Thứ Hai, 02/05/2022, 12:40 (GMT+7)
.

Phương pháp mới xử lý nền đất yếu trong xây dựng công trình dân dụng

Phương pháp gia cố đất, trộn sâu được sử dụng để gia cố nền đất yếu, đất phù sa đạt nhiều hiệu quả trong xây dựng các công trình dân dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng.

Các công trình được triển khai và ứng dụng thực tế.
Các công trình được triển khai và ứng dụng thực tế.

Việc xây dựng nền đắp trên đất yếu là vấn đề “đau đầu” lâu nay đối với người làm công tác xây dựng. Từ đó đặt ra vấn đề là cần nghiên cứu xử lý nghiêm túc, đảm bảo khả năng chịu lực và độ lún cho phép của công trình, đặc biệt là đối với các công trình dân dụng.

Đề tài nghiên cứu “Gia cố nền đất yếu bằng trụ đất xi măng cho móng công trình dân dụng ở Tiền Giang” của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng, Khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường Đại học Tiền Giang ra đời giải quyết khá hiệu quả vấn đề nan giải trên cho các công trình dân dụng ở Tiền Giang hiện nay.

Trong nghiên cứu này, phương pháp phần tử hữu hạn (PTHH) bằng phần mềm Plaxis 3D Foundation được dùng để phân tích sự phân bố tải trọng lên trụ và đất nền của hệ trụ đất xi măng trong gia cố nền đất yếu dưới móng công trình dân dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nền đất yếu đã được gia cố bằng trụ đất xi măng dưới móng công trình dân dụng có quy mô 1 trệt, 2 lầu với hệ trụ đất xi măng đường kính 0,6 m, chiều dài 14,6 m và khoảng cách các trụ là 1 m thì có độ lún là 31,06 mm, nhỏ hơn 2,6 lần độ lún cho phép.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng, công nghệ trụ đất xi măng là một công nghệ mới trong gia cố nền đất yếu. Công nghệ này dùng xi măng làm chất kết dính và trộn cưỡng bức tại chỗ làm cho nền đất yếu đông cứng thành dạng khối, ổn định và có độ cứng lớn hơn, từ đó nâng cao được cường độ đất nền và làm tăng mô đun biến dạng của nền đất gia cố.

“Với công nghệ hiện nay, trụ đất xi măng có thể được chế tạo với nhiều kích cỡ khác nhau. Máy trộn sâu thường có 1 trục cho đến 4 trục trộn. Với máy nhiều trục, các trục này được gắn với cánh quay và quay ngược chiều nhau khi trộn đất với xi măng để tạo ra trụ đất gia cố có chất lượng tốt và đồng đều (đường kính trụ có thể từ 0,5 m cho đến 2 m)” - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng cho biết thêm.

Bên cạnh những ưu điểm về kỹ thuật, phương pháp này cũng cho thấy sự tối ưu về hiệu quả kinh tế so với những phương pháp khác được ứng dụng trong việc gia cố nền đất yếu trước đây. Nghiên cứu đã tạo cơ sở thực nghiệm cho việc áp dụng đại trà phương pháp xử lý nền đất yếu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

TUẤN LÂM

 

.
.
Liên kết hữu ích
.