan trọng của từng ngành, từng cấp và phải gắn chặt với nhiệm vụ phát triển KT-XH.
DƯƠNG VĂN BON
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang