.

Lý giải tảng đá 4.000 năm cắt đôi thẳng tắp kỳ lạ

Cập nhật: 21:17, 17/12/2023 (GMT+7)

Al Naslaa là một tảng đá cứng rắn đồ sộ trông như thể bị cắt đôi ở chính giữa bởi vũ khí laser. Đây là ví dụ tuyệt vời về lực tác động của tự nhiên.

Tảng đá Al Naslaa vào năm 2021. Ảnh: Wikimedia
Tảng đá Al Naslaa vào năm 2021. Ảnh: Wikimedia

Trên thực tế, giới nghiên cứu cho rằng tảng đá Al Naslaa hình thành hoàn toàn do thiên nhiên, theo IFL Science. Tảng đá cao 6 m nằm trên hai bệ đỡ tự nhiên khiến chúng trông như thể đang lơ lửng ở tư thế thăng bằng hoàn hảo với nhau. Rất khó tưởng tượng tảng đá Al Naslaa ra đời do tình cờ nhưng hầu hết giả thuyết khoa học lý giải sự tồn tại của nó tập trung vào quá trình phong hóa.

Nằm ở bán đảo Tayma, Arab Saudi, tảng đá Al Naslaa là một ví dụ về thuật khắc đá thuộc hàng đẹp nhất thế giới. Hình ảnh tượng trưng cho ngựa Arab, dê núi Alps và con người xuất hiện trên khắp bề mặt khối cự thạch. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác hình khắc được tạo ra khi nào, nhưng Al Naslaa có niên đại hơn 4.000 năm.

Có vài giả thuyết xung quanh đường cắt ngay chính giữa tảng đá Al Naslaa. Một giả thuyết trong số đó cho rằng tảng đá nằm bên trên đường đứt gãy và ban đầu đường cắt được tạo ra do mặt đất bên dưới tảng đá dịch chuyển, khiến nó tách đôi ở điểm yếu nhất. Vết nứt sinh ra từ hoạt động này sau đó trở thành một dạng "đường hầm" cho gió cát sa mạc quét qua bề mặt. Khi những hạt cát bay qua khe hở trong hàng nghìn năm, chúng có thể mài mòn vết nứt không bằng phẳng, dẫn tới bề mặt trơn nhẵn tuyệt đối.

Giới nghiên cứu không loại trừ khả năng vết nứt là một thớ nứt, nghĩa là chỗ vỡ hình thành tự nhiên trong đá mà không phải do xê dịch. Kiểu rạn nứt này phân tách những tảng đá và có thể thẳng khác thường như trường hợp của Al Naslaa.

Một giả thuyết khác là phong hóa theo chu kỳ kết đông - tan chảy tạo ra vết nứt khi nước ở thời kỳ cổ đại thấm vào vết nứt nhỏ ở tảng đá sa thạch lúc đó còn liền nhau. Phần nước này sau đó có thể đóng băng khiến vết nứt càng nghiêm trọng. Sau khi thời kỳ lạnh giá kết thúc, băng ở vết nứt rã đông và tan chảy, để lại khe hở theo đường thẳng hoàn hảo chia đôi tảng đá.

Về phần bệ mà tảng đá nằm bên trên, chúng khá phổ biến ở vùng sa mạc, đôi khi được gọi là đá nấm dựa theo hình dáng. Chúng thường là kết quả từ quá trình phong hóa do gió thổi nhanh hơn ở gần mặt đất, mài mòn đá nhiều hơn tại đó, hoặc hoạt động băng hà do đá dịch chuyển để nằm cân bằng trên khối đá khác.

Do bản chất của đá sa thạch, tảng đá Al Naslaa không quá cứng chắc, do đó bị ảnh hưởng bởi phong hóa và tác động từ con người. Có thể nền văn minh cổ đại đã tạo ra khối điêu khắc đá kỳ lạ như một mốc địa lý, khu vực có ý nghĩa tôn giáo hoặc ví dụ về nghệ thuật sơ khai.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.