.

Công cụ tạo video của OpenAI gây xôn xao cộng đồng sáng tạo nội dung truyền thông

Cập nhật: 16:46, 19/02/2024 (GMT+7)

OpenAI, chủ sở hữu ChatGPT, đang phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) mới, cho phép người dùng tạo ra những đoạn video ngắn từ lệnh văn bản đơn giản. Thông tin này làm dấy lên mối lo lắng xen lẫn sự hào hứng từ cộng đồng chuyên gia truyền thông và họa sĩ thiết kế game.

b

Video do công cụ Sora của OpenAI tạo ra được chiếu trên một màn hình ở Washington D.C. Mỹ hôm 16-2. Ảnh: AFP

Hôm 15-2, OpenAI, nhà phát triển ChatGPT và trình tạo hình ảnh từ văn bản DALL-E, cho biết đang thử nghiệm mô hình chuyển văn bản thành video có tên gọi “Sora”, cho phép người dùng tạo video chân thực với những mệnh lệnh văn bản đơn giản.

Công ty khởi nghiệp có trụ sở ở San Francisco (Mỹ) tiết lộ, Sora có thể “tạo ra những cảnh phức tạp với nhiều nhân vật, kiểu chuyển động cụ thể và chi tiết chính xác về chủ đề và hậu cảnh”. Tuy nhiên, OpenAI thừa nhận, công cụ này vẫn còn những hạn chế, chẳng hạn như có thể nhầm lẫn giữa “bên trái và bên phải”.

Thông tin trên lập tức gây ra phản ứng khác nhau từ các ngành có thể bị ảnh hưởng một khi Sora chính thức được phát hành.

Ví dụ về các clip do Sora tạo trên trang web của OpenAI rất đa dạng về phong cách và chủ đề, từ những cảnh quay bằng máy bay không người lái trông giống như thật phía trên một khu chợ đông đúc cho đến một sinh vật hoạt hình giống như chú thỏ đang nhảy trong một khu rừng.

Thomas Bellenger, người sáng lập kiêm giám đốc nghệ thuật của nhà sản xuất phim ảnh Cutback Productions (Pháp), đã theo dõi chặt chẽ sự phát triển của việc tạo hình ảnh bằng AI tạo sinh.

“Có những người cảm thấy rằng đó là một làn sóng ngầm không thể ngăn cản và đang tiến triển với tốc độ đáng kinh ngạc, nhưng những người khác thì không muốn nhìn nhận như vậy”, Bellenger nói về các công cụ như Sora.

Cutback Productions là công ty tạo ra các hiệu ứng hình ảnh quy mô lớn cho những chuyến lưu diễn của ca sĩ và ban nhạc tên tuổi.

Bellenger cho biết, sự phát triển của AI đã tạo ra rất nhiều cuộc tranh luận trong nội bộ của công ty ông. Bellenger lưu ý, Sora vẫn chưa được phát hành nên khả năng của công cụ này vẫn chưa được kiểm chứng rộng rãi.

“Điều chắc chắn là không ai kỳ vọng một bước nhảy vọt về công nghệ như vậy chỉ trong vài tuần”, Bellenger nói và cho biết thêm, dù tương lai ra sao, công ty ông vẫn “tìm cách tạo ra sự khác biệt”.

Những nhà phát triển nội dung trò chơi điện tử (video game) cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi phát minh mới của OpenAI. Dù vậy, phản ứng trong ngành này có sự chia rẽ giữa những người sẵn sàng đón nhận một công cụ mới và những người lo sợ công việc của họ bị AI “cướp” mất.

Hãng phát triển game Ubisoft của Pháp ca ngợi công cụ mới của OpenAI sẽ là một bước tiến nhảy vọt, với tiềm năng cho phép người chơi và các nhóm phát triển game thể hiện trí tưởng tượng của họ.

“Chúng tôi đã khám phá tiềm năng này trong một thời gian dài”, người phát ngôn của Ubisoft nói với hãng tin AFP.

Alain Puget, giám đốc của nhà phát triển game Alkemi, có trụ sở tại Nantes (Pháp), khẳng định ông sẽ không thay thế bất kỳ họa sĩ thiết kế game bằng các công cụ AI, vốn “chỉ tái tạo những thứ do con người thực hiện”.

Tuy nhiên, Puget lưu ý những công cụ “ấn tượng về mặt trực quan” như Sora có thể được các nhà phát triển nhỏ sử dụng để tạo ra những hình ảnh được hiển thị chuyên nghiệp hơn. Puget kỳ vọng các công cụ đó cuối cùng có thể thay thế “cách chúng ta làm mọi việc”.

Basile Simon, cựu nhà báo và hiện là nhà nghiên cứu ở Đại học Stanford (Mỹ), lo sợ những công cụ như Sora sẽ bị lạm dụng trong các cuộc bầu cử.

Julien Pain của chương trình xác minh sự thật “Vrai ou Faux” (Đúng hay Sai) của kênh truyền hình FranceInfo (Pháp) cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ các công cụ AI bị lạm dụng.

“Cho đến nay, việc phát hiện những hình ảnh giả (do AI tạo ra) là khá dễ dàng. Nhưng những gì mà phần mềm mới như Sora có thể làm dường như ở một cấp độ khác”, Pain nói.

OpenAI và các tập đoàn công nghệ của Mỹ có thể quảng bá rằng các công cụ này an toàn, chẳng hạn như bằng cách chèn hình mờ (watermark) trong hình ảnh do AI tạo ra. “Nhưng các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc và Nga thì sao?”, Pain đặt câu hỏi.

OpenAI cho biết công ty đang phát triển các công cụ có thể phân biệt xem video có phải do Sora tạo ra hay không.

Fred & Farid, công ty quảng cáo đã hợp tác với các thương hiệu Longchamp và Budweiser, dự đoán, trong tương lai, “80% nội dung định hướng thương hiệu sẽ do AI tạo ra”. Tháng trước, Fred & Farid khai trương studio chuyên sử dụng công cụ AI để sản xuất nội dung cho các chiến dịch tiếp thị toàn cầu của các thương hiệu.

Stephanie Laporte,  người sáng lập hãng quảng cáo OTTA, tin rằng công nghệ AI tạo sinh sẽ “buộc ngành quảng báo phải thay đổi”.

Bà cũng dự đoán các công ty quảng cáo có ngân sách eo hẹp sẽ sử dụng các công cụ AI để tiết kiệm chi phí nhân công. Nhưng bà tin rằng một ngoại lệ có thể xảy ra đối với phân khúc sản phẩm cao cấp, nơi các thương hiệu “rất nhạy cảm với tính chân thực”, vì vậy có thể tránh sử dụng AI trong các chiến dịch quảng cáo.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

.
.
.