.

Để học sinh yêu thích, sáng tạo trong học môn Vật lý

Cập nhật: 15:02, 18/02/2023 (GMT+7)

Vật lý được cho là môn học khô khan vì liên quan nhiều công thức tính toán. Tuy nhiên, để học sinh học tốt môn học này là điều không quá khó; trong đó, vai trò quan trọng nhất là người thầy.

Xét về nguyên nhân khiến học sinh không thích môn học Vật lý, trước hết có thể kể đến, đây là môn tự nhiên với nhiều nền tảng kiến thức rộng lớn trải dài, rất nhiều công thức tính toán nhưng vẫn rất nặng về lý thuyết. Thứ hai, học sinh chưa được trải nghiệm tiếp xúc nhiều với những kiến thức vật lý, chỉ là học lý thuyết từ sách vở. Thứ ba, giáo viên chưa tạo được hứng thú trong quá trình giảng dạy.

Chính vì những nguyên nhân trên, trong giảng dạy môn Vật lý, giáo viên cần tạo hứng thú, khơi gợi niềm đam mê sáng tạo cho học sinh. Cô Phan Thị Diệu Hiền, giáo viên Trường THPT Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), cho rằng phải tạo được ấn tượng tốt ban đầu cho học sinh, nên cần tạo ngoại hình, trang phục phù hợp với tác phong sư phạm, một mặt tạo sự tự tin nơi giáo viên, mặt khác tạo sự tin tưởng ở học sinh đối với giáo viên.

“Bên cạnh đó, giáo viên phải nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao trong từng tiết dạy. Việc đảm bảo giờ giấc, giữ chữ tín với học sinh cũng là điều không thể thiếu. Trong mỗi giờ dạy, giáo viên cần nhiệt tình, ân cần chỉ dạy, trao đổi, tạo sự thoải mái trong từng tiết học, nhưng phải đảm bảo nền nếp, trật tự lớp học”- cô Hiền cho biết thêm.

Một tiết học môn Vật lý ở Trường THPT Vĩnh Bình.
Một tiết học môn Vật lý ở Trường THPT Vĩnh Bình.

Song song đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần nắm bắt được tâm lý học sinh để tiết học thêm hiệu quả. Trong lúc dạy, khi thấy tình trạng nhiều học sinh bắt đầu lơ là, mất tập trung là giáo viên hiểu tiết dạy của mình chưa thật sự gây ấn tượng. Từ đó, giáo viên thay đổi bằng nhiều biện pháp và hình thức làm cho tiết học sinh động hơn, như có thể kể một câu chuyện vui có liên quan đến bài học hoặc hỏi các em có điều gì khó khăn trong lúc học.

Đồng thời, giáo viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy, phát huy được tính tích cực của học sinh; xây dựng được những tiết học lấy học sinh làm trung tâm để học sinh phát huy được năng lực trong học tập. Từ đó, mỗi tiết dạy của giáo viên đều thật sự ý nghĩa và mang lại hiệu quả, cung cấp đầy đủ kiến thức học sinh cần.

Mặt khác, việc tổ chức được các câu lạc bộ, các nhóm nghiên cứu vật lý cho những học sinh đam mê cùng nhau sáng tạo rất cần thiết. Nhóm ban đầu có thể nhỏ nhưng khi hoạt động hiệu quả sẽ được hưởng ứng từ các em có hứng thú với môn Vật lý. Khi đó, học sinh có cơ hội tiếp cận thực tế, tìm hiểu các thiết bị, hiện tượng vật lý rất hay gặp trong tự nhiên.

Khi thực hiện được những giải pháp này, giáo viên sẽ tạo được sự hứng thú học môn Vật lý đối với học sinh THPT. Từ đó, học sinh yêu thích, đam mê với bộ môn này và quan trọng là nắm được kiến thức cơ bản để thi Tốt nghiệp THPT cũng như ứng dụng một cách sáng tạo những gì mình học vào đời sống.

HIỀN DIỆU - PHI LAM

.
.
.