3 chị em cùng đoạt giải cuộc thi sáng tạo trẻ
Đó là các em Nguyễn Thị Kim Quyên (học sinh Trường THPT Dưỡng Điềm), Nguyễn Đông Sang và Nguyễn Kim Thanh Xuân (cùng là học sinh Trường THCS Bùi Văn Hòa) thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã xuất sắc giành giải Nhất, Nhì và Khuyến khích của Cuộc thi Sáng tạo thanh niên, thiếu niên, nhi đồng huyện Châu Thành lần thứ XIV (2021 - 2022).
3 chị em cùng nhận giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh niên, thiếu niên, nhi đồng huyện Châu Thành lần thứ XIV. |
Với mô hình “Anten kỹ thuật số mặt đất DVB- T2”, em Kim Quyên xuất sắc giành giải Nhất. Kim Quyên cho biết, vào năm 2016 là năm chuyển đổi anten analog sang anten digitan (kỹ thuật số DVB-T2). Lúc này tín hiệu sóng rất yếu nên em nảy sinh ý tưởng chế tạo anten thu sóng mặt đất DVB-T2, để tiết kiệm và thu sóng tốt. Các vật liệu làm nên sản phẩm chỉ dùng dây anten làm cây anten, còn màn hình LCD, bộ loa vi tính, đầu thu sóng DVB-T2 dùng để thử xem hình ảnh và âm thanh dựa trên các nguyên tắc, các tính chất về sóng điện từ.
Thầy Nguyễn Văn Ngoan, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Bùi Văn Hòa đánh giá, đây là một trường hợp khá đặc biệt, bởi 3 chị em từng cùng học chung trường, mày mò cùng nhau, cùng tham gia và cùng đoạt giải. Các em năm nào cũng tham gia mày mò, nghiên cứu tìm tòi mô hình hay tham gia cuộc thi. Còn phụ huynh rất quan tâm và hỗ trợ nhà trường phát huy những ý tưởng sáng tạo của các em. Không chỉ có tư duy sáng tạo mà 3 chị em còn là học sinh nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, chăm ngoan của trường. |
Áp dụng những đặc điểm và công thúc kết hợp với kinh nghiệm thực tế nên chế tạo ra loại anten hình tròn có bước sóng cao nhằm thu sóng hiệu quả. Đặc biệt, chi phí sản phẩm này không cao, lắp đặt dễ, mọi người đều có thể lắp đặt sử dụng, chỉ 20 ngàn đồng trên bộ anten rất an toàn điện, tiện lợi, đáp ứng được nhu cầu thu sóng mặt đất DVB-T2 tốt.
Còn em Đông Sang cũng đoạt giải Nhất với mô hình “Băng tải chuyển hàng phòng, chống dịch Covid-19” trong Cuộc thi Sáng tạo thanh niên, thiếu niên, nhi đồng huyện Châu Thành lần thứ XIV (2021 - 2022). Đây là mô hình được áp dụng rộng rãi trong mùa dịch Covid-19 nhu cầu mua lương thực - thực phẩm, hàng hóa thiết yếu nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiểm Covid-19, do không đảm bảo khoàng cách an toàn, chưa thực hiện tốt vệ sinh phòng dịch.
Riêng đối với mô hình “Dụng cụ lấy nước dừa tươi” của em Thanh Xuân được lấy ý tưởng từ việc uống nước dừa tươi phải dùng dao chặt nhiều lần xung quanh trái dừa để tách nước ra ngoài. Quá trình chặt bằng dao khá nguy hiểm và mất thời gian, nên em nghĩ ra cách dùng dụng cụ lấy nước an toàn và tiện lợi hơn.
Các vật liệu làm nên sản phẩm chỉ với bàn đỡ làm bằng gỗ, dụng cụ cơ khí lấy nước làm bằng inox không rỉ sét. Với mô hình trên, chỉ cần đưa trái dừa tươi lên bàn gỗ chịu lực dùng dao gọt nhẹ một lớp mỏng trên thân trái dừa. Bước thứ hai, lấy trái dừa úp phần gọt xuống bàn gỗ sau đó dùng tay kéo cần của dụng cụ xuống thân trái dừa một đoạn 4 cm rồi kéo cần dụng cụ lên. Lúc này phần nhỏ của thân trái dừa rớt ra ngoài, đồng thời trên thân dừa có lỗ 14 mm. Ngoài ra, mô hình được ứng dụng rộng rãi cho người dân và người bán nước dừa với giá thành khá thấp, chỉ với 600 ngàn đồng cho một dụng cụ.
TUẤN LÂM