Nhớ trận bão năm Giáp Thìn 1904 ở Gò Công
Biển Tân Thành (thuộc huyện Gò Công Đông-Tiền Giang), cách thị xã Gò Công 15km, tổng chiều dài 32km, tiếp giáp biển Đông. Người dân các xã ven biển chủ yếu sống bằng việc canh tác nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Các vàm sông có mực nước điều hòa, thuận lợi cho giao thông đường thủy. Một bến cảng thuộc xã Vàm Láng với quy mô khá lớn, các cửa vàm dọc theo tuyến biển tạo điều kiện neo đậu, mua bán cho ghe đáy, ghe câu mỗi khi từ khơi xa về. Một con đê ngăn mặn chạy suốt 32km, song song với gần 2.000 hecta rừng ngập mặn che chắn sóng biển, bảo vệ sản xuất và cuộc sống người dân trong khu vực.
Cảnh sinh hoạt của dân Gò Công trước thiên tai. Ảnh: TL |
Những du khách đến với biển Tân Thành chuộng cảnh quan còn vẻ hoang sơ, thong thả đi dọc triền đê chắn sóng, ngắm những rặng cây đước, sú, dừa nước… mênh mông xanh tươi, kiên cường bao bọc. Hoặc du khách vào các hàng quán lộ thiên để ngồi dưới bóng mát hàng dương, nghe tiếng gió rì rào, thưởng thức các món hải sản nghêu sò, tôm mực… tươi sống được chế biến thơm ngon, ngắm nhìn biển trời lồng lộng, thấp thoáng những chiếc ghe đậu tít ngoài xa đón từng đoàn người hành nghề cào nghêu lũ lượt đi trên bãi cát. Thiên nhiên phóng khoáng, ưu đãi con người là thế, nhưng người Tân Thành - Gò Công hầu như không thể nào quên được trận bão khủng khiếp năm Giáp Thìn (1904) gây thiệt hại nặng nề người và tài sản…
Sau bão lụt, Gò Công thành bình địa. Ảnh: TL |
Qua những ghi chép và lời kể của các bậc cao niên trong vùng truyền lại thì trận bão này đến rất đột ngột, không ai ngờ đoán được. Giữa trưa ngày chủ nhật 1-5-1904 (nhằm 15-3 năm Giáp Thìn), trong lúc người dân Tân Thành đang náo nức chuẩn bị cho lễ cúng Kỳ yên theo tập tục hàng năm, thì trời đang nắng gắt bỗng dưng kéo mây mờ mịt, mưa lác đác, gió giông dần mạnh lên. Ai cũng biết 15-16 âm lịch là ngày chính của con nước rằm, tuy nhiên tháng 3 là mùa nước kém nên chẳng mấy để ý. Theo bài vè dân gian còn truyền tụng lại (do nhà văn Châu Xuân Thiện sưu tầm) có các câu mở đầu:
“Không ai mà rõ thiên cơ
Bước qua mười sáu giông chơi một hồi
Tưởng là một lát mà thôi
Ai dè đến tối nổi trôi cửa nhà…”
Đêm 15 và 16 âm lịch có gió xoáy mạnh khiến cây to ngã đổ, nhà xiêu vách sụp, hoang tàn xơ xác. Rồi nước biển dâng cao, sóng dựng hơn 3 mét, sức gió cuồng nộ cuốn hút nhà cửa, con người, vật nuôi… nhanh chóng dìm trong bể nước ầm ào.
“Cửa Đại, Cầu Muống thân trên
Dòm coi ngó thấy nước lên có vòi
Ban đầu thiên hạ còn coi
Nước lên có vòi hết thảy nhà trôi…”
Suốt đêm đó, cả vùng Tân Thành vang tiếng kêu cứu, gọi nhau, gào khóc vang rân giữa sự hoành hành tàn khốc của thiên nhiên. Người già, trẻ em lên được mái nhà, đụn rơm… cố bám víu, rồi vì đói lạnh, kiệt sức xuôi tay trôi theo sóng nước. Có chiếc thuyền chài vớt được hai người trôi giạt cách xa nhau hơn 15km, đủ biết cơn bão có quy mô rất lớn. Nghe kể có gánh hát bội đang tập tuồng diễn lễ Kỳ yên bị chết gần hết, sau vớt lên xác còn mang hia, vẽ mặt. Trận bão này ảnh hưởng rất xa, tận Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc, Sóc Trăng, Cà Mau…
“Mỹ Tho, Cửa Tiểu ba đào
Bến Tre, Cần Giuộc, Vũng Tàu, Đồng Tranh
Cần Giờ, Bà Rịa chung quanh
Thảy đều hư hại đành rành chẳng sai
Vĩnh Long, Sa Đéc một vài
Cần Thơ cây ngã, lầu đài vô can…”
Thiệt hại về cơ sở vật chất, giao thông rất lớn:
Xe lửa chạy tới Tân An
Tốp máy chẳng kịp, ngã ngang té nhào”
“An Nam lại với người Tây
Chạy đánh dây thép gió bay tróc rồi…”
Những phương tiện, ghe thuyền mưu sinh của người dân không tránh khỏi hư hại do cơn bão:
“Tại kinh Nước Mặn chết nhiều
Ghe bầu, tàu khói tấp xiêu lên bờ
Đứt neo gãy bánh nằm trơ
Tàu khói lên bờ huống luận là ghe…”
Tại Sài Gòn cũng thiệt hại không nhỏ. Báo Kiến Thức Ngày Nay (tháng 9-1996) trích dẫn từ tài liệu lưu trữ thời ấy tả lại cơn bão như sau: “Có một vòi rồng từ trên trời thò xuống làm ngã đổ một toa xe, giựt đứt mái nhà ở đề-pô xe lửa đè nhẹp căn nhà lá, hốt người đàn ông liệng lên không trung rồi liệng xuống đất, thân hình anh ta dẹp như tờ giấy và kéo dài đến 3 mét, để khiêng kẻ bạc mệnh đến nhà xác, người ta phải gấp lại làm đôi… Số người chết chỉ sau một đêm trên 2.000 người, quả là kinh khủng…”.
