Thứ Hai, 06/02/2023, 16:59 (GMT+7)
.

Bánh cuốn Việt Nam xuất sắc lọt top những món hấp dẫn nhất thế giới, mỗi nơi đều có phiên bản riêng mà ít ai biết

Bánh cuốn chính là đại diện tiếp theo làm rạng danh Việt Nam trên đấu trường ẩm thực thế giới.

Nhờ sự đa dạng nguyên liệu và cách chế biến công phu, nhiều món ăn Việt Nam như phở, bún chả, bánh mì,… đã trở thành những cái tên quen thuộc trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Và mới đây, Traveller - chuyên trang du lịch nổi tiếng của Úc đã bất ngờ đưa món bánh cuốn Việt Nam vào top 10 những món ngon hấp dẫn nhất thế giới và khuyến khích các du khách nên thử.

So với phở hay bún chả, bánh cuốn vẫn chưa được nhiều du khách quốc tế biết đến nhưng theo giới thiệu từ Traveller, món ăn này tuy giản dị nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người nấu. Đây là món ăn làm từ bột gạo, được tráng mỏng trên miếng vải và hấp trong vài phút. Sau khi chín, mỗi chiếc bánh sẽ được cuốn thịt lợn băm cùng mộc nhĩ bên trong, chấm kèm nước mắm và ăn cùng hành phi giòn rụm.

Ở Việt Nam, bánh cuốn đã có từ lâu đời. Khi đi qua mỗi vùng miền, món ăn này lại có những phiên bản biến tấu đặc sắc với hương vị riêng biệt.

Bên cạnh kiểu bán cuốn nhân thịt mộc nhĩ nóng hổi quen thuộc thì ở Hà Nội còn có bánh cuốn Thanh Trì với những đặc điểm rất riêng. Bánh cuốn Thanh Trì truyền thống thường được tráng mỏng nên bánh trong và có độ dẻo nhất định, bên trong sẽ không có nhân và được rắc nhiều hành phi lên trên. Ăn kèm với bánh cuốn Thành Trì là chả, đương nhiên là không thể thiếu chén nước chấm được pha từ nước mắm, giấm nếp và vài lát ớt tươi. Hiện tại, 1 số quán còn phục vụ thêm bánh cuốn có nhân mộc nhĩ băm, nhân trứng và thêm thịt nướng để tăng độ hấp dẫn.

Bánh cuốn Phủ Lý (Hà Nam)

Nếu Hà Nội có bánh cuốn Thanh Trì trứ danh thì Hà Nam cũng nức tiếng gần xa với món bánh cuốn Phủ Lý. Phiên bản bánh cuốn này cũng không có nhân bên trong, sau khi tráng xong bánh sẽ được gấp gọn lại nên vỏ bánh khá dày và dai. Thay vì ăn kèm với các loại chả thì bánh cuốn Phủ Lý lại ăn cùng thịt nướng than. Loại thịt được chọn phải là thịt có cả nạc lẫn mỡ nên khi ăn mềm thơm và không bị khô. Bánh cuốn Phủ Lý thường được chấm cùng cùng nước mắm pha loãng và luôn có các loại rau sống đi kèm.

Bánh cuốn Cao Bằng

Bánh cuốn Cao Bằng có phần khác các phiên bản còn lại khi không ăn cùng nước mắm mà thay vào đó là chén nước xương hầm, thêm 1 cây giò, trứng, chút rau thơm thái nhỏ, măng ngâm mắc mật và không kèm hành phi. Phần vỏ bánh cũng được làm từ loại gạo đặc biệt của Cao Bằng. Người ta sẽ xay gạo, pha bột vài tiếng trước khi bán nên bánh tráng xong không bị chua, có màu trắng đục và mùi gạo thơm thoang thoảng. Riêng phần nhân của bánh cuốn Cao Bằng chỉ có thịt heo băm nhỏ được nêm nếm gia vị rồi xào chín chứ không có mộc nhĩ. Khi ăn, người Cao Bằng sẽ nhúng ngập bánh cuốn trong chén nước hầm xương, sau đó dùng đũa vớt lên để từng miếng bánh hoà quyện với vị ngọt thanh của nước hầm xương.

Bánh cuốn chả mực Quảng Ninh

Tương tự như những nơi khác, bánh cuốn Quảng Ninh vẫn gồm lớp vỏ mịn dai làm từ bột gạo cuộn lấy phần nhân thịt heo và mộc nhĩ băm bên trong, chấm kèm với nước mắm và có rắc hành phi bên trên. Tuy nhiên, Quảng Ninh đã tạo ra sự riêng biệt cho món bánh cuốn khi dùng chả mực đặc sản để ăn kèm. Chả mực được chế biến trực tiếp từ mực tươi và giã tay nên có độ giòn dai và mùi thơm nức mũi. Kết hợp với bánh cuốn mềm sẽ tạo nên hương vị không thể chối từ. Ngoài ra, 1 số nơi còn cho thêm chút tôm non vào phần nhân để tăng thêm hương vị cho bánh cuốn.

Bánh cuốn Mễ Sở (Hưng Yên)

Tuy "kín tiếng" hơn các loại bánh cuốn khác nhưng bánh cuốn Mễ Sở ở Hưng Yên vẫn sở hữu những nét hấp dẫn riêng. Bánh cuốn Mễ Sở sẽ làm bánh sẵn từ trước vì loại bánh này thường ăn nguội. Lớp vỏ bánh cũng được tráng khá dày, xếp chồng nhiều lớp lên nhau. Bên trong là nhân thịt heo băm đã xào từ trước và hành phi. Phần nhân bánh thường cho rất ít nên bánh cuốn Hưng Yên sẽ có hình dáng thon dài. Đặc biệt hơn, đi kèm với bánh cuốn Hưng Yên chủ yếu là rau húng lủi để dậy lên mùi thơm riêng biệt.

Theo Báo điện tử Tổ Quốc

.
.
.