“Bến Thành nóc chợ cũng bay
Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường…”
Trong bài vè hay nhắc đến những nơi thiệt hại nặng nề, nhất là vùng ven biển Gò Công:
“Gò Công nghe bão nặng nề
Bình Duân, Long Kiểng gần kề hải duyên…”
“Ghe bầu trôi tấp lên bờ
Thây ma trôi tới Cần Giờ quá đông…”
Theo trích dẫn tài liệu của báo Khoa Học Phổ Thông (số 401 - tháng 12/1997) có ghi: “Báo cáo của Rodier- Phó Thống sứ Nam kỳ - thì ngày 1/5/1904 bão tràn vào Gò Công gây thảm họa nhiều nơi… Thống kê báo cáo ngày 6/5/1904 về số người chết: Gò Công chết khoảng 2.400 người…”. Bài vè nghe thê lương hơn:
“Chôn rồi lại lấy lời khai
Tính trong sổ bộ muôn hai rõ ràng
Tân An lại với Gò Công
Gẫm trong bão lụt không còn người ta…”
Thơ “Bão” Gò Công còn truyền tụng:
“Sáng ngày quên tuổi quên tên
Nhà cửa trôi hết đưa lên Bồ Đề
Lội lên nước mắt dầm dề
Ở truồng ở lỗ ê chề ràng đi
Ông Cả làm phước ân thi
Gạo lức nước mắm ăn đi đỡ lòng
Nuốt cơm nước mắt ròng ròng
Đói thì ăn vậy trong lòng xót xa
Vì kẻ mất mẹ còn cha
Người thì mất vợ người thì mất con…”
Qua ngày 17 âm lịch nước rút bớt, người ta đổ xô đi tìm thân nhân trong số xác chết nằm rải rác khắp nơi. Có những gia đình bất hạnh không còn ai sống sót. Thơ “Bão”:
“Rủ nhau dập xác cho liền
Gặp đâu chôn đó chớ hề ai khiêng
Thân chết chôn rồi đã yên
Còn người sống sót gạo tiền đâu ăn
Lúa đổ bòn đãi lăng xăng
Kẻ năm ba giạ để dành hậu thân
Quan trên chẩn tế cho dân
Phát gạo, quần áo đỡ đần lúc nguy…”
Cá biển từ khơi theo sóng dạt vào mắc cạn ở ruộng đồng cũng là nguồn thức ăn đỡ phần cơ cực. Nhà cửa, tài sản tiêu tan, đất đai nhiễm mặn nên sau đó nhiều gia đình phải dắt dìu nhau bỏ xứ tha phương tìm cơ sinh sống. Đau thương, mất mát thê thảm biết dường nào.
“Gặp em đây mới biết em còn
Hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi”
Trong khốn khó cũng không thiếu bọn vô lương tâm hôi của, trộm cướp:
“Rủ nhau đi cất chòi mây
Xóm đâu về đó cho quan lập làng
Vàm Láng nhiều tay điếm đàng
Đến ở, trâu vịt bắt ngang ăn hoài…”
Người Gò Công từ xưa đã có truyền thống đoàn kết, tương trợ nhau khi đồng bào gặp khó khăn. Trong cơn bão, những nhà có ghe thuyền ở xã Tân Tây, Kiểng Phước, Vàm Láng… đều hướng phương tiện về vùng biển Tân Thành bất chấp giông to, sóng lớn để cứu vớt người gặp tai ương. Người sống sót được đưa về chợ Tổng Châu (Tân Tây) đùm bọc áo cơm cho qua cơn ngặt nghèo. Sự cảm thông, giúp đỡ rất là thiết tha, cấp bách:
“Sống vất vả đọa đày đến thế
Ai hảo tâm nên ngó đến cùng
Giúp cho tiền bạc áo cơm
Trước là làm nghĩa, sau thơm danh mình”
Tai họa khắc nghiệt từ thiên nhiên rồi cũng thuộc về quá khứ. Ngày nay, việc nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản vẫn là tiềm năng, thế mạnh của vùng biển Tân Thành. Ngành du lịch đang xúc tiến đầu tư, kết hợp vùng sinh thái biển-vườn Hàng Dương và quần thể Cồn Ngang, Lũy Pháo đài… để thu hút khách tham quan.
Về thăm lại biển Tân Thành, nghe tiếng sóng biển nhấp nhô, đi trên con đê qua các ấp Cầu Muống, Cây Bàng, Vàm Kinh, nhìn những vườn mãng cầu dai, dưa hấu đặc sản, những vườn nhãn, chuối… xanh tươi mơn mởn hứa hẹn mùa hoa trái rộn ràng sức sống, để cảm nhận thành quả này có được từ những giọt mồ hôi lao động miệt mài, bền bỉ của lớp lớp người dân xứ biển. Đến bến phà Đèn Đỏ nhìn sang huyện cù lao Tân Phú Đông để thấy cảnh sinh hoạt tấp nập, phương tiện vững vàng nối liền hai bờ Cửa Tiểu, đã qua thời đò ngang chao đảo, phập phồng. Chợt hỏi ai có chút chạnh lòng hồi tưởng trận thiên tai năm Giáp Thìn 1904 nay đã lùi về dĩ vãng, để hướng tới tương lai tươi sáng trên quê biển mặn mòi…
Theo Văn Nghệ Tiền Giang